Suy nghĩ của ông về hiện tượng câu like trên mạng xã hội bằng các hành động khác thường, đôi khi gây hại cho bản thân và cộng đồng?
- Hiện tượng câu like gây ra hậu quả đáng tiếc như leo núi check in, tuyên truyền thông tin sai lệch về dịch tả lợn, chụp ảnh trên đường cao tốc đều xuất phát từ nguyên nhân bản thân người làm không nhận thức được hậu quả từ hành động của mình, hoặc nhận thức được nhưng vì cái lợi trước mắt mà cố tình thực hiện.
Ngô Bá Khá (thứ 4 từ trái sang) chụp ảnh cùng bạn bè đứng dàn hàng trên đường cao tốc để gây sự chú ý với cộng đồng mạng. Ảnh: I.T
Việc thực hiện những hành động “ngược đời” hoặc vi phạm pháp luật, coi thường tính mạng để “câu like” sẽ ảnh hưởng tới toàn xã hội. Ví dụ như trào lưu tẩy chay vaccine cũng xuất phát từ việc “câu like” trên mạng xã hội, dẫn tới thành trào lưu và cả xã hội đang phải hứng chịu hậu quả của nó.
Làm cách nào để hạn chế những trào lưu câu like ảo gây ảnh hưởng xấu đến xã hội?
- Thực tế việc “câu like” không hẳn là xấu, dù ở trên mạng xã hội hay ở ngoài đời thực thì ai cũng có nhu cầu hoặc thích thú với việc được khen ngợi. Vì vậy việc cần làm ở đây là hạn chế tối đa những trào lưu xấu và phát huy trào lưu tốt.
Ví dụ như những việc chia sẻ những thông tin sai sự thật, bất chấp vi phạm pháp luật để “câu like” cần phải quy định cụ thể để xử lý.
Tôi cho rằng, đây là trách nhiệm của các cơ quan quản lý truyền thông, họ phải đặt ra được quy chế sử dụng mạng xã hội. Hoặc nếu không, những mạng xã hội như facebook phải tự hạn chế được điều này bằng chặn những trào lưu “câu like” có gây nguy hại tới cá nhân hoặc xã hội.
Ngoài ra, cần phải vận động những trào lưu “câu like” nhưng vô cùng đáng hoan nghênh. Ví dụ gần đây với trào lưu #trashtag, nhiều người không kể lứa tuổi đã cùng nhau đi dọn rác tại nơi mình sống và đăng tải lên mạng xã hội. Tôi cho rằng điều này cần được nhân rộng bằng cách khuyến khích họ “câu like”, những việc tốt sẽ được lan tỏa nhờ vào mạng xã hội.
Ông có lời khuyên gì đối với các bậc cha mẹ hoặc người trẻ khi tham gia mạng xã hội?
- Bản thân những người thường xuyên tham gia các trào lưu câu like xấu thường là đã phải trả giá bằng cách này hay cách khác. Ví dụ như hậu quả thương tật cho bản thân, chịu trách nhiệm trước pháp luật… Thế nên tôi cho rằng, họ tự học được bài học cho mình và cũng là tấm gương cho người khác.
Trong thời đại internet bùng nổ, việc cấm đoán internet là không cần thiết và cũng không thể nào làm được vì nó đi ngược với sự phát triển. Vì vậy, đối với những người trẻ, học sinh trên ghế nhà trước thì lại cần có sự song hành của cha mẹ, nhà trường. Rất dễ để đặt ra mục tiêu cho các em cần phải “tránh xa các trào lưu câu like xấu”, nhưng cái khó là phải cùng các em để giúp đỡ, chia sẻ như một người bạn cùng các em trên con đường đạt được điều đó. Cha mẹ phải có cái nhìn cởi mở hơn để biết đâu là cái xấu, đâu là cái tốt, từ đó định hướng cho các em.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.