Thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân
Trong thời gian qua, Ban Chấp hành T.Ư Hội đã ban hành 3 nghị quyết chuyên đề chỉ đạo các cấp Hội triển khai thực hiện; tổ chức ký kết các chương trình phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên minh Hợp tác xã (HTX) Việt Nam về phát triển HTX nông nghiệp; kịp thời sơ, tổng kết trong quá trình triển khai thực hiện. Các cấp Hội chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đến cán bộ, hội viên, nông dân nhằm giúp cán bộ, hội viên, nông dân thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, tự nguyện tham gia các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng (giữa) thăm mô hình HTX trồng rau xuất khẩu tại thôn Ngọ Dương 2, xã An Hòa, huyện An Dương, TP.Hải Phòng. Ảnh: P.V
T.Ư Hội NDVN đã ban hành Đề án 24 chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng các chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp, làm nòng cốt để phát triển các tổ hợp tác, HTX theo hướng phát triển tổ chức kinh tế hợp tác từ thấp đến cao, từ hợp tác đơn giản đến tổ chức HTX chặt chẽ, từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn. Thực hiện Nghị quyết số 13 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng, trong 15 năm qua, các cấp Hội tham gia xây dựng được gần 1.400 HTX nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp, giải thể gần 150 HTX, còn khoảng 1.350 HTX và khoảng 101.000 tổ hợp tác; tổ chức được 9.500 lớp tập huấn kiến thức về kinh tế tập thể cho 482.280 lượt cán bộ hội; phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tập huấn được 11.620 lớp cho 483.300 lượt cán bộ hội từ chi, tổ hội, cán bộ quản lý HTX và thành viên HTX.
HTX, tổ hợp tác có trách nhiệm tổ chức sản xuất, giám sát quá trình thực hiện, đặc biệt là giám sát trong khâu chăm sóc và bảo vệ thực vật, chống sử dụng các loại kích thích tăng trưởng và thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc và không được phép của Nhà nước, tổ chức thu hoạch và thu mua theo tiến độ của doanh nghiệp. Thành viên có trách nhiệm sản xuất, thu hoạch theo yêu cầu của doanh nghiệp và HTX.
|
Các HTX, tổ hợp tác, Hội ND cũng chủ động làm cầu nối liên kết “6 nhà”, nhất là với các doanh nghiệp, xây dựng các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa. Chủ động tìm kiếm các doanh nghiệp liên kết, hợp tác với nông dân (đại diện là các tổ hợp tác, HTX) để dẫn dắt, hỗ trợ nông dân từ khâu cung ứng vật tư đầu vào, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến bao tiêu nông sản cho thành viên theo các chuỗi giá trị.
Những kết quả trên đã giúp hội viên, nông dân nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, “mạnh ai nấy làm”, để tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất theo các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp.
Phát triển kinh tế tập thể
Bên cạnh những kết quả đạt được, trên thực tế việc phát triển các HTX nông nghiệp, tổ hợp tác còn nhiều khó khăn. Trong đó, phải kể đến những hạn chế trong công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức về kinh tế tập thể trong nông dân và một bộ phận cán bộ các cấp. Bên cạnh đó, việc xây dựng các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp của các tổ chức Hội giữa các vùng miền cũng chưa đồng đều; tập quán làm ăn riêng lẻ, mang tính tự phát, một bộ phận lớn nông dân vẫn còn mang nặng tâm lý sản xuất theo phương thức canh tác cá thể và kinh tế hộ...
Trước thực tế này, nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 5, khóa IX Hội NDVN đề nghị Chính phủ chỉ đạo thống nhất trên phạm vi cả nước thực hiện việc miễn giảm thuế VAT đối với các sản phẩm nông sản tiêu thụ qua HTX vì đây là sản phảm nông nghiệp do nông dân, HTX sản xuất.
Cùng với đó, tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền để làm thay đổi tư duy và nâng cao nhận thức của nông dân về sự cần thiết liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách hiện hành đối với HTX nông nghiệp, nhất là chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; chính sách ưu đãi tín dụng và đất đai; chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực qua đào tạo về làm việc cho HTX…
Đặc biệt, trong luật và các văn bản hướng dẫn luật cần xác định rõ vai trò của Hội NDVN trong phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp nông thôn. Vì, Hội NDVN là tổ chức đại diện của hơn 10,2 triệu hội viên trong cả nước. Trên cơ sở luật pháp, hằng năm Nhà nước có trách nhiệm trích một nguồn kinh phí nhất định để Hội NDVN triển khai thực hiện các nhiệm vụ; có cơ chế cụ thể để Hội NDVN tham gia vào xây dựng, phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.