CẬP NHẬT: An ninh thắt chặt tại trận địa pháo hoa duy nhất ở Hà Nội
Tết Tân Sửu 2021: “Hy vọng mọi thứ trở lại bình thường”
Nhóm PV
Thứ năm, ngày 11/02/2021 20:00 PM (GMT+7)
"Năm nay có thể xem như một giao thừa đặc biệt không chỉ đối với tôi mà với tất cả mọi người. Hy vọng năm mới, dịch bệnh được đẩy, lùi, mọi thứ trở lại bình thường" - anh Lê Văn Hùng (quận Sơn Trà, Đà Nẵng) chia sẻ.
Ghi nhận của PV Dân Việt vào lúc 0h ngày 12/2 (mùng 1 Tết), chỉ có lác đác vài phương tiện lưu thông trên đường. Những năm trước vào tầm giờ này, các tuyến phố tại trung tâm luôn kẹt cứng vì dòng người đổ về đón giao thừa, nhưng nay vắng lặng hẳn. Tại các hàng quán, điểm vui chơi cũng vắng bóng khách tham quan.
Đối với nhiều người dân tại Đà Nẵng, đây có lẽ là một mùa giao thừa đặc biệt. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Đà Nẵng đã quyết định dừng bắn pháo hoa đêm giao thừa Tết Tân Sửu 2021. Bên cạnh đó, nhiều sự kiện văn hóa - giải trí thường niên cũng bị gác lại. Những điều này đã khiến lượng người ra phố đón giao thừa năm nay sụt giảm hẳn so với năm trước...
Anh Lê Văn Hùng (quận Sơn Trà) cho biết: "Năm nay có thể xem như một giao thừa đặc biệt không chỉ đối với tôi mà với tất cả mọi người. Như mọi năm, sau khi dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị mâm cúng cuối năm xong thì cả nhà tôi sẽ ra đường ngắm phố, xem pháo hoa. Năm nay, do thành phố chủ trương ngừng bắn pháo hoa nên tôi quyết định đưa 2 con ra chụp ảnh ở đường hoa rồi về nhà đón giao thừa. Hy vọng năm mới, dịch bệnh được đẩy, lùi, mọi thứ trở lại bình thường".
Truyền hình trực tiếp màn bắn pháo hoa đón chào năm mới Tân Sửu 2021:
23h30:
An ninh thắt chặt xung quanh điểm bắn pháo hoa duy nhất tại Hà Nội
Xung quanh khu vực công viên Thống Nhất, nơi được chọn làm điểm bắn pháo hoa duy nhất của Hà Nội được lực lượng chức năng lập chốt, kiểm soát người dân tránh tụ tập nơi đông người để phòng dịch Covid-19.
23h:
Đà Nẵng: Đường phố vắng vẻ trước thềm giao thừa
Khoảng 23h, một số tuyến đường tại trung tâm thành phố Đà Nẵng như Trần Phú, Phan Châu Trinh, Lê Hồng Phong… khá vắng vẻ.
Giao thừa Tết Tân Sửu đến trong hoàn cảnh dịch Covid-19 xuất hiện ở nhiều địa phương trên cả nước. Đà Nẵng không tổ chức bắn pháo hoa đón giao thừa dịp đầu năm, vì thế người dân cũng không “mặn mà” với việc ra khỏi nhà.
Anh Nguyễn Huy Đạt (trú quận Thanh Khê) chia sẻ: “Mọi năm mình cùng bạn bè đón giao thừa ngoài đường, nhưng năm nay mình quyết định sẽ cùng gia đình đón giao thừa tại nhà. Năm nay Đà Nẵng không bắn pháo hoa thêm vào đó là tình hình dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp. Ở nhà là điều nên làm lúc này”.
Ghi nhận tại đường hoa xuân Đà Nẵng, người dân, du khách tham quan, chụp hình tại đây cũng dần thưa thớt về đêm. Mọi người khi tham quan đường hoa xuân đều mang khẩu trang, đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19.
22h:
Trận địa pháo hoa mừng năm mới tại thủ đô Hà Nội đã sẵn sàng
Tại công viên Thống Nhất, nơi đặt trận địa pháo hoa tầm cao chào mừng năm mới Tân Sửu 2021, công tác chuẩn bị đã hoàn tất. Hầu hết các ngả đường hướng đến cổng chính của công viên Thống Nhất đều đã được đảm bảo an ninh.
21h30:
Tết Nguyên đán mang giá trị nét đẹp nhân văn sâu sắc
Trao đổi với PV Dân Việt chiều 30 Tết Nguyên đán, Thượng tọa Thích Thanh Huân - Phó Chánh văn phòng Hội đồng Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam - đánh giá ý nghĩa của Tết Nguyên đán với mỗi người dân Việt Nam.
Cụ thể, Thượng tọa Thích Thanh Huân đánh giá: “Tết Nguyên đán đối với người dân Việt Nam mang giá trị nét đẹp nhân văn sâu sắc, nó không chỉ thể hiện sự giao hòa giữa những giá trị văn hóa tâm linh với văn hóa đời sống xã hội, mà còn mang ý nghĩa đoàn viên được xem là dịp mọi người hướng về cội nguồn, những người thân trong gia đình”.
Vào những ngày này, ai cũng mong muốn được đoàn tụ, gắn kết mọi người trong gia đình, không chỉ với những người đang còn sống mà cả với những người đã khuất. Tết giúp mọi người xây dựng mối quan hệ giữa mình với thế giới xung quanh, giữa người với người, giữa người với thiên nhiên, hòa mình với khí trời, sắc xuân. Ai cũng mong muốn mang lại điều tốt đẹp cho nhau, sự may mắn, ấm cúng, đoàn viên. Tết còn là ngày người ta xoá đi hiềm khích, hóa giải những điều không tốt đẹp bằng tâm lượng khoan dung vị tha.
Có thể nói Tết được làm mới cả cảnh sắc lẫn tinh thần, mọi người đến với nhau vui vẻ, thân thiện... Do vậy, ngày Tết đã trở thành nét đẹp đầy bản sắc của người Việt, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mỗi con người”.
21h20:
Khá đông người dân Hà Nội ra đường để đón chào năm mới
Thủ đô Hà Nội: Mặc dù năm nay không tổ chức bắn pháo hoa tại Bờ Hồ, nhưng gần đến thời khắc giao thừa, khá đông người dân thủ đô vẫn ra đường để đón chào năm mới. Ghi nhận của PV vào lúc 21h tại các tuyến đường Hàng Khay, Tràng Tiền, Hàng Bài... lượng phương tiện hướng về phía Bờ Hồ ngày một đông. Lực lượng chức năng đã có mặt tại ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay để phân luồng tránh ùn tắc giao thông và đảm bảo an ninh trật tự.
21h05:
Đà Nẵng: Nhiều gia đình đưa con cháu đi tham quan, chụp ảnh kỷ niệm
Tại đường hoa xuân Đà Nẵng (dọc tuyến đường Bạch Đằng), rất đông gia đình đưa con cháu đi tham quan, chụp ảnh kỷ niệm. Càng về tối nay, dòng người đổ về đây càng đông.
Hầu hết người dân khi tham quan đều mang khẩu trang phòng dịch Covid-19, chỉ khi chụp ảnh mọi người mới tháo ra. Chị Nguyễn Thanh Thủy (trú quận Hải Châu, Đà Nẵng) chia sẻ: "Tôi thấy năm nay đường hoa xuân tại Đà Nẵng rất đẹp. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thành phố có chủ trương không bắn pháo hoa, tuy rất buồn nhưng tôi nghĩ đây là giải pháp an toàn nhất hiện nay".
20h50:
Cái Tết đặc biệt ở TP.HCM
Tết Tân Sửu 2021 cũng là một năm khá đặc biệt, khi vì lý do dịch Covid-19 đang lan rộng, nên nhiều người làm ăn xa quê đã không thể rời TP.HCM về quê đón Xuân mới. Tuy nhiên, họ cũng vẫn chuẩn bị được cho mình một cái Tết ấm cúng, nghĩa tình và an toàn trong mùa dịch.
Đón Tết xa nhà ở TP.HCM.
20h45:
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dâng hương tại tượng đài Vua Lý Thái Tổ
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dâng hương tại tượng đài Vua Lý Thái Tổ (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sau khi dâng hương, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đi thăm hỏi, động viên người dân và công nhân lao động Thủ đô trong đêm giao thừa.
20h30:
Chiều nay (30 Tết), tiểu thương chán nản, vứt hoa cây cảnh ngổn ngang như rác ở chợ cây Tết lớn nhất Hà Nội (Quảng An).
20h:
Địa điểm thiết lập trận địa pháo hoa ở Hà Nội là bên hồ Bảy Mẫu, công viên Thống Nhất thuộc quận Hai Bà Trưng. Màn bắn pháo hoa chào đón Tết Tân Sửu sẽ được truyền hình sự tiếp cho đồng bào cả nước theo dõi qua màn hình tivi.
Ghi nhận của PV chiều nay (11/2), công tác an ninh đã được Bộ Tư lệnh Thủ đô và các đơn vị chức năng thắt chặt tại công viên Thống Nhất. Các cổng ra vào của công viên đều được kiểm soát nghiêm ngặt người ra, vào và hoàn toàn phong tỏa để phục vụ công tác thiết lập trận địa pháo hoa.
Nhiều phương tiện chuyên dụng như xe cứu hỏa, xe quân sự đã được huy động tiến vào bên trong khu vực công viên Thống Nhất, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống khẩn cấp có thể xảy ra.
Dưới đây là những hình ảnh về trận địa pháo hoa được thiết lập tại công viên Thống Nhất chiều nay:
Vui lòng nhập nội dung bình luận.