Bộ trưởng Bộ VHTTDL: "Lễ hội có sai phải phạt, thậm chí cấm tổ chức"

Mai An Thứ sáu, ngày 24/02/2017 17:36 PM (GMT+7)
Ngày 24.2, Bộ VHTTDL tổ chức sơ kết công tác tổ chức lễ hội đầu năm 2017 với rất nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi.
Bình luận 0

Sáng 24.2, Bộ VHTTDL đã tổ chức cuộc họp sơ kết công tác tổ chức lễ hội năm 2017 với sự tham gia của lãnh đạo các Sở VHTTDL nhiều địa phương. Tại đây, các vấn đề nổi cộm trong tình hình tổ chức lễ hội đầu năm đã được bàn thảo, tìm phương hướng giải quyết.

Thích "cướp lộc" chứ không thích "phát lộc"

Về tình trạng "cướp lộc" ở đền Gióng- Sóc Sơn, ông Tô Văn Động- Giám đốc Sở VHTT Hà Nội chia sẻ: "Những người làm văn hóa bao giờ cũng muốn bảo tồn giá trị truyền thống. Quan điểm của chúng ta là giao lễ hội cho chủ thể tức là giao về cho người dân địa phương. Chủ thể bảo trong nghi lễ thực hành lễ hội là phải "cướp", chứ "phát lộc" không thì không lấy. Vậy chúng ta xử lý việc đó như thế nào? Riêng đối với lễ hội Gióng- Sóc Sơn, nếu Bộ VHTTDL nhất trí cho chủ trương không cho cướp lộc mà phát lộc thì chúng tôi cũng sẽ kiên quyết thực hiện"- ông Động mạnh dạn đề xuất.

img

Cướp lộc hoa tre ở Hội Gióng, Sóc Sơn, Hà Nội (ảnh: zing)

Tuy nhiên, theo ông Động  cần phải phân cấp trách nhiệm rõ ràng không để tình trạng năm nào lễ hội cũng diễn ra, năm nào cũng chấn chỉnh thanh tra kiểm tra nhưng vẫn còn tồn tại. “Công tác thanh tra kiểm tra năm nào cũng diễn ra nhưng có quá nhiều đoàn thanh tra, nhưng cơ bản là xuống khen là nhiều. Thậm chí có nhiều đoàn kiểm tra tranh thủ đi lễ… rồi khen nhau, làm khó cho những đoàn làm việc thực sự”- ông Động cho biết. 

Ông Nguyễn Vũ Phan- Quyền Giám đốc Sở VHTTDL Tuyên Quang than thở: “Thanh tra Văn hóa của Tuyên Quang có 3 người phục vụ 30 lễ hội. Tôi yêu cầu dừng lễ hội chọi trâu nhưng không thể dừng vì ảnh hưởng tới tính mạng người công tác quản lý. Tâm lý đám đông rất nguy hiểm, họ rất manh động”. Ông Nguyễn Vũ Phan cũng đề nghị Bộ VHTTDL đưa ra danh mục lễ hội nào cấm lễ hội nào không. "Ví như, như chọi trâu thì cấm toàn quốc, không thể để chỗ này chọi chỗ kia cấm. Chọi là chọi, làm gì có chuyện 2 con trâu đối đầu vào nhau. Tại sao có chỗ gọi chọi trâu là di sản, có chỗ thì bảo là bạo lực? Phải làm rõ, vì chúng tôi giải thích với bà con họ không chịu”- ông Phan nói. 

Xưa là hội làng, giờ là hội vùng

Về hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ), ông Nguyễn Đức Thủy- Phó Giám đốc Sở cho biết: "Năm 2017 còn một chút vướng mắc đó là sự tham gia của người dân ý thức chưa cao, nên có hành vi chen lấn xô đẩy đó là màn tranh phết. Trước đây lễ hội là quy mô cấp làng nhưng giờ là quy mô cấp vùng. Lượng người dân đến hội này gấp hàng chục lần so với trước. Huyện đã tăng cường lực lượng an ninh, xã tổ chức thành diễn trường, có hàng rào. Nhưng với ý thức của thanh niên và người dân vùng khác tham gia tranh cướp tạo hành động chen lấn xô đẩy làm ảnh hưởng chung đến lễ hội. Mặc dù trông có vẻ phản cảm, nhưng trong động tác của lễ hội như thế không phải phản cảm. Ví dụ tranh phết, người tranh giơ tay để ra ký hiệu tranh phết  chứ không phải để đánh nhau. Đề nghị báo chí tiếp cận đúng bản chất của lễ hội". 

img

Cướp phết ở hội Phết Hiền Quan, Phú Thọ (ảnh: zing)

Bày tỏ quan điểm thẳng thắn về tình trạng lễ hội đầu năm còn có sự lộn xộn, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: "Chúng ta tổ chức các lễ hội lớn gần đây cũng với mục đích là thu hút khách du lịch và thu được tiền từ hoạt động đó. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là lợi dụng tổ chức lễ hội, biến tướng để thu tiền, mưu lợi cá nhân. Lễ hội có thể thay đổi hình thức nhưng không thể thay đổi bản chất, không thể đánh tráo khái niệm. Ví dụ chọi trâu ở Tuyên Quang, chưa xin phép là phải cấm, phát ấn ở hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Quảng Ninh đang đánh tráo khái niệm về lễ hội, đền thờ Quang Trung tại Nghệ An cũng phát ấn, không thể sáng tạo lễ hội mới, bởi nếu như vậy sẽ diễn ra tình trạng tràn lan lễ hội, tràn lan phát ấn..."

Theo Bộ trưởng Thiện, ranh giới an toàn và không an toàn, đặc biệt với lễ hội có hàng vạn người tham gia thì tâm lý đám đông luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, vì thế cần phải ngăn chặn, kiểm soát số lượng.

"Trong bóng đá có vi phạm gì là bị xử phạt, phạt tiền hay cấm thi đấu thì tôi nghĩ lễ hội cũng phải phạt, phạt tiền và đánh vào trách nhiệm, ví như cấm không được tổ chức. Thú thật là chúng ta cũng chưa nghiêm khắc với việc tổ chức lễ hội đâu”- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện thẳng thắn nhận xét. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem