Cấp quota mua ô tô: Xâm phạm quyền tự do người tiêu dùng?

Mạnh Lực – Minh Quang Thứ tư, ngày 09/03/2016 11:21 AM (GMT+7)
Trong cuộc họp của TP.Hà Nội và Bộ GTVT triển khai công tác quản lý về GTVT , phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2016 – 2020 vừa qua, đã có một ý kiến đề xuất UBND TP.Hà Nội xem xét cấp quota để được mua xe ô tô đi vào TP, đấu thầu quyền được mua ô tô cá nhân tại Hà Nội. Dân Việt ghi nhận được nhiều ý kiến bạn đọc xung quanh vấn đề này.
Bình luận 0

Trao đổi với PV Dân Việt, về đề xuất hạn chế xe cá nhân, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, việc hạn chế xe cá nhân là giải pháp cần thiết và phù hợp để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội. Tuy nhiên, để thực hiện được đề xuất này cần có lộ trình và thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

“Việc hạn chế xe cá nhân là cần thiết nhưng để thực hiện được trước tiên cần phát triển cơ sở hạ tầng giao thông. Cấm xe máy, cấm ô tô thì người dân đi bằng gì? Theo khảo sát của JICA (Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản -PV), nếu cứ 700m có một ga tàu điện ngầm hoặc tàu đường sắt trên cao khi đó người dân chỉ đi bộ đi làm. Khi phương tiện công cộng thuận lợi, người dân sẽ dần từ bỏ đi phương tiện cá nhân, chuyển sang sử dụng phương tiện công cộng. Mặt khách, người dân muốn giải quyết ùn tắc thì bản thân người dân cũng nên tự giác thực hiện lộ trình giảm tải phương tiện cá nhân. Nếu ai cũng muốn đi xe máy, đi ô tô riêng thì không bao giờ giải quyết được”, ông Liên nói.

img

Ảnh minh họa. I.T

Về ý kiến đề xuất với TP.Hà Nội xem xét cấp quota để được mua xe ô tô đi vào thành phố, đấu thầu quyền được mua ô tô cá nhân tại Hà Nội như một giải pháp hạn chế xe cá nhân, ông Bùi Danh Liên đánh giá đây là ý kiến hay nhưng cần nghiên cứu cụ thể. “Bắc Kinh đã thực hiện giải pháp này. Mua ô tô biển Bắc Kinh rất khó, anh phải mất nhiều tỷ mới mua được vậy mà vẫn dày đặc ô tô”, ông Liên nói.

Là một người đã có nhiều năm lái xe chuyên nghiệp, bạn đọc Lê Dũng (Ba Đình. Hà Nội) bức xúc: “Tôi thấy đề xuất này của Bộ GTVT và UB- ATGT-QG  là thiếu thực tế và không khả thi. Việc đấu thầu quyền mua ô-tô xâm phạm vào quyền tự do của người tiêu dùng. Việc sở hữu một phương tiện ô- tô nó là sở thích và  khả năng kinh tế của mỗi người… Không thể bắt người tiêu dùng mua theo kiểu đấu thầu, áp đặt được. Mặt khác lại phải chi phí nhân lực, đầu tư kinh tế để nuôi một bộ phận làm cái công việc vô lý này. Chưa nói đến những phát sinh, hệ lụy tiêu cực khác”.

Nhìn nhận ở một góc độ khác, bạn đọc Nguyễn Tiến Đoàn (Nam Thăng Long, Hà Nội) cho rằng nếu đề xuất này được thông qua sẽ khiến dự định mua xe của nhiều người “tan vỡ”. “Do nhu cầu phải đi lại nhiều, tôi dự định tích cóp từ nay cuối năm mua một chiếc ô-tô đi lại cho thuận công việc và đỡ phần vất vả, nhưng nghe thấy tin BGTVT và UB. ATGTQG  đề xuất việc Hà Nội thực hiện việc đấu thầu quyền mua ô- tô tôi thấy boăn khoăn quá! Vì có thể, tôi chỉ mua được chiếc xe vừa túi tiền của tôi (có thể xe cũ hoặc xe loại ít tiền). Nếu bắt người tiêu dùng phải mua những xe đấu thầu, tâng giá lên tận “trời”... thì trong điều kiện kinh tế có hạn, không biết bao giờ những người như chúng tôi mới mua được ô-tô?”.

Bên cạnh đó, bạn đọc Nguyễn Nam (Cầu Giấy, Hà Nội) lại cho rằng với đề xuất này, các cơ quan chức năng đang “đẩy khó” cho dân: “Việc giảm ùn tắc phải là việc của các cơ quan chức năng. Quy hoạch hạ tầng ra sao, xem xét phát triển như thế nào chứ không phải nhè dân ra mà “xem xét”. Thuế, phí rồi đủ các thứ dân đã phải chịu rồi, giờ thêm cái vụ đấu thầu này nữa thì chẳng hiểu còn cái gì không đè lên dân nữa không?”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem