Cặp vợ chồng hơn 40 năm miệt mài làm món đồ chơi "đặc biệt" này vào mỗi dịp Tết Trung thu

Nam Phương - Khánh Linh Thứ tư, ngày 04/09/2024 08:00 AM (GMT+7)
Trong con ngõ nhỏ trên phố Hàng Than (Ba Đình, Hà Nội), hai vợ chồng già vẫn cần mẫn nhào nặn bột giấy để tạo ra đầu lân, đầu sư tử… cho các dịp lễ, Tết.
Bình luận 0

Xưởng sản xuất mặt nạ giấy bồi tồn tại hơn 40 năm trên phố cổ

Sau một thời gian dài, đồ chơi Trung thu ngoại xâm nhập làm lu mờ đồ chơi truyền thống trong nước, có thời điểm tưởng chừng như thứ đồ chơi truyền thống này còn bị xoá sổ khỏi thị trường.

Thế nhưng một vài năm gần đây, đồ chơi dân gian như đèn Trung thu thủ công, mặt nạ giấy bồi đã trở lại và được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt, khẳng định sức mạnh của giá trị văn hóa truyền thống người Việt. Đó là tín hiệu vui đối với những làng nghề, những nghệ nhân vẫn đang sống bằng nghề làm đồ chơi truyền thống.

Cặp vợ chồng hơn 40 năm miệt mài làm món đồ chơi "đặc biệt" này vào dịp Tết Trung thu- Ảnh 1.

Bà Đặng Hương Lan cùng chồng đã làm mặt nạ giấy hơn 40 năm.

Nằm sâu trong con ngõ 73, phố Hàng Than (quận Ba Đình, Hà Nội), vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan là một trong số ít ỏi những người vẫn đang bán trụ, gìn giữ nét truyền thống văn hoá của dân tộc.

Ngôi nhà của hai ông bà rộng vỏn vẹn chưa đầy 20m2, đây là cơ sở sản xuất mặt nạ giấy bồi cuối cùng ở Hà Nội. Sản phẩm mặt nạ của vợ chồng hai ông bà đa dạng các mẫu mã và kiểu dáng, nổi tiếng nhất là đầu sư tử, đầu lân, đầu Chí Phèo, … những món đồ chơi gắn liền với tuổi thơ của lớp người lớn tuổi.

Mặt nạ giấy bồi được tạo nên từ các nguyên liệu đơn giản như các loại giấy trắng, giấy báo, bìa carton, tất cả được tái chế. Kết hợp cùng với hồ dán nấu từ bột sắn, những người thợ sẽ bồi chúng thành những chiếc mặt nạ sinh động và ngộ nghĩnh.

Cặp vợ chồng hơn 40 năm miệt mài làm món đồ chơi "đặc biệt" này vào dịp Tết Trung thu- Ảnh 3.

Để tạo ra một chiếc mặt nạ giấy, người làm phải tỉ mẩn trong từng công đoạn.

Từ những nguyên liệu tái chế đơn giản, qua bàn tay tài hoa của người thợ, những chiếc mặt nạ giấy bồi đã được tạo nên. Mỗi tác phẩm đều là kết quả của quá trình lao động tỉ mỉ và sáng tạo, mang đậm nét văn hóa truyền thống.

Công đoạn đầu tiên là tạo hình mặt nạ bằng cách bồi giấy bìa, giấy báo, giấy vở cũ lên khuôn xi măng đúc sẵn (khuôn do chính ông Nguyễn Văn Hòa tự tay đúc nên). Mặt nạ thường được bồi ba lớp giấy, lớp trong cùng là lớp lót, lớp giữa bồi bìa carton và bên ngoài sẽ được bồi giấy trắng.

Hồ bột sắn là nguyên liệu để gắn kết các lớp giấy lại với nhau. Bồi xong, mặt nạ được mang đi phơi khô tự nhiên từ 1-3 ngày tùy điều kiện thời tiết để giữ nguyên hình dạng.

Cặp vợ chồng hơn 40 năm miệt mài làm món đồ chơi "đặc biệt" này vào dịp Tết Trung thu- Ảnh 4.

Tô màu là một trong những công đoạn cuối để tạo ra một chiếc mặt nà giấy.

