Ngày 30.5.2013, Nhựa Tân Đại Hưng làm nhiều người sửng sốt khi công bố, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc mới là cô Phạm Đỗ Diễm Hương, 24 tuổi, con gái ông Phạm Trung Cang, Chủ tịch vừa từ nhiệm.
|
Cũng kiên nhẫn như khi làm ra sản nghiệp, các doanh nhân thế hệ 1.0, 2.0 đều đã có sự chuẩn bị chuyển giao cơ nghiệp cho con ở thế hệ 3.0. |
Đây có thể sẽ là một trong những sự kiện "tập ấm" đình đám nhất của giới kinh doanh năm 2013. Cần nói thêm rằng, theo kế hoạch kinh doanh năm 2013 của Nhựa Tân Đại Hưng, doanh thu của công ty là 435 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 21,6 tỷ đồng.
Doanh nhân 3.0 và các mô hình "tập ấm"
Từ thế hệ 1.0 - thời điểm Luật Doanh nghiệp ra đời năm 1990 - đến thế hệ 2.0, tức là các doanh nhân thời kỳ hội nhập WTO những năm 2005 - 2006, có thời điểm tại Tp.HCM có những tuần thêm tới 400 doanh nghiệp thành lập mới.
Giờ đây, con gái ông Cang chỉ là một trong những người được gia đình kỳ vọng sẽ gia nhập thế hệ doanh nhân Việt 3.0.
Danh sách các doanh nhân "tập ấm" thuộc thế hệ 3.0 đang ngày càng dài. Có thể kể đến gia đình ông Trần Mộng Hùng, chủ Ngân hàng Á Châu với "thiếu gia" Trần Hùng Huy; gia đình ông Đặng Văn Thành, nguyên chủ Sacombank với các con Đặng Huỳnh Ức My, Đặng Hồng Anh; ông Trầm Bê, chủ Ngân hàng Phương Nam với các con Trầm Trọng Ngân, Trầm Thuyết Kiều và Trầm Khải Hòa; bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch REE với con trai Nguyễn Ngọc Thái Bình; bà Nguyễn Thị Như Loan, chủ Công ty Quốc Cường Gia Lai với con trai Nguyễn Quốc Cường; ông Nguyễn Tuấn Khải, chủ Công ty sữa IDP với con trai Nguyễn Tuấn Dũng, ông Đoàn Quốc Việt chủ BIM Group với con trai Đoàn Quốc Huy, ông Lê Văn Trí, Phó Tổng giám đốc Casumina với con trai Lê Trí Thông và con gái Lê Diệp Kiều Trang…
Tuy nhiên, khác với những doanh nhân 1.0 và 2.0 phần lớn toan lo nghèo khó, "nuôi lớn" doanh nghiệp từ hai bàn tay trắng, những cậu ấm cô chiêu "tập ấm" trong thế hệ 3.0 là những người ra đời trong cảnh nhung lụa mà lại gánh trên vai những trọng trách ghê gớm liên quan đến nhiều ngàn tỷ đồng.
Vì vậy, không khó hiểu mối băn khoăn, lo lắng của nhà đầu tư khi họ e ngại việc tiền của mình… không cánh mà bay. Đồng thời, mô hình kinh doanh của một công ty đại chúng trộn lẫn với mô hình kinh doanh của một công ty gia đình rất có thể sẽ dẫn công ty họ từng tin tưởng đi vào ngõ cụt.
Hiện có thể thấy ba mô hình "tập ấm" đang tồn tại trên thương trường. Một là mô hình quyết định nhanh, trong một thời gian cực ngắn có thể đưa các cậu ấm, cô chiêu lên đỉnh quyền lực. Hai là đi từ thấp lên cao, cần thời gian khá dài. Ba là cho con tự thực hiện ước mơ làm nhà kinh doanh của mình một cách độc lập.
Một bước lên đỉnh
Điển hình của mô hình quyết định nhanh là trường hợp con gái ông Phạm Trung Cang.
Cô Diễm Hương tuy đã tốt nghiệp đại học, nhưng mới làm chuyên viên tài chính một thời gian ngắn. Giờ đây cô sẽ phải quản lý một công ty chuyên sản xuất bao bì PP tái sinh, cung cấp cho các nhà máy hóa chất, phân bón tại khu vực miền Nam; có lưng vốn hơn 613 tỷ đồng , tiền mặt trên 111 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu hơn 323 tỷ đồng.
Mặc dù năm 2012, doanh thu của Tân Đại Hưng đạt hơn 600 tỷ đồng và lãi gần 30 tỷ đồng, nhưng việc kinh doanh năm nay đang khó khăn. Kết quả quý 1 cho thấy, doanh thu bán hàng của công ty tăng gần 40% so với cùng kỳ năm trước, đạt 180 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn có 3,4 tỷ đồng.
Đành rằng Tân Đại Hưng đã có mặt trên thị trường gần 30 năm, có nghĩa là hệ thống sản xuất kinh doanh đã đi vào nề nếp. Tuy nhiên, vẫn không thể coi đây là công ty mà đặt ai vào ghế của nhà quản lý cao nhất cũng được, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh doanh đang sa sút.
Tất nhiên, dù không nói ra thì giới kinh doanh cũng hiểu những khó khăn của ông Phạm Trung Cang sau cú sốc Bầu Kiên từ ACB và Eximbank. Vì vậy, đặt con gái mình lên cương vị lãnh đạo cao nhất của Tân Đại Hưng vào thời điểm này với ông Cang có lẽ cũng là một quyết định đầy khó khăn.
Không rõ cô Hương có khả năng trụ được bao lâu? Một trường hợp khác là gia đình ông Đặng Văn Thành đã từng đưa con gái Đặng Huỳnh Ức My lên chức CEO của Tập đoàn Thành Thành Công năm 28 tuổi (2009) và tháng 12/2012, cô đã phải nghỉ việc vì lý do sức khỏe.
Mô hình đi từ thấp lên cao
Trong khi đó, các gia đình doanh nhân khác không nằm trong tình trạng cấp bách thì thường chọn mô hình đi từ thấp lên cao.
Điển hình là con trai ông chủ ACB Trần Mộng Hùng - doanh nhân Trần Hùng Huy, người mới được bầu là Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Ngân hàng ACB. Hiện kể cả số cổ phiếu ông Trần Hùng Huy đang nắm giữ (28,7 triệu cổ phiếu), gia đình ông đang sở hữu trên 68 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng 5,3% vốn điều lệ của ngân hàng.
Năm nay 35 tuổi, ông Huy đã từng tốt nghiệp thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Chapman, Hoa Kỳ năm 2002. Năm 2011, ông tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại Đại học Golden Gate, Hoa Kỳ.
Vừa học xong thạc sĩ, ông Huy được đưa vào Ngân hàng làm việc với chức danh chuyên viên nghiên cứu thị trường, ở thời điểm mà cha ông vẫn đang là Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Sau đó gần 2 năm, ông được bổ nhiệm làm giám đốc Marketing và giữ cương vị này 4 năm. Ông Huy còn tiếp tục làm việc ở cương vị Phó tổng giám đốc ACB và từ năm 2006 đến nay, ông là thành viên Hội đồng Quản trị ACB.
Trong vòng 11 năm làm việc tại ACB, ông Huy đã được chứng kiến nhiều sự biến lớn ở đây với những trải nghiệm của cả gia đình "nằm gai nếm mật". Từ thời điểm ngân hàng này liên tục tăng trưởng nhanh và mạnh, cho đến sự cố khủng hoảng tin đồn khiến dân ồ ạt đến rút tiền, sự góp mặt của "bầu" Kiên trong việc quản lý, rồi cha của ông là Trần Mộng Hùng phải rời khỏi chức vụ Chủ tịch Hội đồng Quản trị vào năm 2008…
Cuối năm 2012, sau sự cố "bầu" Kiên bị bắt, cục diện dần thay đổi và vị trí của gia đình họ Trần nhờ đó cũng được củng cố. Trong suốt 11 năm đó, sự hiện diện của ông Huy gần như nằm trong phạm vi nội bộ Ngân hàng Á Châu. Hầu như không có thông tin gì về ông được đưa ra cho công chúng.
