Cào mặt, móc miệng để tranh lộc là "lộc bẩn"

Diệu Thu Thứ bảy, ngày 11/02/2017 13:00 PM (GMT+7)
Đó là ý kiến của TS. Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trước những sự việc cướp lộc, cướp ấn ở các lễ hội.
Bình luận 0

img

Nhiều thanh niên choảng nhau để cướp lộc tại lễ hội Hiền Quan, Phú Thọ

Nhiều người đặt chữ lộc lên đầu

Chia sẻ với phóng viên, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, xưa kia tung lộc lên, mọi người sẽ xúm vào nhặt lộc, không có cảnh tranh cướp. Người ta tin rằng “hứng lộc” một cách tự nhiên thì lộc đến đầy đủ. Còn bây giờ không còn “hứng lộc” nữa mà nhiều người thi nhau tranh cướp.

“Những tranh cướp này có sẵn trong tâm lý của người đi hội, vì trong xã hội đời thường thì người ta cũng chạy nhanh, rồi vượt đèn đỏ… Tâm lý tranh cướp, giành giật, muốn mình được phần hơn từ cuộc sống đời thực đang tác động vào tâm lý của những người đi lễ hội”, ông Sơn nói.

Theo ông Sơn, cha ông ta vẫn quan niệm, lộc sẽ tự đến với ta, người may mới được lộc. Vì thế, lộc mà người nào tranh cướp mới sẽ không bền vững.

“Những lộc phải tranh cướp mới có được thì người dân quan niệm là "lộc bẩn" và hành vi cướp như vậy là méo mó, phản cảm, đáng bị lên án”, TS.Trần Hữu Sơn nói.

Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho biết, đến lễ hội, nhiều người đặt chữ lộc và quyền cá nhân lên hang đầu. Nhiều khi cá nhân của con người được đặt lên quá, nó can thiệp cả không gian chung. Vì thế xảy ra chuyện tranh cướp, có thanh niên còn đánh đập một cụ già để tranh cướp. Điều này rất phản cảm, đi ngược với quan niệm trọng lão của người Việt.

TS Trần Hữu Sơn lý giải, nếu như ngày xưa cha ông ta quan niệm ‘Phúc, Lộc, Thọ’ thì ngày nay người ta chỉ đề cao giá trị đồng tiền, đề cao chữ lộc, còn những cái khác thì bỏ qua.

“Khi thang giá trị bị đảo lộn thì con người cũng bị định hướng sai lệch, vì thế, đại đa số người ta chạy theo chữ lộc”, ông Sơn nói.

Trước ý kiến cho rằng, lễ hội ngày nay bị biến tướng là do sự trục lợi của các ban tổ chức?, ông Sơn cho rằng, lễ hội là tấm gương của xã hội. Cuộc sống người ta tìm mọi cách để hưởng lợi thì trong lễ hội cũng vậy.

TS.Trần Hữu Sơn dẫn chứng về dịch vụ phát ấn. Di tích nào cũng đặt ra chuyện "phát ấn" - người ta đặt ra nhiều loại ấn, ấn của ông A, ông B, ấn thơ, v.v... Điều này không đúng, đó là các "dịch vụ tâm linh" - là chuyện mua và bán, là mê tín, dị đoan, là trục lợi. Hay như chuyện đốt vàng mã, chỉ riêng tại đền Bà Chúa Kho mỗi năm dân ta đốt vàng mã tương đương 100 tỷ đồng - đó là một sự lãng phí vô cùng lớn.

img

TS.Trần Hữu Sơn, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam

TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo cho rằng, lễ hội đang bị biến tướng thành loại hình bạo lực, tạo nên sự tranh giành, cướp giật. Điều này là mê muội, phản cảm. 

Ông lý giải, lễ hội trở nên bạo lực tranh cướp và bát nháo có nguyên nhân từ tâm lý xã hội. Tâm lý chụp giật, tâm lý không lao động mà được hưởng, tâm lý không đủ tài năng mà vẫn muốn thăng quan tiến chức.

“Xã hội đang có những nhóm yếu thế, đang tồn tại những người đi lễ dù không làm gì mà vẫn cầu hưởng sự giàu sang…tất nhiên họ sẽ dẫn đến hành vi xã hội sai. Chuyện đó chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận”, TS Nguyễn Quốc Tuấn nói.

Vì thế, theo ông Tuấn, các cá nhân không tham gia, không ủng hộ cho những hành vi sai phạm; phải đấu tranh làm sao cho những hành vi lệch chuẩn xã hội, lệch chuẩn tôn giáo không tồn tại.

Hủ tục phải mạnh dạn cắt

Theo các chuyên gia, để đưa lễ hội trở lại với ý nghĩa tốt đẹp và phù hợp với đời sống hiện đại, trước hết, cần nghiên cứu một cách toàn diện với sự quan tâm của các nhà khoa học, nhà nhân học, xã hội học, văn hóa học, dân tộc học.

Ngoài ra, cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần nghe sự tư vấn của các nhà khoa học, chứ không phải theo kinh nghiệm.

“Tóm lại cần nghiên cứu thấu đáo, chứ không nên làm vội vã theo kiểu cứu hỏa, thấy đâu cháy thì dập thật nhanh nhưng không khéo nó lại bùng chỗ khác”, TS.Trần Hữu Sơn nói.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cũng đề xuất các bộ, ban ngành có trách nhiệm cần quan tâm hơn về vấn đề dân trí. 

“Tôi rất đau đớn khi thấy ảnh hai cô gái ngồi trên một tượng trong chùa, hành vi ấy đã giẫm đạp lên lòng yêu văn hóa, yêu con người, những vấn đề thuộc về tâm linh. Có lẽ chúng ta nên đặt lại những viên gạch nhỏ nhất từ những đứa trẻ”, Nhà văn Nguyễn Văn Thọ nói.

Theo Nhà văn Nguyễn Văn Thọ, trong lễ hội nên có những tập tục quy chuẩn văn hóa được ràng buộc, tiết chế, những phần tốt đẹp được phát huy tối đa, còn hủ tục thì phải mạnh dạn cắt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem