Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tốt nghiệp một trường đại học có tiếng tại Hà Nội và có khoảng 2 năm làm việc ở Thủ đô với mức lương cơ bản hàng tháng ổn định từ 10 - 15 triệu đồng, tuy nhiên anh Đỗ Khắc Khoa (29 tuổi, Tuyên Quang) vẫn quyết định "bỏ phố về quê" để tìm kiếm những cơ hội mới.
Anh Khoa cho biết: “Dù ở thành phố lớn có nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, với mức thu nhập của mình khi còn đi làm ở Thủ đô thì không đủ để chi trả sinh hoạt hàng tháng. Chưa kể, lúc đó sống xa gia đình nên mình rất nhớ quê, mình mong có thể được ở bên những người mình yêu thương, mọi người sống tình cảm với nhau và mình thích cuộc sống như vậy”.
Từ đó, chàng trai quê Tuyên Quang quyết định khởi nghiệp với những cây trồng thế mạnh của địa phương. Dẫn phóng viên tham quan vườn cây ăn quả rộng 10 ha, anh Khoa vừa đi vừa nói: “Diện tích trồng bưởi là 6 ha với sản lượng trung bình hơn 10 vạn quả/năm, trong đó gồm những giống bưởi đặc trưng của Tuyên Quang như bưởi đường Soi Hà, bưởi đường lá nhăn, bưởi diễn”.
Chỉ tay về những cây na đang trong giai đoạn thụ phấn, anh Khoa tiếp lời: “Diện tích trồng na ở vườn của mình rơi vào khoảng 3 ha, bao gồm giống na Thái và na dai với kỹ thuật canh tác gối vụ, một năm cho ra sản lượng gần 30 tấn. 2 ha đất vườn còn lại mình trồng xen canh giữa cây hồng và cây chanh tứ quý. Mức thu nhập bình quân của mình là từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng mỗi năm”.
Khi được hỏi về những khó khăn trong giai đoạn đầu khởi nghiệp tại quê hương, anh Khoa nhớ lại: “Thời gian đầu, bố mẹ và kể cả bản thân mình cũng rất lo lắng việc mình 'bỏ phố về quê' sẽ làm lãng phí những năm tháng bản thân nỗ lực đi học xa nhà. Ngoài ra, mình đã phải dành rất nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ thuật trồng và chăm sóc, điều kiện sinh trưởng và phát triển của rất nhiều loại cây rồi mới quyết định đưa loại nào vào canh tác”.
Theo anh Khoa, sau 5 năm “bỏ phố về quê”, anh cảm thấy quyết định ngày đó của bản thân là hết sức đúng đắn. “Cuộc sống ở quê yên bình, không xô bồ và tấp nập như ở thành phố. Đối với việc làm nông, mình có thể tự sắp xếp thời gian làm việc, dù lao động chân tay nhưng với không gian làm việc xanh và áp dụng kỹ thuật máy móc vào sản xuất nên cũng không quá vất vả”.
Chia sẻ về “bí kíp” thu về cả tỷ đồng/năm từ công việc bản thân yêu thích tại chính quê hương của mình, anh Khoa cho hay: “Trước khi bỏ phố về quê, bản thân mình hiểu rất rõ điều mình mong muốn là gì. Cuộc sống ở quê không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng sẽ đem đến cảm giác bình yên và cơ hội sống gần thiên nhiên. Điều quan trọng là chúng ta cần chuẩn bị tâm lý cho những khó khăn và không ngừng học hỏi. Nếu bạn sẵn sàng đón nhận thử thách và kiên trì với lựa chọn của mình, hành trình này sẽ mở ra nhiều cơ hội mới, có thể dẫn bạn đến cuộc sống ý nghĩa hơn”.
Theo khảo sát của phóng viên Dân Việt, chỉ cần gõ từ khóa "Bỏ phố về quê" vào thanh tìm kiếm trên mạng xã hội sẽ xuất hiện hàng loại hội, nhóm liên quan, với số lượng thành viên trung bình lên tới hàng trăm nghìn người. Trong các group như: “Cộng đồng bỏ phố về quê’”, “Hội bỏ phố về vườn”, “Nghiện vườn”..., đa số thành viên tham gia là các bạn trẻ.
Chị Nguyễn Thị Ly (28 tuổi, quê Nam Định) cho biết, chị từng có thời gian làm công việc giáo viên mầm non và dạy vẽ ở Hà Nội. Tuy nhiên, thời điểm dịch bệnh 4 năm về trước khiến công việc của chị Ly bị ảnh hưởng. Lúc đó, cô gái 28 tuổi đã quyết định về quê sinh sống.
Vừa ngồi vẽ tranh, chị Ly vừa tâm sự: “Thời gian đầu bỏ phố về quê, cuộc sống của mình có ít nhiều những thay đổi. Nhịp sống ở nông thôn cũng khác hơn so với thành phố. Và khó khăn khi thay đổi môi trường sống là một điều khó tránh khỏi. Lúc đó, mình chưa biết phải làm gì. Mình không có kinh tế, về quê xong mình phải mất một thời gian dài mới đi xin vào đội vẽ tranh tường. Mình tự nhận tranh về nhà vẽ và mình có thu nhập thêm từ công việc đó”.
Theo chị Ly, hiện tại, chị có một mức thu nhập không cao nhưng “đủ sống”: “Bản thân mình hài lòng với cuộc sống hiện tại. Cuộc sống thôn quê đem lại cho mình những niềm vui mới. Mình quyết định mở lớp dạy vẽ miễn phí cho trẻ em trong xóm. Lớp học có khoảng hơn chục bạn đều có niềm đam mê hội họa. Như vậy, mình và các em đều rất vui, mọi người quây quần với nhau và làm những điều vui vẻ”.
Nhìn những bạn nhỏ cặm cụi vẽ vẽ, tô tô, chị Ly nhẹ giọng: “Chính không khí thôn quê và tình cảm của các bạn nhỏ dành cho mình đã níu chân mình ở lại nơi đây. Mọi người chia ngọt sẻ bùi và quan tâm đến nhau, mình không phải bon chen, xô bồ như ở phố. Hơn nữa, không khí ở đây rất trong lành, được nuôi dưỡng bởi thiên nhiên nên mình cảm thấy người mình khỏe lên rất nhiều”.
Chị Ly nhận định, việc bỏ phố về quê không phải là sự lựa chọn ngắn hạn, thích thì làm, không thì bỏ. Chị nói: "Hiện tại, có nhiều bạn trẻ bỏ phố về quê và cũng có nhiều bạn bỏ quê lên phố. Có người thích sự mộc mạc gắn liền với thiên nhiên, suy nghĩ nhẹ nhàng thì có thể về quê. Mặc dù về mặt kinh tế chắc là sẽ khó khăn hơn ở trên phố. Nhưng tâm hồn mình sẽ được nuôi dưỡng nhiều hơn. Còn nếu mà ai muốn phát triển sự nghiệp, muốn học nhiều thứ hơn, muốn được va vấp nhiều hơn thì có thể lên thành phố. Mỗi người sẽ có một quan điểm riêng và dù họ lựa chọn theo cách nào thì cũng đều đáng được tôn trọng".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.