Công đoạn tô màu là giai đoạn quyết định vẻ đẹp của chiếc mặt nạ. Người thợ sẽ tỉ mỉ tô vẽ từng nét, từng màu để tạo nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Đặc biệt, đầu sư tử với những chi tiết cầu kỳ đòi hỏi sự khéo léo và kiên nhẫn cao từ người nghệ nhân.

Những chiếc mặt nạ giấy bồi không chỉ là món đồ chơi dành cho trẻ em đêm Trung Thu mà còn mang trong mình những thông điệp ý nghĩa. Mặt nạ ông Địa tròn trịa, với nụ cười tươi rói tượng trưng cho sự no đủ, sung túc, mùa màng bội thu. Mặt nạ chú thỏ Ngọc hiền lành biểu trưng cho những ước vọng tốt đẹp về cuộc sống ấm no, yên bình, thể hiện giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Làm cả mặt nạ người nhện bằng bột giấy

Ông Nguyễn Văn Hòa cho biết, lúc đầu nhà ông chỉ sản xuất các loại mặt nạ truyền thống như đầu sư tử, thằng Bờm, thỏ Ngọc, Chí Phèo,... Nhưng vài năm gần đây, ông thuyết phục bà làm thêm các loại mặt nạ như Người nhện, … để đáp ứng thị hiếu của giới trẻ.

Việc thay đổi mẫu mã khá phức tạp, ban đầu phải tạo nên những khuôn mẫu mới như người nhện, nhân vật anh hùng. "Chúng có nhiều chi tiết phức tạp hơn mặt nà thông thường, mỗi năm lại có những kiểu đồ chơi, mẫu mã mới, nhiều đứa trẻ thích đồ chơi kiểu mới nhưng khi tôi tạo ra chúng trên nền chất liệu cũ vẫn được đón nhận", ông Hoà chia sẻ.

Cặp vợ chồng hơn 40 năm miệt mài làm món đồ chơi "đặc biệt" này vào dịp Tết Trung thu- Ảnh 5.

Ông Nguyễn Văn Hòa tỉ mẩn tạo ra những chiếc mặt nạ trong căn nhà rộng 20 m2.

Điều đặc biệt của mặt nạ giấy bồi là được làm hoàn toàn thủ công với các nguyên liệu tự nhiên, an toàn với sức khỏe, thân thiện với môi trường. Cùng với kiểu dáng độc đáo, màu sắc bắt mắt thì mặt nạ giấy bồi được đông đảo trẻ em lẫn người lớn yêu thích.

Hiện nay, giá bán mặt nạ giấy bồi của gia đình ông bà giao động từ 40.000 - 200.000 đồng tùy loại, và luôn trong tình trạng cháy hàng.

Bà Đặng Hương Lan cho hay: "Tôi luôn tin rằng mặt nạ giấy bồi luôn có một chỗ đứng nhất định trong lòng mọi người, vì gia đình tôi sản xuất ra bao nhiêu thì bán hết bấy nhiêu. Đôi khi có cả khách nước ngoài tìm đến mua vì nghe danh tiếng của vợ chồng tôi".

Cặp vợ chồng hơn 40 năm miệt mài làm món đồ chơi "đặc biệt" này vào dịp Tết Trung thu- Ảnh 6.

Những chiếc mặt nạ làm từ giấy chuẩn bị được các thương lái tới mang bán ngoài thị trường.

Vậy là từ một ngôi nhà nhỏ, những lô hàng mặt nạ giấy bồi ở 73 hàng Than tỏa đi khắp không chỉ ở Hà Nội mà còn là khắp các tỉnh thành trên cả nước. Những chiếc mặt nạ không chỉ mang đến niềm vui cho trẻ thơ mà còn gợi nhớ những kỷ niệm đẹp đẽ của tuổi thơ, góp phần tạo nên không khí ấm áp, đoàn viên trong đêm hội trăng rằm.

Giống như ánh trăng luôn tròn và sáng dù có bao nhiêu ánh đèn điện, đồ chơi truyền thống vẫn giữ được sức sống riêng, kết nối các thế hệ và gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp. Chúng là những báu vật nhỏ bé, góp phần làm cho Tết Trung thu thêm ý nghĩa và ấm áp.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem