Văn Chinh
Thứ tư, ngày 17/02/2021 06:30 AM (GMT+7)
Láng giềng (chữ Nôm: 鄰盈) nghĩa là gần nhau, cạnh nhau. "Láng" là sát nhau, đôi khi lấn nhau (có câu "đi láng qua nhau", tức là chạm và thậm chí xô người mình láng).
Chữ "láng" là từ thuần Việt, nhưng đa nghĩa; có câu "thơm/thối điếc mũi hàng xóm", vì trong một không gian, khí lại là của chung, hít thở chung; khí thở theo gió từ bên anh tạt qua bên tôi, cành cây vườn nhà tôi ngả sang vườn nhà anh nên mới cần đến "giềng" (giềng mối) làm căn cứ để tránh xâm canh xâm cư. Lại vì người xưa chưa có cọc bê tông hay gạch sứ, chỉ trồng cây làm ranh giới, mà cây thì vật đổi sao dời, lâu ngày biến đổi nên có một luật lệ thành tục ngữ: "Đất căng giây, cây cắm sào" để khu xử giữa hai nhà, do sống gần nhau, người ta thường ngấm ngầm xâm lấn đất của nhau.
Mọi xích mích tranh cãi, ẩu tả nhau giữa những nhà láng giềng đều từ sự xâm lấn (đất, khí thải…) mà ra cả.
Hóa ra, tri thức khi biết can dự vào việc làng và can dự đúng, thì nó tạo thành nếp văn hóa êm đềm, thân ái, bền vững; nó tạo nên sức mạnh của lý tình, của câu chuyện láng giềng....
Và đó là cả một vấn đề nan giải của lịch sử. Người Việt vẫn lấy nhún nhường làm cốt lõi của cư xử, "một sự nhịn là chín sự lành", "trăm cái lý không bằng tí cái tình", "bán anh em xa mua láng giềng gần"… Nhưng kẻ xấu lợi dụng cái nết nhịn mà lấn tới, đời này nhịn, đời sau không nhịn nổi nữa, vậy là tranh chấp lân bang xảy ra. Thậm chí, ngay trong đời ấy khi mà "con giun xéo lắm cũng quằn", là bùng nổ xích mích. Do người Việt không trọng lý bằng tình, lại do "quan thấy kiện như kiến thấy mỡ", sợ rằng "vô phúc đáo tụng đình" vì "đồng bạc đâm toạc tờ giấy" nên các quan hệ dân sự thường là tự xử, nhỏ thì cãi chửi nhau, lớn thì đánh đấm nhau, đốt nhà hay chặt chân trâu bò của nhau.
Ngược lại, quan hệ láng giềng giữa những người biết điều là một truyền thống tốt đẹp làm nên tình làng nghĩa xóm, tạo nên cố kết cộng đồng và sức mạnh dân tộc cũng từ đó mà ra. Câu ca xưa, "Lạnh lùng sao láng giềng ơi/Láng giềng lạnh ít sao tôi lạnh nhiều" chứa đựng biết bao là chia sẻ, tương thân. Tính nết người Việt có một nét lớn: Xích mích giữa hai nhà dù lớn đến đâu cũng là rất nhỏ so với xích mích giữa hai làng, hai nước. Do đó mà đang giận hờn nhau, nhưng khi làng/nước có việc là sẵn sàng gác việc riêng để cùng gánh vác việc chung, sát cánh. Có nhiều khi là thông qua việc chia sẻ tránh nhiệm chung với làng/ nước mà thù oán cũ được cởi bỏ giữa hai nhà.
Tình làng nghĩa xóm vừa là nếp sống tích cực vừa là văn hóa. Nếp sống hỗ trợ giúp đỡ nhau lúc "tối lửa tắt đèn", những việc lớn như đánh cướp, cứu hỏa hay đào ao vượt thổ đều cần hàng xóm giúp sức mới thành. Mỗi khi có đại sự như cha già mẹ héo, cưới xin, đau ốm mới thấm thía cái tình ăn ở với nhau.
Cụ Nguyễn Công Trứ khi lập huyện Tiền Hải (Thái Bình) đã "quy hoạch nông thôn mới" để ngăn ngừa mọi rắc rối xích mích về sau. Ấy là chia cho mỗi nhà một mẫu (3.600m2), vuông mỗi bề 60m. Cụ khuyên đào ao vượt thổ, độ hơn một sào ao sẽ được hơn một sào thổ cư, lại khuyên trồng tre gai (loại tre cây nhỏ, mọc thành bụi đan nhau), chỉ nơi làm chuồng trại, hố xí. Như thế, hàng xóm tham mấy cũng không thể lấn chiếm đất đai, có đành hanh mấy cũng không "thải" xú khí sang nhà bên cạnh được. Tôi ngẫm suốt 70 năm qua, làng tôi (ở Tiền Hải) chưa hề bị tranh chấp với làng bên, các nhà chưa hề đánh chửi nhau do xâm canh. Có lẽ, cụ Trứ là người thấu hiểu nghĩa của hai chữ "láng giềng"?
Vâng, ấy chính là triết lý "yêu nhau rào dậu" cho kín vậy. Và hóa ra, tri thức (khoa học) khi biết can dự vào việc làng và can dự đúng, thì nó tạo thành nếp văn hóa êm đềm, thân ái, bền vững; nó tạo nên sức mạnh của lý tình, của câu chuyện láng giềng nhân ngày xuân chúng ta cùng trò chuyện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.