Câu chuyện ca sĩ Thiện Nhân và những đứa trẻ cô đơn

Châu Mỹ Thứ bảy, ngày 16/07/2022 18:25 PM (GMT+7)
Bên cạnh những cô, cậu bé bị cha mẹ thờ ơ, phó mặc cho người giúp việc hay ông bà nội, ngoại, vẫn có những đứa trẻ cô đơn trong chính tình yêu thương của cha mẹ chúng.
Bình luận 0

Cô đơn vì được bao bọc

Câu chuyện ca sĩ Britney Spears mới thắng kiện sau khi bị cha ruột giám hộ suốt 13 năm, cũng như tâm sự "gây sốc" của cựu quán quân "Giọng hát Việt nhí" - Thiện Nhân, mới đây, đã hé lộ góc khuất của những đứa trẻ được cả gia đình bao bọc, coi là trung tâm. 

Muốn nổi loạn vì bị kiểm soát, thao túng, muốn rời xa gia đình, sống cuộc sống tự lập, làm những gì mình thích... là tâm lý chung của những đứa trẻ được gia đình bao bọc, kiểm soát quá mức.

Câu chuyện ca sĩ Thiện Nhân và những đứa trẻ cô đơn - Ảnh 1.

Quán quân Giọng hát Việt nhí - Thiện Nhân, khóc khi livestream chia sẻ nhiều bức xúc với gia đình.

Nhiều năm trước trên một chương trình truyền hình trực tiếp, một nam MC ngoài 30 tuổi cũng đã quỳ gối xin người mẹ ruột cho mình được tự do yêu đương, tự do lựa chọn bạn bè... MC này tiết lộ, dù đã ngoài 30, anh vẫn buộc phải ngủ chung với mẹ mỗi ngày, đi chơi ở đâu, với ai phải được sự đồng ý của bà...

"Đến tận bây giờ không ai như con, 30 tuổi rồi vẫn phải ngủ chung với mẹ. Con xin mẹ một điều, mẹ cho con có bạn đi mẹ. Con xin lỗi mẹ, con mong mẹ thay đổi cùng con", nam MC nói trong nước mắt.

Bin là con nhà hàng xóm chị Nhi, kém con gái chị 1 tuổi nhưng cháu sinh non nên cơ thể nhỏ bé hơn nhiều. Bin kén ăn, lười ăn, hội tụ đủ tính "đỏng đảnh" của một đứa trẻ được chiều. Vì vậy, bố mẹ Bin gửi con gái ăn trưa bên nhà chị, với hy vọng, vì "sợ bác Nhi" mà cậu bé chịu khó ăn rau, trái cây và ăn được nhiều thực phẩm khác.

Câu chuyện ca sĩ Thiện Nhân và những đứa trẻ cô đơn - Ảnh 2.

Nam MC quỳ gối tại một chương trình truyền hình, xin mẹ cho được tự do quyết định cuộc sống.

Được bố dượng và mẹ đẻ bao bọc kỹ theo cách muốn giữ cho đầu óc con trong sáng, nên kiến thức cũng như kỹ năng ứng xử xã hội của Bin không tốt bằng các bạn cùng lứa. Bên cạnh đó, do ba mẹ dân IT, làm việc online cả ngày, đến thực phẩm cũng phải đặt mang tới tận nhà, Bin ít được ra ngoài, thời gian rảnh cậu bé chỉ được đọc sách, rất hiếm khi ba hay mẹ có thời gian chơi riêng cùng...

"Tựu chung, tôi nhận thấy ở Bin hội tụ đầy đủ yếu tố của một đứa trẻ có EQ thấp: Dễ nóng giận, dễ bỏ cuộc, thường xuyên đổ lỗi, hay quên, kém tập trung, chỉ quan tâm cảm xúc bản thân... Trước mặt ba dượng, nhiều lần Bin tỏ ra háo hức với chiếc xe hơi mới mà ba đẻ vừa gọi video khoe. Sau khi .nghe tôi phân tích, anh chàng bỏ vào phòng riêng khóc một mình, sau đó nói với mẹ: "Con không cần xe hơi nữa, con cần ba Hải (ba dượng) ở với con hơn", chị Nhi kể.

