Mấy ngày qua, dư luận dậy sóng trước thông tin cầu Ô Rô tại xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau được đầu tư 4 tỷ đồng mới xây xong đã sập, gây ách tắc giao thông. Rất nhanh chóng, Sở GTVT tỉnh Cà Mau đã xác định được nguyên nhân sơ bộ cầu sập là do hai cầu gần nhau và nền đất yếu.
May phước cho dân, cầu sập vào lúc rạng sáng, hoàn toàn không tải nên không gây tai nạn cho người. GTVT tỉnh Cà Mau nêu: "Có thể là do mố A cầu Ô Rô chỉ cách mố B cầu Cái Dày, cũng thuộc dự án này hơn 50m, đường đầu cầu đi trên phần bãi bồi giữa hai tuyến sông có địa chất rất yếu. Hơn nữa, cầu bắc qua sông Ô Rô cách ngã ba Đình khoảng 150m, do sông sâu nước chảy mạnh nên đường đầu cầu có nguy cơ mất ổn định cao. Vì vậy, với chiều cao đắp khá lớn, khi đường đầu cầu bị sạt lở với khối lượng lớn, đất đẩy ra phía bờ sông, làm mất ổn định và gãy cột mố, kéo theo sập hai nhịp cầu và trụ T1." Báo cáo này không đề cập đến vấn đề năng lực nhà thầu hay vấn đề kỹ thuật thiết kế, thi công.
Cầu Ô Rô tại xã Đất Mũi, Cà Mau được đầu tư 4 tỷ đồng mới xây xong đã sập một nửa.
Điệp khúc "địa chất yếu" được sử dụng rất nhuần nhuyễn, gần như là mẫu số chung cho những công trình liên tục bị sập có vốn đầu tư từ ngân sách. Một cây cầu chết yểu khi mới vừa 13 ngày tuổi là cầu Vĩnh Bình ở Long An. Ngày 27.5, cây cầu này bất ngờ bị sập một nửa, mố cầu trượt khỏi vị trí ban đầu. Lại may cho dân, cầu tự sập khi không có ai trên cầu cũng như không có ghe xuồng bên dưới nên không gây thiệt hại về người.
Cầu Vĩnh Bình được thiết kế theo loại hình kiến trúc dây văng, tải trọng một tấn chỉ dành cho xe máy và người đi bộ với tổng kinh phí gần 2,5 tỷ đồng. Cầu do UBND xã Vĩnh Bình làm chủ đầu tư để thay thế cho bến phà cũ. Nguyên nhân sập cầu, lại là “lỗi địa chất”.
Cầu cấp xã sập, cầu cấp huyện ở Long An cũng trôi mố do "lỗi địa chất" là cầu dây văng Bình Phong Thạnh bắc qua sông Vàm Cỏ Tây. Với kinh phí xây dựng 15 tỷ đồng, đây là cầu dây văng lớn nhất Long An. Cầu do Ban quản lý dự án các công trình xây dựng cơ bản huyện Mộc Hóa làm chủ đầu tư; Công ty CP Tư vấn xây dựng giao thông Long An làm tư vấn giám sát, phần tư vấn thiết kế do Công ty CP xây dựng VBR đảm nhiệm và đơn vị thi công là liên doanh giữa Cty TNHH Xây dựng Đại Đồng Tiến và Công ty CP Cơ khí An Giang thực hiện. Sau khi cầu sập, Sở GTVT tỉnh Long An đã xác định nguyên nhân sập cầu là do "địa chất yếu".
Cầu sập do địa chất yếu đã đành, đến bờ kè - chức năng cũng như tên gọi, là để chống lại sự sụp đổ dọc bờ sông, cũng bị sụp đổ "do địa chất". Chi 25 tỷ đồng cho vài trăm mét bờ kè, có lẽ UBND thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang) cũng không thể ngờ kè Bảo Định đã tự sụp sau vài cơn mưa. Đến nay, đơn vị thi công vẫn chưa khắc phục được.
Địa chất có yếu không khi mà những cây cầu cổ do người Pháp xây dựng cách nay cả thế kỷ có đập cũng không chịu sập? Dư luận từng xôn xao khi cầu Đúc Tân An, được người Pháp gửi thông báo hết hạn bảo hành cách đây vài chục năm, vẫn không chịu sập khi nhà thầu phá bỏ để xây cầu mới vào cuối năm ngoái. Xe cuốc hạng nặng phá cầu được vài ngày thì gãy cần cuốc vì "cụ cầu" siêu cứng. Trong quá trình phá cầu, một chiếc xe cẩu chìm luôn xuống sông, một công nhân tử vong. Mất nhiều tháng, cây cầu mới bị phá xong.
Một cây cầu cổ khác là cầu Láng Sen ở Cần Thơ, bắt qua con sông bé xíu nên cây cầu cũng bé xíu, đã không hề hấn gì khi bị một chiếc xe khách loại lớn của hãng Phương Trang tông thắng vào thành cầu vào năm 2015. Xem hình ảnh trên báo, nhiều người dân không thể tin nổi thành cầu mỏng manh lại gánh cả chiếc xe khách và “treo” chiếc xe này trên thành cầu.
“Địa chất yếu” luôn là câu trả lời cho những công trình bị sụp đổ. Nhưng có hợp lý hay không, khi những câu trình này luôn có khâu khảo sát, thiết kế với đầy đủ ban bệ và tốn kém rất nhiều cho cho những công trình ấy? Chừng nào “lá bùa” địa chết yếu còn được cán bộ sử dụng để quy trách nhiệm cho ông trời, cho ông Địa, bỏ quên trách nhiệm của con người, thì cầu còn lâu mới thôi không sập!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.