Người ta thường quen với hình ảnh một đấng quân vương văn võ song toàn kết đôi với mỹ nhân chim sa cá lặn, có thể khiến giang sơn nghiêng ngả, đất nước tiêu vong, thế nhưng nhà Tây Tấn do dòng họ Tư Mã thành lập và cai trị vào thế kỷ thứ 3 sau công nguyên lại xuất hiện một trường hợp độc nhất vô nhị trong lịch sử: một cặp “trai tài, gái sắc” thuộc hàng của hiếm.
Một hoàng đế vừa ngu đần, ngớ ngẩn, một hoàng hậu vừa xấu xí ma chê quỷ hờn lại vừa dâm loạn, độc ác. “Cặp đôi trời sinh” ấy chính là Tấn Huệ Đế, hay còn gọi là Tư Mã Trung hoàng đế và Giả Nam Phong hoàng hậu.
Chân dung xấu xí của Giả Nam Phong hoàng hậu
Tư Mã Trung là con trai của Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm với vợ cả là hoàng hậu Dương Diễm. Tư Mã Trung ra đời trong thời Tam Quốc, khi ông nội là Tư Mã Chiêu đang nắm thực quyền điều hành nước Tào Ngụy. Khi Tư Mã Viêm lấy ngôi của Tào Ngụy, lập ra nhà Tấn (năm 265), Tư Mã Trung lúc này lên 7 tuổi.
Tư Mã Trung lên ngôi vua khi mới vừa 9 tuổi. Ông ta được kỳ vọng là người có thể kế thừa và phát triển sự nghiệp nhà Tư Mã. Thậm chí, có nhiều kẻ nịnh thần còn đồn đại, khi Tư Mã Trung ra đời, trên trời xuất hiện một vì tinh tú to và sáng lấp lánh, như báo hiệu sự xuất hiện của một đấng minh quân trong tương lai.
Tư Mã Trung là ông vua đần độn, trí tuệ kém phát triển
Vậy mà, thực tế lại không như mong đợi, khi lớn lên, biết chạy nhảy và biết nói thì thái tử Tư Mã Trung tỏ ra vô cùng chậm tiếp thu và thường cười nói ngây ngô trước tất cả mọi sự việc diễn ra trước mắt. Trong “Tư trị thông giám” còn kể rõ câu chuyện chứng minh trí tuệ “ngắn ngủn” của Tư Mã Trung. Một hôm, trong lúc đang tháp tùng thái tử dạo chơi trong Hoa Lâm viên của hoàng cung, đám thị thần bỗng giật mình khi thấy thái tử đang chạy nhảy tung tăng đuổi hoa bắt bướm bỗng dừng lại, ra vẻ nghiêm trọng. Tư Mã Trung nghe ngóng tiếng ếch kêu một hồi lâu, rồi quay sang hỏi thị thần một cách ngây ngô: “Này, thế ếch nó kêu là vì việc công hay việc tư đấy?”. Đám thị thần nghe vậy há hốc miệng, không dám cười, cũng không ai dám nói gì. Từ hôm đó trở đi, mỗi lần đi dạo trong Hoa Lâm viên là thái tử lại băn khoăn, lẩm nhẩm trong miệng câu hỏi “Không biết ếch nó kêu vì việc công hay việc tư”.
Tư Mã Trung phải nhờ vào vợ để lên được ngôi vua
Trong khi đó, Giả Nam Phong - con gái của Giả Sung, vốn là công thần khai quốc nhà Tây Tấn, có công giúp cha con Tư Mã Chiêu và Tư Mã Viêm lật đổ nhà Tào Ngụy - lại là một trường hợp có nhan sắc thuộc hàng “xuất chúng”. Tưởng như toàn bộ cái xấu mà trời đất có thể gom góp được đều tụ lại hết ở Giả Nam Phong. Bà lùn tịt, chỉ cao chừng 1m40, người cục mịch, chân vừa ngắn vừa to, lưng gù, da đen, răng vẩu, các nét trên mặt bất cân đối, mũi tẹt và hếch, đôi môi dày thâm sì, ở bên dưới khóe mắt có một vết chàm bẩm sinh màu đen, vẻ mặt trông dữ tợn và nanh ác.
Giả Nam Phong không chỉ xấu xí mà còn dâm loạn (ảnh minh họa)
Khi hôn sự diễn ra, Giả Nam Phong đã 15 tuổi, lớn hơn 2 tuổi so với thái tử Tư Mã Trung. Giả Nam Phong thấy Tư Mã Trung ngốc nghếch thì thường bắt nạt. Trong khi đó, thái tử cũng tỏ ra sợ hãi người vợ lớn tuổi hơn mình. Khi được vua cha truyền ngôi, thực quyền của Tư Mã Trung lại nằm trong tay hoàng hậu Giả Nam Phong. Hoàng hậu không sinh được con trai, cũng không cho vua chung đụng với những phi tần khác, sẵn sàng làm mọi việc tàn độc nhất để ngăn việc nữ nhân khác sinh thái tử, ngôi hoàng hậu bị cướp mất. Hơn nữa, bà ta còn vô cùng dâm loạn, thường bắt cóc các thanh niên trai tráng bên ngoài vào cung để thỏa mãn, rồi sai người giết chết thủ tiêu manh mối.
Vương triều Tây Tấn sụp đổ có "công" rất lớn từ hai vợ chồng đế hậu dị hợm này (ảnh minh họa)
Chính vì có một cặp đế hậu “xứng đôi vừa lứa” như thế, nên cơ nghiệp nhà Tư Mã sớm kết thúc. Vương triều Tây Tấn tan nát, suy đồi, và hậu quả là gây ra một cuộc chiến tranh nội loạn kéo dài hàng chục năm, tất cả là do “công” của vợ chồng đế hậu Tư Mã Trung – Giả Nam Phong.
Huyền Trang (Khoevadep)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.