Cắt Vườn Quốc gia làm thủy điện: Giá phải trả rất đắt

Thứ hai, ngày 04/07/2011 15:13 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trao đổi về việc Bộ NNPTNT xin “cắt” 370ha đất rừng thuộc Vườn quốc gia Cát Tiên và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên để làm dự án thủy điện, ông Phạm Quang Tú - Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE), khẳng định, mức độ ảnh hưởng chắc chắn còn lớn hơn tính toán nhiều lần.
Bình luận 0

Đánh giá nhỏ lẻ, manh mún

Ông Phạm Quang Tú cho biết: Đầu năm 2011 CODE đã tham gia đánh giá môi trường chiến lược cho quy hoạch điện lực quốc gia giai đoạn 2011 – 2020, có xét đến năm 2030 (gọi tắt là tổng sơ đồ điện VII), bao gồm đánh giá ảnh hưởng môi trường chiến lược của tất cả các loại hình sản xuất và vận hành điện lực như nhiệt điện, thuỷ điện, điện hạt nhân và đường dây truyền tải.

Vấn đề nổi bật nhất mà chúng tôi khuyến cáo là hiện chúng ta chưa có sự phối hợp để tính toán sự phù hợp giữa các quy hoạch phát triển ngành với các vấn đề bảo tồn, bảo vệ lưu vực sông, thuỷ điện trên một khu vực.

img
Vườn quốc gia Cát Tiên sẽ bị đe dọa khi làm thủy điện.

Ông có thể nêu ví dụ chứng minh cho khuyến cáo của CODE?

- Ví dụ, trên dòng chính của sông Đồng Nai được quy hoạch có tới hàng chục thuỷ điện và mỗi dự án đều có đánh giá tác động môi trường nhưng đều là những đánh giá nhỏ lẻ, manh mún. Chưa có đánh giá tổng thể ảnh hưởng tổng hợp, tích luỹ của toàn bộ hệ thống tới lưu vực sông, Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên và rừng phòng hộ Nam Cát Tiên.

img
Ông Phạm Quang Tú

Nói một cách nôm na là chúng ta chỉ mới thấy cây mà không thấy rừng. Chủ đầu tư và các cơ quan liên quan đang “xé lẻ” các dự án để trình bởi việc trình từng dự án 1 thì dễ được phê duyệt hơn.

Theo tôi, nhất thiết cần có đánh giá môi trường tổng hợp và tích luỹ cho các dự án thuỷ điện xung quanh Nam Cát Tiên thì mới có những quyết sách đúng đắn cho vấn đề phát triển thuỷ điện và bảo tồn.

Ông đánh giá thế nào về Dự án Đồng Nai 6 và 6 A?

- Tôi quan tâm đến chữ A trong Dự án 6A. Theo quy hoạch thuỷ điện được phê duyệt ban đầu, trên dòng chính sông Đồng Nai có tới 8 dự án thuỷ điện được đánh theo thứ tự từ 1-8.

Dự án Thuỷ điện Đồng Nai 6A, đồng nghĩa đây là dự án phát sinh thêm về sau, được nhét vào quy hoạch đã được phê duyệt trước đây (mặc dù có thể đã được phê duyệt bổ sung). Tuy nhiên, khi thêm 1 dự án vào quy hoạch mà chỉ dừng lại ở việc đánh giá tác động môi trường cho chính Dự án 6A đó thì rõ ràng là không toàn diện. Nếu không cẩn thận nó sẽ phá vỡ cái toàn bộ, cái hệ thống tổng thể

Chủ đầu tư cho rằng 2 dự án này chỉ “cắt” 370ha rừng và như vậy là “không đáng kể”, ông có nhận định gì?

Những dự án phát triển - như Thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A thì chúng ta có cả hàng chục, hàng trăm dự án có vấn đề như thế. Điều quan trọng là cái nhìn tổng thể xem những dự án phát triển này có ảnh hưởng thế nào tới đời sống người dân và bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ rừng.

- Theo báo cáo của chủ đầu tư thì 2 dự án này “chỉ” chiếm 370ha cả diện tích VQG và rừng phòng hộ. Nhưng cần lưu ý rằng đây là diện tích ảnh hưởng trực tiếp, nghĩa là phải chuyển đổi mục đích sử dụng và chặt bỏ. Tuy nhiên, tại đánh giá môi trường chiến lược cho quy hoạch điện VII đã chỉ ra rằng mức độ ảnh hưởng (gián tiếp) của xây dựng các công trình thuỷ điện lớn hơn rất nhiều.

Ví dụ, khi đánh giá mức độ ảnh hưởng của Thuỷ điện Đồng Nai 5 và hệ thống truyền tải trong quy hoạch điện VII cho thấy việc xây dựng nhà máy thủy điện này sẽ ảnh hưởng tới 19.092ha rừng. Hệ thống đường dây 500 KV và 220 KV chạy nhằng nhịt đã chia 5 xẻ 7 VQG Cát Tiên bởi đường truyền tải điện đi qua đâu thì phải phát trắng 20m cây chạy dọc theo nó.

Đó là lý do tại sao báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đã đưa ra đề xuất không thực hiện xây dựng Dự án Thuỷ điện Đồng Nai 5. Tương tự như thế đối với Dự án Thuỷ điện Đồng Nai 6 và 6A khi chủ đầu tư dự án báo cáo chỉ ảnh hưởng tới 370ha VQG thì có thể nói là chưa hình dung được thực trạng của vấn đề.

Nguy cơ mất cân bằng trong bảo tồn

Theo Luật Quản lý và bảo vệ rừng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng như VQG Cát Tiên, nếu trên 50ha thì phải xin phép Quốc hội. Dự án Đồng Nai 6 và 6A cắt hơn 130ha VQG Cát Tiên, vậy chắc chắn nó phải xin phép?

- Tôi vừa nhận được tin từ Cục Thẩm định đánh giá tác động môi trường (Bộ TNMT) ngày 1.7 là Bộ đã trả lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của 2 dự án thủy điện này cho chủ đầu tư và yêu cầu chỉ khi được sự đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của Quốc hội thì mới tiếp tục thực hiện các bước tiếp theo. Tôi cho rằng đây là quyết định đúng đắn của Bộ TNMT.

Khi đưa ra dự án, chủ đầu tư và cơ quan phê duyệt chắc chắn phải có lý của mình, như cung cấp thêm điện để phát triển đất nước. Theo ông, làm thế nào để nhận diện được cái gì cần phải giữ, cái gì cần phải bỏ?

- Phát triển luôn luôn cần sự đánh đổi. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất là cần phải có những đánh giá tổng hợp và khoa học để làm cơ sở cân đối về mặt lợi ích. Cái đó, cơ quan quản lý nhà nước phải đứng ra chủ trì và làm trọng tài chứ không để các nhóm lợi ích tự vận động, tự đánh giá bởi theo lẽ thông thường thì nhóm nào cũng muốn bảo vệ lợi ích của mình. Muốn vậy phải có đánh giá tổng thể chứ không phải chỉ đánh giá riêng 2 Dự án Đồng Nai 6 và 6A

Khi người ta không đánh giá được tổng thế, cái giá phải trả là gì, thưa ông?

- Đó là sự mất cân bằng trong bảo tồn và phát triển tổng thể. Thông thường cái giá phải trả sẽ rất dài hạn mà đôi khi không nhìn thấy trước mắt như biến đổi khí hậu, hạn hán, thay đổi về sinh thái…

Bản thân mỗi Dự án như Đồng Nai 6, 6A chỉ là 1 nhân tố nhỏ trong trong những vấn đề lớn như biến đổi khí hậu- một vấn đề của quốc gia và nhân loại.

Nhưng cần nhận thức rằng muốn chế ngự cái lớn thì phải kiểm soát được những cái nhỏ. Từ những dự án nhỏ như Đồng Nai 6 và 6A, bởi chính những cái nhỏ sẽ làm nên cái lớn.

Với cách nghĩ đó tôi không tập trung nhiều sự chú ý của mình tới từng dự án nhỏ lẻ như Dự án Đồng Nai 6 và 6A có được cấp phép không.

Vấn đề mà tôi quan tâm là tác động tổng thể, tích luỹ của tất các dự án, các hoạt động phát triển trong vùng tới lưu vực sông Đồng Nai và VQG Cát Tiên. Liệu chúng ta có thực hiện được những đánh giá toàn diện hơn hay không?

Xin cảm ơn ông!

Theo ông, dự án thuỷ điện tác động thế nào tới đời sống người dân, trong đó có Đồng Nai 6 và 6A?

Việc xây dựng các công trình thuỷ điện có thể để lại nhiều vấn đề tiêu cực:

Một là vấn đề về tái định cư và ổn định cuộc sống của người dân bị di dời. Nghiên cứu của chúng tôi tại 4 công trình thuỷ điện cho thấy, hơn 80% người dân ở các vùng tái định cư cho rằng họ không hài lòng đối với nơi ở mới.

Hai là xây dựng thuỷ điện đồng nghĩa với việc phá rừng đầu nguồn, tạo hồ chứa. Đánh giá ở nhiều nơi cho thấy, phá rừng làm công trình thuỷ điện thiệt hại một thì các hoạt động đi theo làm thiệt hại rừng tới 2-3.

Ba là vấn đề dòng chảy, điều tiết lũ. Người ta thường hy vọng thủy điện cắt lũ, điều hành tưới tiêu nhưng nếu không có một cơ chế quản lý vận hành liên hồ chứa khoa học, dưới sự quản lý, giám sát chặt chẽ của cơ quan nhà nước, tôi e ngại rằng việc này sẽ không thực hiện được.

Bởi khi vận hành thuỷ điện, các chủ đầu tư thường có xu hướng vận hành theo lợi ích của họ chứ không phải là vận thành theo quy định có lợi cho người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem