Cặp vợ chồng thu mua phế liệu vô tình nhặt được 10 cây vàng hiện giờ ra sao?
Cặp vợ chồng thu mua phế liệu vô tình nhặt được 10 cây vàng ở Thủ đô hiện ra sao?
Nguyệt Minh - Lan Anh
Chủ nhật, ngày 27/02/2022 06:00 AM (GMT+7)
Dù đã gần 9 năm trôi qua nhưng người dân vẫn còn nguyên niềm tự hào về hành động đẹp của cặp vợ chồng thu mua phế liệu ở thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội vô tình nhặt được 10 cây vàng nhưng sau đó trả lại cho chủ nhân bị thất lạc.
Ông Nguyễn Tiến Bắc bồi hồi nhớ lại khoảng thời gian năm 2013 khi ông nhặt được 10 cây vàng và đã trả lại người đánh mất. Clip: Nguyệt Minh
Mọi kí ức vẫn còn đọng nguyên như mới hôm qua!
"Bà ơi, cho chúng con hỏi nhà ông Bắc và bà Thuận làm nghề thu mua phế liệu ở đâu vậy ạ?" - "À, anh Bắc với chị Thuận nhặt được 10 cây vàng rồi mang trả lại đúng không con!"
"Dạ đúng rồi ạ!"- Tôi đáp.
Và thế là chúng tôi đã tìm được đến nhà ông Bắc và bà Thuận trước sự chỉ dẫn nhiệt tình của bà con láng giềng.
Trong quá trình hỏi thăm tìm đường đến nhà cặp vợ chồng nhặt ve chai, điều khiến chúng tôi ấn tượng không chỉ là việc người dân thị trấn Quốc Oai ai ai cũng tự hào về việc tốt mà vợ chồng ông Bắc đã làm mà còn là việc có một số người dân vẫn cố giải thích với chúng tôi rằng thời gian diễn ra đã 9 năm rồi nhưng đối với họ câu chuyện vẫn còn mới, chỉ như mới đây thôi. Họ vẫn còn nhớ nguyên những gì đã xảy ra, không thiếu đến một chi tiết.
Tìm đến nhà ông Bắc, chúng tôi ngỡ ngàng bởi cảnh vật, ngôi nhà của gia đình ông đã quá khác trước đây. Không còn bụi tre già khuất tầm nhìn, cũng không còn ngôi nhà cấp 4 bé nhỏ và cũ nát.
Trước mắt chúng tôi là ngôi nhà 3 tầng khang trang rộng rãi, được bao bởi bức tường rào cao và kiên cố. Duy chỉ có một điều không thay đổi, đó chính là những chồng phế liệu vẫn được chất cao, chỉ chừa một lối vừa nhỏ để đi vào nhà.
Ông Bắc thấy chúng tôi đã chào đón niềm nở. Ông nở một nụ cười tươi, nhấp chén trà rồi kể về thời điểm vợ chồng ông nhặt được vàng.
Hôm đó, khoảng hơn 9h sáng 18/3/2013 (âm lịch), ông Bắc làm công việc phân loại phế liệu như mọi ngày. Khi đang làm, ông Bắc thấy trong đống giấy bìa cát tông rơi ra 1 túi bóng cũ, bên trong có chiếc khăn mặt ngả màu cuộn tròn.
"Thấy lạ, tôi tiện tay mở túi ra thì thấy có một số vàng lớn và có 2 hộp màu vàng. Tôi mở tiếp hộp màu vàng ra thì thấy 1 hộp có dây chuyền vàng 5 chỉ; một hộp có 2 nhẫn 4 chỉ. Kiểm tra kỹ hơn, tôi thấy có cả giấy tờ mua bán vàng viết tay nên tôi mới dám tin là vàng thật", ông Bắc nhớ lại cho biết thêm, sau đó ông mang số vàng đó cất vào trong nhà.
Hơn 10 ngày sau, ông Bắc đem câu chuyện tìm thấy vàng ở đống bìa cát tông kể với vợ. Sau đó, hai vợ chồng bàn cách đem trả số vàng cho người người mất. Nhưng nghĩ mãi, vợ chồng anh Bắc không biết ai là chủ nhân số vàng.
