Cây ATM gạo tự chế ấm lòng người nghèo trong mùa dịch Covid-19

Nha Mẫn Thứ bảy, ngày 18/04/2020 06:04 AM (GMT+7)
Nhằm sẻ chia khó khăn với người nghèo bị mất thu nhập, quán cơm tình thương 2.000 đồng tại TP.Long Khánh đã tự chế ATM phát gạo tự động, giúp người nghèo an tâm giữa dịch Covid-19.
Bình luận 0

Đây là cây “ATM gạo” đầu tiên trên địa bàn Đồng Nai được đặt tại Quán cơm tình thương 2.000 đồng (số 143/3 đường Hùng Vương, khu phố 1, phường Xuân Hòa, TP.Long Khánh). Trước đây, địa chỉ này là điểm đến quen thuộc của người lao động nghèo tại TP.Long Khánh đến nhận cơm chỉ với giá 2.000 đồng. Tuy nhiên, hơn nửa tháng nay, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, quán buộc phải tạm đóng cửa. 

img

Người dân giữ khoảng cách 2m khi nhận gạo.

Chị Nguyễn Thị Loan - Trưởng nhóm Cơm tình thương Long Khánh cũng là chủ Quán cơm tình thương 2.000 đồng, cho biết do dịch Covid-19, gần 1 tháng nay, quán cơm tạm ngừng hoạt động. Lo người nghèo không có cái ăn nên chị cùng mọi người đã thực hiện phát gạo, quà... để họ an tâm qua mùa dịch.

Trong 15 ngày đầu thực hiện cách ly xã hội, quán cơm của chị Loan đã phát khoảng 150 - 200 suất gạo/ngày để hỗ trợ những người mất thu nhập, gặp khó khăn trong dịch bệnh.

img

Mỗi người đến ATM gạo sẽ được nhận 1,5kg gạo.

Ngày 15/4, chị Loan nảy sinh ý định lắp đặt ATM gạo để thuận lợi cho việc phát và nhận gạo, tránh tiếp xúc nhiều theo đúng quy định phòng chống dịch.

“Đóng gạo thủ công mất nhiều thời gian, nhân lực, hơn nữa lại thiếu an toàn nên tôi nghĩ làm cây ATM gạo là hợp lý”, chị Loan chia sẻ

Biết được ý tưởng của nhóm chị Loan, anh Lê Cao Trực - chủ cơ sở nước chấm Hoa Sen Long Khánh đã liên hệ các cơ sở sản xuất ATM gạo tại TP.HCM để đặt hàng tặng Quán cơm tình thương, nhưng phía sản xuất ATM gạo tự động báo giá từ 20-30 triệu đồng/máy. Theo anh Trực, số tiền mùa máy này có thể mua được gần 3 tấn gạo dành tặng người nghèo, nên sau đó, anh Trực đã bàn bạc với một số anh em khác cùng nhau bắt tay vào thiết kế và tự chế tạo ra một cây ATM gạo với giá thành rẻ hơn.

Chỉ trong một buổi sáng, nhóm của anh Trực đã chế tạo thành công ATM gạo tự động với giá thành chưa tới 10 triệu đồng. Ngày 16/4, cây ATM gạo đã được lắp đặt và sáng nay (17/4), chính thức phát gạo đến bà con.

img

Người dân phấn khởi vì được nhận gạo từ thiện.

Theo ghi nhận của Dân Việt, ngày đầu tiên phát gạo diễn ra rất thuận lợi, người dân tuân thủ xếp hàng, bịt khẩu trang và rửa tay sát khuẩn trước khi lấy gạo.

Phía cơ sở nước chấm Hoa Sen Long Khánh cử anh Võ Xuân Thắng - Trưởng phòng kỹ thuật của cơ sở đến hỗ trợ quán vận hành ATM gạo.

Chiếc ATM gạo tự chế này được thiết kế khá đơn giản gồm: 1 bồn chứa gạo, 1 ống nhựa, van để ngắt lượng gạo, thiết bị hẹn giờ, nút khởi động. "Đặc biệt, bồn chứa chứa được khoảng 500kg gạo nên chỉ cần đổ gạo 1 - 2 lần là có thể phát cả buổi, đỡ tốn nhân công. Hiện tại, chúng tôi chỉnh máy để người dân bấm nút 1 lần là cho ra ngay 1,5kg gạo”, anh Thắng chia sẻ.

img

Nhận gạo tự động giúp người dân nhận gạo một cách nhanh chóng, thuận lợi và an toàn hơn.

Bà Nguyễn Thị Nhẹn, hành nghề bán vé số tại địa phương, cho biết từ đầu tháng 4 đến nay, bà không có thu nhập, cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Nhưng may mắn, bà chưa phải nhịn đói bữa nào vì được nhận gạo tại Quán cơm tình thương. “Tôi thật sự cảm kích tấm lòng của cô Loan và những người trong nhóm từ thiện, các mạnh thường quân. Nếu không có những tấm lòng này, chúng tôi không biết phải xoay xở thế nào trong dịch Covid-19”, bà Nhẹn chia sẻ.

Ông Hoàng Văn Tân (76 tuổi) đạp chiếc xe đạp cũ đến quán cơm tình thương xin nhận gạo. Ông xúc động chia sẻ: “Có khó khăn mới biết lòng người quý biết bao, không ai bỏ mặc chúng tôi. Bữa giờ, có người cho muối, đường, nước mắm, dầu ăn, nay có người cho gạo, cuộc sống vậy cơ bản cũng đủ đầy, không sợ đói. Người già chúng tôi ăn chẳng bao nhiêu nên khoảng 2-3 hôm, tôi lại ghé".

img

Chị Loan chia sẻ về máy ATM gạo của quán cơm tình thương.

Sáng 17/4, chị Loan cho biết từ khi biết quán cơm có ATM gạo tự động, nhiều mạnh thường quân liên hệ tặng gạo và chị cũng vừa nhận được hơn 2 tấn gạo. Sắp tới, một đơn vị bộ đội cũng đến tặng rau, trứng gà cho người lao động nghèo.

“Trước mắt, chúng tôi hỗ trợ mỗi người 1,5kg gạo trong 15 ngày liên tiếp. Trường hợp mạnh thường quân ủng hộ nhiều hơn, chúng tôi có thể chỉnh máy để tặng lượng gạo phát ra cho bà con nhiều hơn. Nếu ai không đến lấy được hoặc ở quá xa, chúng tôi sẽ có người mang đến tận nơi. Sáng nay, chúng tôi cũng đã gửi 30 phần quà (mỗi phần quà gồm 10kg gạo và một thùng mì) cho 30 đồng bào dân tộc Chơ Ro", chị Loan chia sẻ.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem