Theo đó, Cơ quan CSĐT Bộ Công an khẳng định “Trần Xuân Đính đã phạm vào tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 BLHS”. Tuy nhiên, CQĐT cũng cho rằng bị can Đính phạm tội nói trên “là do sợ nhà thầu bỏ cuộc, bị can không có động cơ vụ lợi, không mong muốn hậu quả thiệt hại xảy ra” nên đã ra quyết định đình chỉ điều tra bị can đối với Trần Xuân Đính, còn các nhân viên thuộc quyền thì vẫn bị truy tố.
Dư luận buộc phải đặt câu hỏi: Cuộc đấu tranh chống tham nhũng có thật đang trở nên ngày càng khó khăn hơn không? Từ tháng 8.2010 đến 7.2011, chưa tròn 1 năm, tổng số tiền thiệt hại do tham nhũng đã lên tới 11.400 tỷ đồng, báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay số tiền thu lại được từ tham nhũng chỉ 300 tỷ đồng, bằng 2,6%.
Một câu hỏi lớn vang lên từ nông thôn cho tới thành thị: Vì sao như vậy? Hỏi mà là trả lời: Con số 2,6% này phản ánh công cuộc chống tham nhũng đang có vấn đề - từ quyết tâm cho đến phương thức và hiệu quả. Không thẳng thắn nhận thức và thừa nhận như vậy thì hoạt động chống tham nhũng thời gian tới sẽ tiếp tục không hiệu quả như Đảng, Nhà nước và nhân dân trông đợi.
Để góp phần “giải mã” câu hỏi vì sao tình trạng tham nhũng hiện vẫn diễn biến rất nghiêm trọng, phức tạp, nạn tham nhũng vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi… đòi hỏi tổ chức Đảng các cấp, các cơ quan nội chính từ trung ương đến địa phương cần tổng rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản, quy định về chống tham nhũng để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần quyết liệt chống tham nhũng. Đồng thời bổ sung, điều chỉnh những chỗ có thể tạo ra kẽ hở cho một bộ phận cán bộ, cơ quan không tích cực chống tham nhũng, nương nhẹ, bao che cho tham nhũng lợi dụng để làm “thối án” tham nhũng.
Thời gian gần đây, tại một số xã, huyện, tỉnh có xảy ra vụ việc tham nhũng liên quan đến những cán bộ trong bộ máy công quyền, các dự án ở địa phương nhưng rất chậm được xử lý. Với cách thức “để lâu hoá bùn”, không ít vụ tham nhũng đã được làm “thối án” bằng công nghệ “hết thời hiệu điều tra” hoặc “đang chờ xin ý kiến cấp uỷ địa phương”.
Mới đây nhất, vụ án tham nhũng nhà ở của đồng bào thiểu số nghèo ở Quảng Trị được đình chỉ khởi tố điều tra vì Bí thư Huyện uỷ ở đó chỉ đạo xử lý hành chính. Vụ việc này cho thấy một vấn đề: Nếu tổ chức Đảng cấp xã, phường, huyện… mà cũng được phép ban hành nghị quyết khởi tố hoặc không khởi tố đối với tất cả các vụ án tham nhũng thì tình hình “chống tham nhũng 2,6%” sẽ ngày càng tệ hơn.
Không có ngay những quy định công khai, minh bạch về thẩm quyền, giới hạn, trách nhiệm của các tổ chức cơ sở Đảng khi ra quyết định về đường lối ứng xử đối với các vụ án nói chung và án tham nhũng nói riêng thì đó sẽ là mảnh đất màu mỡ cho nạn “chạy án”.
Lâm Chí Công
Vui lòng nhập nội dung bình luận.