Đã mấy ngày ngồi “trực” chợ hoa bên đường Trần Hưng Đạo (Tuy Hòa, Phú Yên), chị Ngô Lệ Hằng than thở: “Cũng lai rai có người mua. Thế nhưng hầu hết đi xem chơi, hỏi giá… rồi đi luôn, nói để mua sau. Nắng gió, mỏi mệt quá, hoa “phơi” nhiều ngày lề đường thì cũng giảm đẹp. Mong sao bán xong sớm về lo chuyện nhà”.
Người bán hoa Tết bên đường Trần Hưng Đạo (Tuy Hòa, Phú Yên).
Anh Văn Thành Hòa - một công chức trẻ, đang khấp khởi với hàng hoa có vốn trên 50 triệu đồng, vừa đưa về từ Đà Lạt: “Nhóm bạn tụi em góp nhau “đánh trận” hoa này để tập tành khởi sự kinh doanh. Giá hoa Đà Lạt có nhích hơn hoa trồng tại chỗ nên tụi em nhắm vào đối tượng khách hàng có điều kiện kinh tế, thích mua hoa đẹp, lạ”.
Hầu hết người mua chỉ đi xem chơi, hỏi giá… rồi đi luôn.
Theo một chủ hàng hoa khác, nhiều người dân ở đây luôn có thói quen “thi gan” với người bán hoa. Họ cho rằng, mua hoa sớm thì đắt, nên cứ “canh” đến giáp Giao thừa thì… hỉ hả vì hoa rẻ như rau! Thế nhưng họa hoằn cũng có năm, đến đêm Giao thừa thì hoa tăng giá gấp nhiều lần…
Ông Đỗ Bá Khoa (ở phường 1, Tuy Hòa) cho biết: “Trước Tết 10 ngày, vợ chồng tôi đã đến nhà vườn ngoại ô để mua một số hoa, giờ mua thêm… chơi cho sướng! Tôi thấy dân địa phương cũng đã dần sớm mua hoa chưng Tết. Nhưng phần đông, vì nhiều lý do, người ta vẫn chờ Tết “dí sát” rồi mới mua! Nhiều đêm Giao thừa, thấy cảnh người bán phải vứt bỏ hoa, mà rớt nước mắt…”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.