Cầu phao và trạm cân

Thứ tư, ngày 23/01/2013 17:33 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Cần nghiêm túc xử lý những cá nhân làm đường không đạt yêu cầu, phải đưa ra khỏi ngành” - Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm 2012 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Bình luận 0

Ông cũng đề nghị không được mang “công nhân đội nón lá ra vá đường”, không được “vá víu thủ công”, không được “chỉ thầu”, rồi thì “chấn chỉnh những BQL yếu kém”. Rồi thì “Xóa đơn vị tư vấn ma”. Chỉ đạo, cũng chẳng khác mấy thực trạng đang như một căn bệnh của ngành GTVT Việt Nam. Và, “vì dân” nhất là câu này: "Thu một đồng từ chủ phương tiện thì chúng ta phải có trách nhiệm, phải sử dụng hiệu quả, chất lượng đường là danh dự của ngành giao thông. Chúng ta phải xấu hổ khi thấy đường xấu”.

Không ngẫu nhiên, Bộ trưởng nói chuyện “đường xấu” với Tổng cục Đường bộ. Không ngẫu nhiên, Tổng cục vừa trình Bộ trưởng đề án đầu tư 6.300 tỷ để xây 45 trạm cân xe. Và có lẽ, cũng chẳng có gì ngẫu nhiên nếu như ngay ngày mai, Bộ trưởng Thăng chính thức phê chuẩn đề án, với lý do: Để dân khỏi phải đi đường xấu.

Thực ra, cân hay không cân chẳng giải quyết được nhiều tình trạng phá đường. Bởi chuyện có quá khổ, quá tải hay không phải phụ thuộc vào “cái cân” trong con mắt những viên cảnh sát. CSGT nhìn thoáng là biết ngay đâu là xe quá tải. Những con vịt bầu bao giờ chẳng mang một dáng vẻ lặc lè, xệ mông!

Nhưng, chính trong ngày Bộ trưởng “kiên quyết” với nạn đường xấu, thì bên sông Vu Gia, ở Đại Lộc, Quảng Nam, sau 3 tháng đổ hồ hôi, một lão nông tên Lê Tất Dũng đã tự mình khánh thành cây cầu phao dân sinh làm bằng thùng phuy và gỗ lạt.

Không chém gió chém bão gì hết, lão nông chân chất nói ông không đành lòng khi hàng ngày “chứng kiến cảnh bà con ở quê đi làm phải qua một cây cầu tre tạm bợ nguy hiểm, nhất là mỗi lần nước lớn, cầu trôi và bà con phải làm đi làm lại nhiều lần”.

Lão nông họ Lê vừa là chủ đầu tư khi tự bỏ số tiền 300 triệu ky cóp cả đời để làm cầu. Cũng chẳng có “tư vấn ma”, khi thiết kế cũng là ông. Và đương nhiên, cùng với những người dân lam lũ, ông Dũng đồng thời cũng là nhà thầu. “3 trong 1”, nhưng trắng phớ là cây cầu phao không một đồng thất thoát. “Tôi chỉ nghĩ làm cầu cho bà con đi cho an toàn thôi!"- người đàn ông này chia sẻ về mục đích làm cầu.

Điểm khác giữa những con đường quốc lộ ngàn tỷ hoành tráng “chưa khai sinh đã khai tử”, với cây cầu “thùng phuy, gỗ lá”, chỉ đơn giản là đồng tiền. Dẫu đều là “tiền ông cụ”, nhưng một bên là tiền túi cá nhân, một bên là tiền két của...nhân dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem