“Cầu nối” giúp nông dân mua phân bón tốt, 6 tháng mới phải trả tiền

Thiên Hương Thứ tư, ngày 13/11/2019 12:31 PM (GMT+7)
Những năm qua, với vai trò là “cầu nối” trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời góp phần giảm gánh nặng sản xuất cho hội viên và nông dân, các cấp Hội ND tỉnh Hải Dương đã phối hợp với Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao triển khai chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho hàng nghìn hội viên.
Bình luận 0

Hiệu quả lớn

Trước đây, cũng như nhiều hộ gia đình khác ở xã Gia Khánh (huyện Gia Lộc), cứ đến vụ sản xuất là gia đình ông Nguyễn Văn Dợ (ở thôn Cao Lý) lại phải đến các đại lý phân bón trên địa bàn xã để mua chịu phân bón về bón cho cây trồng, hoặc phải đi vay mượn rất vất vả.

Còn theo ông Phạm Văn Chín ở thôn Cao Dương (xã Gia Khánh), ngoài việc phải trả lãi, người mua có khi còn phải chịu thêm phần mất mát do chủ đại lý cân thiếu, ghi số lượng nhiều hơn so với lượng phân thực mua...

img

Nông dân huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) thu hoạch cà rốt.  Ảnh: Thiên Hương

Gần đây, được Hội ND xã Gia Khánh phối hợp Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao triển khai chương trình mua phân bón trả chậm, ông Chín và nhiều gia đình nông dân khác trong xã đã giảm được gánh nặng chi phí phân bón phải trả khi chưa có tiền thu hoạch rau màu.

Ông Đặng Đình Khang - Chủ tịch Hội ND xã Gia Khánh cho biết, thời gian qua, nhờ phối hợp với doanh nghiệp triển khai chương trình bán phân bón trả chậm nên vấn đề giá cả lên xuống thất thường, phân bón giả, kém chất lượng trôi nổi trên thị trường… đã không còn là nỗi lo lắng đối với người nông dân.

Theo đó, từ tháng 3/2018, Hội ND huyện đã ký hợp đồng với Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ) và Công ty Xuất nhập khẩu Hà Anh (Hà Nội) thực hiện chương trình cung ứng phân bón trả chậm cho hội viên và bà con nông dân.

Theo ký kết, doanh nghiệp sẽ chở phân bón về tận xã, bán cho nông dân theo giá niêm yết của nhà máy tại thời điểm cung ứng. Hội ND các cấp trong huyện đứng ra tín chấp để bà con mua phân bón trả chậm. Sau khi thu hoạch (tức 3 - 6 tháng với cây ngắn ngày), Hội ND xã có trách nhiệm thu tiền phân bón hoàn trả cho các đơn vị cung ứng.

Ông Nguyễn Văn Trung - Phó Chủ tịch Hội ND huyện Gia Lộc (Hải Dương) cho biết, vụ chiêm năm 2018, Hội ND huyện đã chỉ đạo 23/23 cơ sở Hội phối hợp với chính quyền địa phương cung ứng được 170 tấn phân chậm trả cho nông dân. Một số xã làm tốt như Gia Khánh, Gia Hòa, Hoàng Diệu, mỗi xã cung ứng từ 15 - 20 tấn phân bón Lâm Thao các loại. Số phân bón này được giao tận tay bà con dưới sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương.

Nâng cao vị thế của Hội

Theo ông Nguyễn Văn Trung, nhờ triển khai tốt chương trình mua phân bón trả chậm mà nông dân không phải lo lắng vốn đầu tư phân bón ngay từ đầu vụ; yên tâm về chất lượng phân bón, giá cả cạnh tranh. Ngoài hiệu quả kinh tế mang lại cho bà con nông dân, chương trình bán phân bón Lâm Thao trả chậm còn góp phần tăng cường sự gắn bó giữa nông dân với tổ chức hội, nâng cao vị thế, uy tín của tổ chức hội, tập hợp và phát triển thêm nhiều hội viên nông dân...

Theo báo cáo của Hội ND tỉnh Hải Dương, trong năm 2018, các cấp Hội ND trên địa bàn đã phối hợp với Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao và một số doanh nghiệp có uy tín cung ứng 6.250 tấn phân bón Lâm Thao và một số loại phân bón khác theo chương trình trả chậm cho hội viên, nông dân.

Trong đó, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND tỉnh cung ứng gần 1.500 tấn, xây dựng 7 mô hình trình diễn sử dụng phân bón NPK Lâm Thao khép kín trên cây ổi, vải, dứa, cam, cà chua, cà rốt và bí xanh tại 7 cơ sở trong tỉnh.

Ngoài ra, các cấp Hội từ tỉnh đến cơ sở chủ động xây dựng 349 mô hình kinh tế tập thể, tổ nhóm liên kết phát triển sản xuất; đã có 257 mô hình đem lại hiệu quả nhằm khẳng định vai trò của Hội trong việc tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các câu lạc bộ, tổ chức tham quan trao đổi kinh nghiệm, cho vay vốn, như: Tổ liên kết nuôi thủy sản xã Long Xuyên (huyện Bình Giang), Tổ liên kết trồng dưa hấu xã Ngọc Liên (huyện Cẩm Giàng),...

Hội ND tỉnh xây dựng 2 mô hình “Tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn” tại 2 xã Lê Lợi (huyện Gia Lộc) và Đại Đồng (huyện Tứ Kỳ) với tổng diện tích 10ha, có 66 hộ tham gia; tổ chức 2 hội nghị triển khai, 4 lớp tập huấn hướng dẫn quy trình kỹ thuật sản xuất rau súp lơ an toàn cho cho 360 lượt người; tham gia vào tổ liên kết, các hộ nông dân được hỗ trợ trên 300.000 đồng/sào từ nguồn ngân sách của tỉnh và được các công ty, doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem