Đam mê tin học, cậu học sinh ở vùng quê nghèo Quảng Trị đã mày mò, lục tung linh kiện từ bãi đồng nát để tạo ra một máy tính hoàn chỉnh từ năm học lớp 9.
Cồn Tiên, một vùng đất phía tây của huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị những ngày đầu tháng 12 trời trở rét, mưa dầm dề, Hoàng Xuân Luân, học sinh lớp 12 Trường THCS - THPT Cồn Tiên, đang ngồi học trước một máy tính để bàn cũ.
“Đây là chiếc máy tính từ gánh đồng nát. Tất cả linh kiện của máy đều do em nhặt được từ bãi phế liệu mang về lắp ráp thành chiếc máy hoàn chỉnh” - Luân kể lịch sử của chiếc máy.
Mất một tuần bù đầu lắp ráp
Hơn chục năm về trước, những đứa trẻ ở vùng quê nghèo tò mò về máy vi tính thường phải chạy ra “quán nét”. Tiếp xúc với thế giới Internet từ lúc còn học tiểu học, Luân đã nhen nhóm niềm đam mê với máy tính.
Đến năm lớp 9, bạn thân của Luân có một máy tính bị hư định mang đi bán đồng nát. Khi biết tin, Luân đã xin bạn “nhượng” lại cho mình đem về sửa chữa. “Chiếc máy này chỉ còn chủ yếu phần khung. Hầu hết linh kiện bên trong đều hư hỏng. Muốn ráp được, trước hết phải có đủ linh kiện nhưng nhìn vào cái CPU đâu biết nó thiếu những gì, vậy là em lên mạng tìm hiểu” - Luân kể về hành trình khi bắt đầu lắp máy tính.
Luân tiếp xúc và có niềm yêu thích với máy tính từ rất sớm. Đặc biệt từ khi tự tay lắp ráp được máy tính thì Luân ngày càng phấn đấu hơn trong việc học tập.
Không gian mạng có nhiều thứ tốt, xấu khác nhau, tôi không thể kiểm soát được những nội dung con mình tìm hiểu trên đó nên cũng thường xuyên nhắc nhở nhưng vì con rất ngoan và hiền lành nên gia đình cũng yên tâm.
Ông HOÀNG KHƯƠNG(cha của Luân)
Khi tìm hiểu kỹ các linh kiện, cách đấu nối để máy hoạt động, Luân cùng người anh họ đến bãi phế liệu của một người dân ở địa phương để bới tìm. Luân lục tung những chiếc CPU hư hỏng, cũ nát được vứt đi để tìm những gì cần thiết đem về. “Ở bãi phế liệu, em chủ yếu lấy các linh kiện như ram, ổ cứng, các mạch… rồi lên mạng mày mò và lắp ráp theo. Nghĩ thì dễ nhưng khi bắt tay vào việc mới thấy khó vì em chỉ có một cái tua vít trong tay, không biết bộ phận, linh kiện nào bị lỗi hoặc không tương thích” - Luân kể.
Nhiều lúc cũng bế tắc nhưng Luân không từ bỏ và tiếp tục tháo, lắp ráp, mất khoảng một tuần mày mò, máy tính đã hoạt động. Luân tiếp tục lên mạng xem hướng dẫn và cài đặt phần mềm cho máy tính.
Nhìn thành quả khi mở nút nguồn, máy hoạt động trơn tru sau một tuần bù đầu, cảm xúc của Luân rất khó tả. Từ đó đến nay, mỗi lần máy tính gặp trục trặc hoặc sự cố, Luân tiếp tục tìm hiểu thông tin và tự mình sửa chữa.
Ước mơ thành kỹ sư phần mềm
Từ khi làm ra được máy tính mà em gọi là “đồng nát”, Luân dành nhiều thời gian và xác định nghiêm túc con đường tương lai của mình. Luân chia sẻ mục tiêu của em sẽ thi vào ngành công nghệ thông tin của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Em mơ ước sau này sẽ làm công việc liên quan đến phần mềm, lập trình.
Theo Luân, để học được công nghệ thông tin thì ngoài các kiến thức tự nhiên, em phải cố gắng học tiếng Anh - môn học mà em học chưa tốt. Vậy nên từ lớp 11, Luân đã đầu tư rất nhiều thời gian cho môn tiếng Anh. “Năm nay là năm nước rút để chuẩn bị cho kỳ thi đại học nên máy tính của em chủ yếu phục vụ cho việc học. Những lúc rảnh rỗi em chỉ dùng mạng xã hội để trò chuyện, trao đổi học tập với bạn bè” - Luân chia sẻ.
Tại kỳ thi học sinh giỏi tin học do tỉnh Quảng Trị tổ chức vào đầu năm học này, Luân cùng hai bạn trong đội đã xuất sắc giành được giải ba. Luân bày tỏ: “Em và các bạn rất vui với kết quả này. Tuy không đoạt giải cao nhưng giải thưởng giúp em có thêm những kỷ niệm khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường và tiếp thêm động lực cho em chinh phục ngành công nghệ thông tin”.
Làm clip phục vụ việc học trên lớp
Hoàng Xuân Luân chia sẻ lúc còn nhỏ chủ yếu vào Internet để xem các clip, chơi vài loại game đơn giản giải trí nhưng tính em rất nhanh chán với các loại game nên cứ chơi một thời gian là không thích nữa. Càng lớn lên Luân không còn thích các trò giải trí nên tìm đến các phần mềm chỉnh sửa ảnh, làm clip, lập trình… và thấy thích thú với nó.
“Với những gì tự học và ứng dụng thành công, hiện em có thể làm các clip phục vụ cho việc học trên lớp, hướng dẫn bạn bè khi có máy tính bị trục trặc hoặc truyền đạt kiến thức tin học khó hiểu cho các bạn trong trường” - Luân nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.