Chuyện cảm động về người đàn ông nửa đời gắn bó với nghề “mài mài dán dán” ở gốc cây phố cổ Hà Nội
Câu chuyện về người đàn ông nửa đời gắn bó nghề “mài mài dán dán” ở gốc cây phố cổ Hà Nội
Nguyệt Minh
Thứ ba, ngày 22/02/2022 09:21 AM (GMT+7)
Nhiều người cảm động, thán phục khi nghe câu chuyện về người đàn ông nửa đời gắn bó với nghề đánh giày nuôi các con ăn học, thành tài ở con phố cổ Hà Nội.
Hà Nội những ngày cuối đông, thời tiết lạnh căm, gió thổi vù vù. Dòng người tấp nập nối đuôi nhau lao nhanh trên con phố cổ. Ai ai cũng nhanh chân, vững tay lái với mong muốn sớm trở về nhà, tránh cái lạnh đến "cắt da, cắt thịt".
Nửa đời gắn bó với nghề mài dũa ở vỉa hè
Tuy nhiên, tại một gốc cây trên phố cổ Cầu Gỗ, một người đàn ông vẫn miệt mài gọt, dũa, sửa giày cho khách bất chấp cái lạnh. Người đàn ông đó chính là ông Nghiêm Xuân Cường ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, người có nửa đời gắn bó với nghề "làm đẹp cho đời".
Thấy chúng tôi, ông nở một nụ cười tươi hỏi: "Cháu sửa giày hay đánh xi?". "Dạ, cháu sửa giày" - tôi đáp.
Gọi là "quán" sửa giày cho thân thuộc chứ thật ra ông Cường chỉ treo một cái biển sắt nhỏ, bên trên đề dòng chữ: "Nhận sửa giày dép 17 Cầu Gỗ". Xung quanh ông là một vài máy móc đã bám đầy dầu máy, vài chiếc hộp đựng dụng cụ, vài món đồ đơn giản người ta hay mua như miếng lót giày, hộp xi.
Ở tuổi 60 nhưng ông Cường vẫn còn nhanh thoăn thoát, mỗi chiếc giày bị bong đế ông chỉ mài mài rồi dán một loáng là xong.
Tắt công tác máy mài, ông Cường ngồi nhìn xa xăm rồi kể về cuộc đời mình.
Năm 30 tuổi, ông nghỉ việc ở một cơ quan Nhà nước. Thất nghiệp, chưa xin được việc nên tạm thời ông ở nhà. Trong một lần đi qua tuyến phố Cầu Gỗ, ông thấy có nhiều quán, cửa hàng bán giày dép. Lúc này, trong đầu ông chợt nghĩ nếu học nghề sửa giày cũng có thể kiếm đồng ra đồng vào, phụ giúp thêm gia đình. Thế rồi, ông quyết định tìm đến một vài người đi trước học nghề sửa giày.
Thời gian đầu do chưa quen và chưa có kinh nghiệm nên ông Cường gặp nhiều khó khăn khi phải sửa nhiều loại giày khác nhau, một vài khách không ưng ý cũng phàn nàn, trách mắng.
"Mỗi đôi giày sẽ có cách sửa khác nhau, không ai học được ai và trong sách vở cũng không có. Cũng vì vậy mà làm nghề này mình phải dùng cái tâm thì khách hàng người ta mới hiểu, lần sau mới quay trở lại ủng hộ mình nữa", ông Cường bộc bạch.
Đối tượng khách hàng đến với quán sửa giày của ông Cường gồm nhiều tầng lớp khác nhau, từ những người có điều kiện, đến các chị em dân văn phòng, sinh viên và những người dân xung quanh.
Mỗi ngày, cứ 8 giờ sáng ông Cường mở "quán" rồi đóng cửa lúc 5h30. Ông cặm cụi và tỉ mẩn sửa từng đôi giày cho khách mang đến, từng động tác của ông như một nghệ nhân, không thừa, không trật một nhịp nào.
Những ngày Hà Nội giá lạnh, đến những ngày hè nắng như "đổ lửa", ông Cường vẫn ngồi đó làm việc cùng với chiếc quạt đã cũ mèm. Cứ chăm chỉ như vậy suốt gần 30 năm, nếu không ốm đau bệnh tật ông chẳng nghỉ ngày nào.
Ngày ít ông kiếm được thu nhập 300 nghìn đồng, ngày nhiều được số tiền nhiều hơn. Ngày qua ngày, ông cùng với vợ mình tích góp tiền tiết kiệm, nuôi 2 người con khôn lớn và có công việc ổn định.
Hiện tại, một người con của ông đang làm diễn viên múa ở trong TP.Hồ Chí Minh, người còn lại cũng đang làm y tá ở một bệnh viện ở TP.Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Hoa (ở phố Cầu Gỗ) kể rằng, trong khu phố ai cũng biết đến quán sửa giày của ông Cường. Với mọi người, ông luôn là một người vui vẻ, giúp đỡ nhiệt tình.
"Ngày nắng cũng như ngày mưa, tôi vẫn thấy ông Cường ra đây sửa giày đều đặn. Đặc biệt, khi biết thông tin về việc ông gắn bó với nghề này 30 năm nay, kiếm tiền nuôi các con khôn lớn thành tài ai ai cũng cảm động, thán phục", bà Hoa bộc bạch.
Đối với ông Cường, mọi sự vất vả, hy sinh đều xứng đáng khi hiện nay nhìn hai con không lớn thành người. Đến nay, dù đã đến tuổi "tứ tuần" nhưng ông Cường vẫn chăm chỉ với công việc sửa giày. Ông chia sẻ: "Còn sức là còn làm".
Kể từ khi Hà Nội bước vào những ngày tháng căng thẳng vì dịch Covid-19, nhiều công việc trong đó có công việc của ông cũng bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là đợt giãn cách xã hội năm 2021.
"Hết giãn cách, Hà Nội trở về nhịp sống bình thường mới, thế nhưng lượng khách hàng đã ít đi nhiều. Bây giờ mỗi khi làm việc, tôi có thêm một lỗi lo nữa, đó chính là nỗi lo trở thành F0 khi hàng ngày tiếp xúc với nhiều người lạ", ông nói.
Dù lo lắng là thế nhưng ông vẫn cố gắng từng ngày làm việc, ông làm vì muốn tự chủ kinh tế, không để con gái lo lắng. Phần khác, ông Cường đã gắn bó với công việc đã lâu, không làm ông lại thấy buồn, thấy nhớ cái nghề đã chọn bản thân ông.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.