Cấp phép ca khúc trước 1975: Đổi mới cách làm, liệu có thông?

Thứ hai, ngày 18/03/2013 06:30 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đã có rất nhiều khúc mắc trong đời sống âm nhạc liên quan đến cấp phép phổ biến ca khúc trước 1975. Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết sẽ đổi mới phương thức làm việc, nhưng vẫn còn khá nhiều vướng mắc.
Bình luận 0

Cửa ải gian nan

Với các hãng băng đĩa nhạc hay các nhà tổ chức chương trình ca nhạc, việc làm thủ tục xin phép phổ biến ca khúc mỗi khi muốn ra mắt một liveshow, một album là việc không hề đơn giản. Bởi vì rất có thể, danh mục các ca khúc trong chương trình A đã từng được một nhà sản xuất xin cấp phép cho chương trình B trước đó, nhưng vì không được biết thông tin này, nên họ vẫn phải làm thủ tục lại từ đầu với Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Quy trình này vừa tốn phí công sức vừa mất thời gian. Ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: “Cục đã có công văn gửi các sở VHTTDL yêu cầu các sở sẽ đứng ra tập hợp danh sách các ca khúc trước năm 1975 để gửi về Cục, sau đó Cục sẽ thành lập Hội đồng xét duyệt, tuyển chọn và công bố công khai danh sách các ca khúc”.

img
Album nhạc xưa của các ca sĩ có rất nhiều ca khúc sáng tác trước năm 1975.

Việc làm này đã được coi như là sự “cởi trói” cho hoạt động cấp phép ca khúc từ trước tới nay, thay vì đợi các nhà sản xuất chương trình, băng đĩa mang danh sách đến, Cục chủ động đưa ra một danh sách ca khúc đã được “cấp giấy thông hành” để những người có quyền lợi liên quan chỉ việc tra cứu. Việc làm này, đáng lẽ phải được tiến hành từ lâu mới phải, vì nó khá đơn giản, tạo thuận lợi cho nhà sản xuất và cũng làm phong phú thêm danh mục các ca khúc phục vụ khán giả.

Thế nhưng từ trước tới giờ, thông tin các ca khúc mới được cấp phép chỉ đến với toàn xã hội khá lõm bõm thông qua kênh báo chí, rất khó theo dõi. Còn trên trang web của Cục, danh mục ca khúc này được cập nhật khá lộn xộn, khó hiểu vì nó chẳng được sắp xếp theo thứ tự lớp lang mà cùng tồn tại ở 2 danh mục “Các bài hát trước năm 1975 và trong thời kỳ chung tay xây dựng đất nước được phép phổ biến”, “Danh mục các bài hát trước năm 1975 được phép phổ biến”.

Đã thế, không biết có phải vì từ khi có “tin vui” về thủ tục cấp phép nên số lượng truy cập vào trang web của Cục Nghệ thuật biểu diễn tại địa chỉ cucnghethuatbieudien.gov.vn tăng đột biết hay không mà trong suốt ngày 17.3, người dùng mạng không thể truy cập vào trang web này.

Duyệt bài hay “duyệt” người?

Ông Võ Trọng Nam - Phó Giám đốc Sở VHTTDL TP.HCM cho biết, trước đây sở từng lập ban tư vấn, hội đồng thẩm định cấp phép nhưng ban này phải huy động nhiều nguồn nhân lực để thẩm định cả nội dung lẫn nhân thân tác giả. Bởi có những tác giả nhân thân có vấn đề thì không thể cấp phép, dù ca khúc không vấn đề. Đây cũng là một vấn đề gây vướng mắc trong việc cấp phép ca khúc trước 1975.

Ca sĩ Ánh Tuyết cho biết: “Tôi mong mỏi việc xét duyệt ca khúc nên tập trung vào nội dung ca khúc chứ đừng quá chú tâm đến nhân thân tác giả, bởi điều đó có thể sẽ làm hạn chế lượng lớn ca khúc rất hay không được phổ biến trong khi chúng xứng đáng đến được với công chúng”.

Có lẽ nếu thực sự muốn có một sự “đổi mới” trong việc cấp phép ca khúc thì Cục Nghệ thuật biểu diễn nên có chủ trương thống nhất tới từng sở VHTTDL về việc có hay không việc quan tâm đến nhân thân của tác giả ca khúc. Bởi nếu chỉ vì ca khúc đó được sáng tác bởi một nhạc sĩ còn chút vấn đề về nhân thân mà không được phổ biến thì cũng quá thiệt thòi cho người yêu nhạc.

Tuy đã có công văn gửi đi, nhưng bước tiếp theo để hiện thực hóa nó còn rất nhiều việc phải làm, đã có một số ý kiến phản hồi từ các sở VHTTDL Hà Nội và TP.HCM rằng kinh phí từ đâu để làm công việc này bởi việc đi sưu tầm, tìm kiếm các ca khúc cũng rất công phu và mất thời gian. Một số nhạc sĩ từng có nhiều ca khúc sáng tác trước năm 1975 cũng lên tiếng đặt câu hỏi, tự họ có thể mang các ca khúc của mình tới để xin cấp phép được không, bởi vì từ trước tới nay, việc xin cấp phép hoàn toàn phụ thuộc vào các hãng băng đĩa, họ xin cho ca khúc nào thì biết ca khúc đó, trong khi những ca khúc còn “trong bóng tối” cũng rất nhiều.

Thiết nghĩ, để thực sự làm cho thông thoáng việc cấp phép các ca khúc trước năm 1975, Cục Nghệ thuật biểu diễn cần phải có những động thái tích cực hơn để giải quyết tất cả những khúc mắc này.

Cấp phép thêm 8 ca khúc của Trịnh Công Sơn

Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa cấp phép biểu diễn cho 8 ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đây là ca khúc nằm trong tuyển tập các “Ca khúc Da Vàng” của cố nhạc sĩ.

img
 

Đó là “Cánh đồng hòa bình”, “Đồng dao hòa bình”, “Người mẹ Ô Lý”, “Nước mắt cho quê hương”, “Đôi mắt nào mở ra”, “Dựng lại người, dựng lại nhà”, “Ta thấy gì đêm nay” và “Chờ nhìn quê hương sáng chói”. Để kỷ niệm 12 năm Ngày nhạc sĩ đi xa, một chương trình ca nhạc mang tên “Nhớ Trịnh Công Sơn” sẽ được tổ chức vào ngày Chủ nhật 31.3 tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP.HCM. Chương trình có sự tham dự của các ca sĩ Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Lam, Đức Tuấn, Ngọc Mai, nhóm MTV và saxophonist Trần Mạnh Tuấn... Một số ca khúc mới được cấp phép sẽ được trình diễn trong chương trình này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem