Còn nhiều rắc rốiLà người trong cuộc và “thấm” nhất việc triển khai thí điểm, ông Hà Thanh Hùng- Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Bến Tre cho biết, tỉnh này triển khai từ năm 2011, tới giữa năm 2013 đã cấp được 5.775 thẻ (trong đó có 2.030 thẻ màu đỏ, 329 thẻ màu xanh và 3.416 thẻ vàng). “Thủ tục làm thẻ rườm rà, trong khi trình độ của người dân còn thấp nên họ e ngại xin cấp thẻ. Ngoài ra, quy trình từ đăng ký thẻ tới học nghề khá lâu, dẫn tới có người đăng ký xong nhưng không học”.
Giáo viên hướng dẫn nông dân ươm cây giống tại xã Châu Bình (Giồng Trôm, Bến Tre).
Tại xã Châu Bình (huyện Giồng Trôm, Bến Tre) cũng đã tổ chức 3- 4 lớp dạy nghề nông dân theo hình thức cấp thẻ học nghề. Chị Nguyễn Thị Hiệp - học viên cho biết: “Chúng tôi học nghề trồng ca cao trên vườn dừa. Trung tâm dạy nghề huyện làm thẻ học nghề cho bà con, phát cho từng người. Chúng tôi đăng ký học tại chỗ, đến học thì nộp lại thẻ, vậy thôi. Nếu không phát mà bắt chúng tôi đi làm, e rằng ít người bỏ công bỏ việc để đi”.
Ông Ngô Đức Giảng - Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTBXH Bến Tre, người ký duyệt cấp thẻ học nghề thì bày tỏ: “Thẻ học nghề hữu ích ở chỗ lao động được lựa chọn nghề học, lựa chọn cơ sở dạy nghề. Nhưng dân dù cầm thẻ nhưng vẫn ngồi ở nhà bởi họ chưa tiếp cận được cơ sở dạy nghề. Các trường dạy nghề đều ở thành phố, trong khi bà con muốn học tại chỗ. Chỉ một số ít trường xuống tận nơi dạy, nhưng nhu cầu học của bà con lại khác nhau nên việc dạy nghề bị phân tán, không thành 1 lớp theo quy định. Phải định hướng cho bà con chọn học 1 nghề cần thiết nhất mới đủ sĩ số mở lớp”.
Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, Bộ đang đề xuất nhân rộng mô hình cấp thẻ học nghề cho lao động nông thôn ra 7 vùng sinh thái (gồm các tỉnh: Thái Nguyên, Bắc Giang, Nghệ An, Thái Bình, Hải Phòng, Lâm Đồng, Đăk Lăk, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bình Phước, Tiền Giang...).
|
Thực tế, Sở LĐTBXH Bến Tre đã cung cấp danh sách các trường dạy nghề, tư vấn cho các xã để lựa chọn các trường. Khi được lựa chọn, bà con cũng hết sức chủ động. Chẳng hạn như ở Châu Bình, nông dân học nghề nuôi gà sinh học và trồng cây ca cao trên vườn dừa, nông dân không tín nhiệm Trung tâm Dạy nghề huyện mà mời Trường Cao đẳng Tiền Giang tham gia dạy.
Tuy nhiên, khi lựa chọn trường ở địa bàn khác lại nảy sinh rắc rối là không thể thanh toán liên kho bạc. Chẳng hạn thẻ dạy nghề phát hành ở Bến Tre (chi trả bằng nguồn ngân sách địa phương) thì không thể mang lên TP.HCM hay sang Tiền Giang thanh toán. Ngoài ra, phương thức thanh toán theo Thông tư 112 (hướng dẫn tài chính của Đề án 1956) chỉ tính cho cơ sở dạy nghề trên địa bàn. Nếu nông dân tín nhiệm mời các trường ở địa bàn khác về dạy thì không thể thanh toán được nếu không có hợp đồng. Mà nông dân thì không thể tự đứng ra ký hợp đồng với cơ sở dạy nghề (hiện ở Bến Tre, Sở LĐTBXH phải đứng ra làm nhiệm vụ này). Một chuyên viên của Vụ Tài chính (Bộ Tài chính) cũng phân tích: Các tỉnh cũng có quy định phê duyệt học phí cho từng nhóm nghề. Nông dân Bến Tre từng học nghề máy trưởng, học phí được tỉnh phê duyệt là 2,8 triệu đồng/khóa; trong khi mệnh giá thẻ lại khác nhau: Nếu nông dân có thẻ màu đỏ (mệnh giá 3 triệu đồng) thì đủ (nhưng cũng không được hoàn lại 200.000 đồng). Nếu có thẻ màu xanh (2,5 triệu đồng) hay màu vàng (2 triệu đồng) thì lại rắc rối bởi phải đóng thêm tiền - điều mà ít nông dân muốn thực hiện!
Cần “đồng bộ hóa” trước khi nhân rộngNhững rắc rối trên đã tạo sự “khấp khểnh” cả một quãng đường dài gần 3 năm triển khai thí điểm mà Thông tư 66/2010 hướng dẫn về cấp thẻ học nghề chưa thể giải quyết được. Bởi vậy, 2 tỉnh thực hiện thí điểm cấp thẻ học nghề cho nông dân là Thanh Hóa và Bến Tre đều đề nghị liên bộ Tài chính, NNPTNT và LĐTBXH cần phải sửa Thông tư 66, đồng thời bổ sung các điều khoản hỗ trợ thanh toán ở hàng chục văn bản khác.
Theo Ban Chỉ đạo T.Ư thực hiện Đề án 1956, việc cấp thẻ học nghề cho lao động nông thôn nhằm hạn chế cơ chế xin, cho trong đào tạo nghề; giúp lao động chủ động lựa chọn nơi học nghề, cơ sở nào có uy tín thì thu hút được học viên. Trong giai đoạn thí điểm, 2 tỉnh Thanh Hóa, Bến Tre đã cấp 10.299 thẻ học nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn và đã đào tạo được 9.758 lao động. Kết quả là 80% số lao động có việc làm, nhưng chủ yếu là tự tạo việc làm.
|
Ông Hà Thanh Hùng cho rằng, việc đầu tiên nên làm là phải có một cơ quan cao hơn cấp tỉnh cấp thẻ (hoặc phôi thẻ) để người học có thể đi học ở ngoài tỉnh mà vẫn được thanh toán (hiện tại thẻ học nghề tỉnh nào thì do Sở LĐTBXH tỉnh ấy cấp). Ngoài ra, cần điều chỉnh nội dung ghi trong thẻ học nghề: Không ghi vào thẻ nghề đào tạo và cơ sở đào tạo để lao động chủ động chọn lựa nghề muốn học. Về tài chính thì không định mức chi phí đào tạo từng nghề mà phê duyệt cho 2 phần: Chi phí đào tạo và chi phí ngoài đào tạo. Ngoài ra, tỉnh Bến Tre cũng cho rằng, việc thẻ học nghề chỉ giới hạn học các nghề nông nghiệp cũng chưa thuyết phục được nông dân trong bối cảnh chuyển đổi nghề đang diễn ra mạnh mẽ. Vì vậy, cần mở rộng các nhóm ngành nghề áp dụng thanh toán bằng thẻ học nghề.
Bộ NNPTNT cũng đã thừa nhận những rắc rối trên. Riêng đối với hỗ trợ thanh toán, Bộ đang nghiên cứu và đề xuất Bộ Tài chính tạm ứng kinh phí triển khai mở lớp cho đối tượng có thẻ học nghề (hiện nay lao động học xong, cơ sở dạy nghề mới được thanh toán dựa trên số thẻ mà lao động nộp vào). Bộ Tài chính cần lưu ý để sửa các văn bản để việc thanh toán cho thẻ học nghề từ tỉnh này sang tỉnh khác phù hợp, nhanh chóng. Hiện Chính phủ đã giao Bộ NNPTNT phối hợp Bộ Tài chính, Bộ LĐTBXH sửa đổi Thông tư 66.
Phúc Lâm (Phúc Lâm )
Vui lòng nhập nội dung bình luận.