Tuy nhiên, khi ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị của ACB vào thời điểm tháng 5/2013, có rất ít phản ứng từ cổ đông và công chúng. Có lẽ vì ông Huy cũng đã ở độ tuổi bắt đầu chín trong kinh doanh sau 11 năm làm việc tại ngân hàng này và lại có trình độ học vấn bài bản. Hơn nữa, giúp việc cho ông Huy là ban giám đốc khá vững vàng và đầy kinh nghiệm.
Cùng sử dụng mô hình này là trường hợp Nguyễn Ngọc Thái Bình, con trai của bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của REE. Bà Mai Thanh đã giới thiệu con trai của bà làm vị trí giám đốc tài chính (CFO) và tham gia Hội đồng Quản trị của REE ngay từ năm 2009, khi anh mới 27 tuổi. Ở thời điểm đó, đây là một quyết định khó khăn vì bà phải vượt qua sức ép của nội bộ cũng như cổ đông khi giao trọng trách cho con trai của mình.
Tuy nhiên, khi đó, Nguyễn Ngọc Thái Bình cũng đã tốt nghiệp Đại học Virginia tại Mỹ và đã có kinh nghiệm làm việc tại bộ phận Dịch vụ Tài chính doanh nghiệp của Ngân hàng HSBC tại Việt Nam.
Sau gần 5 năm làm việc, Nguyễn Ngọc Thái Bình được coi là một nhân sự quản trị cao cấp có năng lực. Anh đã tham gia đàm phán giúp REE thoái vốn thành công tại dự án Nhiệt điện Vũng Áng II với công suất 1.200 MW và tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD. Mới đây, anh đã giúp REE phát hành thành công 558 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi cho Platinum Victory với mức giá chuyển đổi cao hơn thị giá cổ phiếu của REE đến 30%. Năm nay ngoài 31 tuổi và đã có gia đình, vẫn tiếp tục hợp tác cùng mẹ và các đồng sự, Nguyễn Ngọc Thái Bình có khả năng sẽ là một trong các gương mặt lãnh đạo sáng giá nhất trong tương lai của REE.
Hãy trở thành doanh nhân như con muốn
Điển hình của cách làm này là gia đình doanh nhân Lê Văn Trí, Phó tổng giám đốc Casumina.
Mặc dù đã về hưu đầu năm nay, ông Trí từng làm việc ở công ty này tới 37 năm. Trước khi về hưu, ông dành tới 5 năm chuyên tâm giúp đỡ ông Phạm Hồng Phú, Tổng Giám đốc mới của Casumina chuẩn bị nhận chuyển giao vai trò lãnh đạo từ cương vị kế toán trưởng. Trong khi đó, hai con của ông lại là hai doanh nhân thành đạt ở hai doanh nghiệp không do ông quản lý.
Người con trai đầu là Lê Trí Thông, năm 2008, khi mới 29 tuổi, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á đồng thời kiêm Chủ tịch Công ty Kiều hối Đông Á và Chủ tịch Hội đồng Quản trị VNBC, một công ty chuyên cung cấp các giải pháp kỹ thuật cho ngành ngân hàng. Lê Trí Thông được ông Trần Phương Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Đông Á thực sự tin tưởng vì tài năng và tính cách.
Trước khi về đầu quân cho ngân hàng này, Lê Trí Thông đã từng tốt nghiệp thủ khoa ngành công nghệ hóa của trường Đại học Bách Khoa Tp.HCM. Đang theo học cao học trong nước, chàng trai này đã nhận được học bổng của Đại học Oxford, Anh. Năm 2005, anh tốt nghiệp MBA ở đây và giành giải thưởng tốt nghiệp xuất sắc cho 10% sinh viên xếp hạng đầu của trường Lincoln thuộc Đại học Oxford. Năm 2010, Lê Trí Thông được bầu chọn là gương mặt doanh nhân tiêu biểu của TP.HCM.
Con gái thứ hai của ông Trí, cô Lê Diệp Kiều Trang, năm nay 33 tuổi, cũng là một gương mặt sáng giá. Cô đã từng giành học bổng dự bị đại học tại Anh năm 1998. Năm 2000, cô vào học Oxford với học bổng từ đại học lên thạc sĩ. Năm 2005, Kiều Trang về nước và làm việc tại Ngân hàng HSBC trong 3 năm. Tuy nhiên, sau đó cô sang Mỹ định cư và giành học bổng Legatum để học khóa MBA của Trường Quản trị Sloan thuộc MIT. Năm 2011, tốt nghiệp thủ khoa của Sloan, cô về làm việc tại công ty tư vấn Mc Kinsey danh tiếng của Mỹ ở vị trí chuyên gia tư vấn tài chính. Đầu năm nay, Kiều Trang đã về Việt Nam phụ trách nhân sự và tài chính tại Công ty Misfit Wearables do chồng cô là đồng sáng lập kiêm CEO.
Các con của ông Trí đều là doanh nhân thành đạt nhờ chính sự nỗ lực của bản thân và sự tôn trọng của cha mẹ.
Sức ép cần vượt qua
Ba mô hình thực tế kể trên cho thấy, thật không dễ khi một doanh nhân Việt Nam thực hiện chuyển giao việc làm ăn cho thế hệ mới. Công việc này luôn gây sức ép cho cả hai bên.
Một phía là các nhà kinh doanh đang càng ngày càng lớn tuổi, muốn thoát khỏi sức ép công việc và yên hưởng tuổi già. Phía kia là các cậu ấm, cô chiêu vốn đang quen hưởng sung sướng nay phải lao tâm khổ tứ để giữ gìn tài sản gia đình.
Song, cũng kiên nhẫn như khi làm ra sản nghiệp, các doanh nhân thế hệ 1.0, 2.0 đều đã có sự chuẩn bị chuyển giao cơ nghiệp cho con ở thế hệ 3.0. Họ đã tốn không ít tiền của đầu tư cho con du học nước ngoài, nâng cao trình độ trong nhiều năm, đồng thời cũng chấp nhận mạo hiểm và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn khi mọi việc không suôn sẻ trong quá trình để người kế nghiệp tập việc.
Cho dù các nhà đầu tư và công chúng không ưa thích mô hình này, nhưng trên thực tế thì khó mà chối bỏ hoàn toàn nó. Hơn nữa, theo Alan Crosbie, một chủ doanh nghiệp gia đình lớn tại Ireland, đồng thời là nhà nghiên cứu về việc chuyển giao công ty gia đình, thì hiện nay doanh nghiệp gia đình vẫn rất quan trọng.
Mô hình này chiếm đến 70% số công ty trên thế giới, thậm chí là 90% ở phương Tây. Alan Crosbie cũng cảnh báo rằng, hầu hết các doanh nghiệp gia đình không tồn tại quá một thế hệ, chỉ có 1/10 có thể duy trì đến thế hệ thứ ba. Bởi vậy, theo ông, điều khó nhất để duy trì một doanh nghiệp gia đình chính là truyền được cảm hứng lâu dài. Những cậu ấm, cô chiêu chỉ có thể vượt qua quá trình tập sự và trở thành các doanh nhân thực thụ nếu cảm hứng kinh doanh thực sự chảy trong huyết mạch của họ.
Chỉ khi đó, bộ phận quan trọng này trong thế hệ doanh nhân 3.0 của Việt Nam sẽ thực sự lớn mạnh, vì họ có đầy đủ tri thức mới, sở hữu công nghệ hiện đại cùng truyền thống kinh doanh và khối tài sản vững chắc mà cha mẹ họ đã vất vả cả đời để gây dựng.
Theo Doanh Nhân
Vui lòng nhập nội dung bình luận.