Tuy nhiên, có một điều ông Bắc chắc chắn rằng người bị mất nhất định sẽ tìm được đến chỗ của mình, nếu để nhiều người biết thì càng khó có thể tìm chính xác được người bị mất vàng. Sau khoảng 15 ngày, ông thấy có một cặp vợ chồng cũng ở Quốc Oai đến tìm đồ với vẻ mặt đầy lo âu, khổ sở, ông cũng đoán được đó là người đến tìm vàng.
Đôi vợ chồng này kể với gia đình ông, người vợ dành dụm được 10 cây vàng giấu ở cái thùng giấy đựng tủ lạnh nhưng không để chồng con biết. Chính vì thế, lúc chị vợ không có ở nhà anh chồng đã bán đi vì nghĩ nó chỉ là phế liệu.
"Mặt chị vợ lúc đó khổ sở lắm, mất cả một số vàng lớn như thế. Sau khi xác minh được đúng anh chị ấy là người mất vàng, vợ chồng chúng tôi đã trao lại toàn bộ số vàng", ông Bắc nhớ lại.
Cuộc sống thay đổi sau khi trả lại vàng cho chủ nhân bị mất
Kể từ ngày câu chuyện của vợ chồng ông Bắc nhặt được vàng được mọi người biết đến rộng rãi, cuộc sống của gia đình ông có nhiều đổi thay. Có nhiều người biết đến vợ chồng ông hơn, được nhiều cơ quan báo chí đến phỏng vấn, cùng với đó bà con làng xóm đều thêm phần yêu mến và kính trọng ông.
Ông Bắc khẳng định: "Đến giờ khi nghĩ lại, tôi vẫn coi đó là một trong những quyết định sáng suốt của cuộc đời mình. Bởi cũng từ đó mà bà con gần xa người ta biết đến tôi nhiều hơn, tin tưởng tôi hơn, họ luôn để dành hàng bán cho tôi. Cơ nghiệp của tôi cũng đã có nhiều sự thăng tiến kể từ thời điểm đó".
Sau nhiều năm cố gắng làm việc, tích góp, năm 2018, vợ chồng ông Bắc đã xây dựng được một ngôi nhà 3 tầng khang trang. Bộ bàn ghế cũ đơn sơ ngày ấy ông Bắc tiếp đón mọi người đã được thay bằng bộ bàn ghế mới chắc chắn và đẹp đẽ hơn. Những tấm bằng khen từ Thành phố Hà Nội và huyện Quốc Oai được ông nâng niu treo trang trọng ở phòng khách, như một niềm tự hào lớn.
9 năm trước, người con cả của ông mới học đại học năm 2, đứa út học lớp 5, cuộc sống gia đình ông thiếu thốn vô cùng, số tiền lúc đó kiếm được chỉ đủ đong gạo, có hôm còn không đủ ăn.
Nhưng đến nay, người con cả đã tự lập ổn định cuộc sống, người con thứ 2 cũng đỗ trường Đại học Sân khấu Điện ảnh-Khoa Nhạc cụ Dân tộc như mong muốn. Ông Bắc cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại.
Ông chia sẻ: "Tiền của mình tự làm ra, mình sẽ thấy trân trọng nó. Cho đến hôm nay, tôi hạnh phúc với những gì mà 2 vợ chồng đã tự phấn đấu mà có được. Tôi chỉ sợ không đủ sức khỏe để tiếp tục tu tâm tu đức".
Hiện tại, hai vợ chồng ông Bắc vẫn tiếp tục làm nghề thu mua phế liệu. Thu nhập một ngày của cả hai vợ chồng cộng lại khoảng 500 nghìn đồng. Nhà ông Bắc thường xuyên có người ra người vào, mỗi người đến lại tìm các món đồ khác nhau.
Ông Bắc giải thích: "Vì nhà tôi nhặt ve chai nên có nhiều đồ, đôi khi nhà người ta thiếu vật dụng gì đấy sẽ sang đây để tìm xem có không. Vợ chồng tôi luôn thoải mái cho mọi người nên hay có người vào lắm."
Cuộc sống của gia đình ông Bắc đã có nhiều thay đổi, nhưng đó là những thay đổi tích cực. "Tôi cảm thấy sự kiện năm đó đã mang lại nhiều may mắn cho tôi, là một trong những phần quan trọng giúp tôi có được cuộc sống như hiện tại", ông Bắc phấn khởi bộc bạch.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.