Cô đơn vì thiếu những bữa cơm gia đình

Làm mẹ đơn thân của một cô con gái nhiều năm nay, nên bữa cơm gia đình chị Hiên khi nào cũng chỉ có hai mẹ con, không có thêm ông, bà hay cô, dì, chú bác. "Đó là lý do tôi luôn cố gắng ăn sáng và ăn tối cùng con, buổi trưa đi làm thì gửi con qua ăn cùng gia đình hàng xóm để cháu cảm nhận được bữa cơm gia đình", chị kể.

Cứ nghĩ con gái thiệt thòi, cô đơn hơn các bạn có đủ đầy bố mẹ, anh chị... nên chị Hiên khuyến khích con đưa bạn về nhà chơi. Bé Trang, con chị, có một cô bạn gái thân, tên ở nhà là Tôm. Tôm bằng tuổi Trang, chỉ cuối tuần mới qua ở cùng bố mẹ và em gái, đang sinh sống và bán hàng gần đó. Các ngày trong tuần, Tôm ở cùng ông bà, cô chú... và các anh chị em họ khác trong một ngôi nhà lớn, cách nhà bố mẹ vài km.

Mỗi dịp qua với bố mẹ, Tôm gần như ở nhà Trang chơi cả ngày. Tới bữa ăn, được bạn và mẹ bạn mời, cháu ngồi ăn luôn, vẻ mặt rất háo hức, dù Tôm ăn rất ít, gần như đếm từng hạt cơm.

"Thấy lạ, tôi hỏi, cơm không ngon hay con không đói mà ăn ít vậy. Cháu nói cháu vừa ngủ dậy, mới ăn sáng xong nhưng cháu chưa ngồi ăn cơm kiểu cả gia đình quây quần đông đủ như vậy nên tò mò muốn thử dù bụng đã no.

Từ đó, cuối tuần nào cháu cũng lên chơi với con gái tôi, chủ động nói: "Cô ơi cô cho con ăn cùng nha" mỗi khi tới bữa cơm. Đợt nghỉ học dài vì dịch, cháu xin ông bà sang hẳn bên này ở cùng bố mẹ, mục đích chính là có bạn chơi và được ăn hai bữa cơm trưa - tối cùng bạn và mẹ bạn", chị Hiên kể.

Con gái chị Hiên cũng từng vài lần xuống nhà bạn chơi, ăn cơm cùng bạn. Cháu nhận ra bạn cô đơn hơn cả mình khi nói với mẹ.

"Con thấy Tôm cô đơn lắm. Nhà bạn tới bữa ai đói thì ăn trước chứ không ăn cùng nhau. Có vẻ mẹ Tôm thích con trai thôi. Tôm không phải làm việc nhà như con nhưng mẹ Tôm ít quan tâm tới bạn ấy. Con thấy bốn chị em Tôm, mỗi người một góc coi điện thoại, chị Hai hay vẽ nhưng lầm lỳ ít nói, thằng Siêu Nhân, em trai Tôm nghịch kinh khủng, nó toàn phá lúc con với Tôm chơi xếp hình... Nên mỗi khi được lên nhà mình ăn cơm, hay được làm việc nhà cùng con, Tôm thích lắm á mẹ".

Câu chuyện ca sĩ Thiện Nhân và những đứa trẻ cô đơn - Ảnh 4.

Ngày nay, nhiều ông bố bà mẹ bỏ mặc con cô đơn để lướt mạng xã hội. Ảnh minh họa.

Ngày nay tại nơi công cộng, trong các quán cà phê, khu vui chơi, chúng ta không còn lạ lẫm gì với hình ảnh những ông bố bà mẹ mỗi người một chiếc điện thoại, để mặc con với chiếc điện thoại khác hoặc để con chơi mô mình.

"Tôi từng chứng kiến trên vỉa hè chợ Tân Định, TP HCM, một buổi chiều chạng vạng. Người mẹ trẻ ngồi trên yên xe máy, mải mê bấm điện thoại, không để mắt tới đứa con chạy nhảy bên cạnh. Thằng bé xém chút nữa bị xe cán khi đột nhiên chạy vọt xuống đường. Chỉ tới khi bác xe ôm vừa kéo đứa bé vào, hét lên với chị, chị mới biết, con mình thoát chết", một lái xe công nghệ quanh khu vực chợ Tân Định, quận 1, TP . HCM cho biết.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem