Cổ vật quý hiếm trong ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi của nhà thơ Nguyễn Khuyến ở Hà Nam
Những cổ vật quý hiếm trong ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi của nhà thơ Nguyễn Khuyến ở Hà Nam
Trần Quang
Thứ bảy, ngày 09/07/2022 06:00 AM (GMT+7)
Đến thăm nhà cổ hơn 100 năm tuổi ở làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, (Hà Nam) của Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, du khách còn được chiêm ngưỡng nhiều cổ vật quý giá đang được lưu giữ tại đây.
Clip: Chiêm ngưỡng những cổ vật quý trong ngôi nhà cổ hơn 100 tuổi của của nhà thơ Nguyễn Khuyến, hiệu là Tam Nguyên Yên Đổ ở làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Đầu tháng 7 thời tiết nắng nóng gay gắt nhưng khi bước vào không gian của ngôi nhà cổ của Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến ở làng Vị Hạ, xã Trung Lương, chúng tôi cảm thấy rất dễ chịu. Làng Vị Hạ tục còn gọi là làng Và vốn là quê nội của nhà thơ Nguyễn Khuyến.
Quan lớn hay thường dân tới thăm, viếng thầy đều phải xuống ngựa, xuống xe bước qua cổng
Từ chiếc cổng cổ kính dẫn vào vườn Bùi với căn nhà gỗ được xây dựng theo lối cổ, phía trước là sân gạch rộng có 2 cây nhãn già to cổ thụ (hơn 2 người ôm) rất xanh mát, bình yên.
Ông Nguyễn Thanh Tùng hơn 80 tuổi là hậu duệ đời thứ 5 của cụ Nguyễn Khuyến kiêm luôn vai trò ‘hướng dẫn viên’, kể cho chúng tôi nghe các câu chuyện liên quan đến lịch sử của ngôi nhà cổ đặc biệt này.
Theo ông Tùng, cụ Tam nguyên Yên Đổ (tức nhà thơ Nguyễn Khuyến) sinh năm 1835, mất năm 1909. Ban đầu nhà thơ có tên là Nguyễn Thắng, hiệu là Quế Sơn, tự Miễn Chi. Cụ sinh ở quê mẹ, làng Hoàng Xá, huyện Ý Yên (tỉnh Nam Định) nhưng lớn lên và sống chủ yếu ở quê cha, làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Xuất thân trong một gia đình nhà Nho nghèo (cha ông đỗ ba khóa tú tài, làm nghề dạy học), bản thân Nguyễn Khuyến thông minh, chăm học và học giỏi.
Năm 1864, Nguyễn Khuyến đỗ đầu thi Hương (Giải nguyên) ở trường Nam Ðịnh; năm 1871, ông đỗ Hội nguyên và tiếp tục thi Ðình đỗ Ðình nguyên. Từ đó, người ta gọi ông là “Tam nguyên Yên Ðổ” (tức người đỗ đầu ba kỳ thi làng Yên Đổ).
Nguyễn Khuyến làm quan ở nội các Huế, rồi làm Đốc học Thanh Hóa, Án sát Nghệ An, rồi Biện lý Bộ Hộ,... Thời gian ông ra làm quan, Pháp đánh chiếm sáu tỉnh Nam Kỳ và tiến đánh ra miền Bắc. Sống giữa bối cảnh nước mất nhà tan, các phong trào đấu tranh yêu nước bị dập tắt, nhiều kẻ làm tay sai cho thực dân, Nguyễn Khuyến không thể làm được gì để thay đổi thời cuộc nên xin từ quan về làng Vị Hạ dựng nhà, dạy học, làm thơ cho đến khi mất năm 1909.
Địa chỉ đỏ của du khách là giới học sinh
Khu nhà cụ Nguyễn Khuyến được dựng theo lối kiến trúc: Ngoài là nhà đại tế, trong là hậu cung. Nhà đại tế gồm 7 gian, xây gạch, lợp ngói và có 4 hàng cột. Hậu cung được làm bằng gỗ, theo kiến trúc đồng bằng Bắc Bộ.
"Ngôi nhà cổ của cụ đặc biệt ở chỗ, có lưỡng long chầu nguyệt, 9 bậc đặt ở dưới đất. Bình thường, hình lưỡng long chầu nguyệt hay được đặt ở trên nóc nhà", ông Tùng-hậu duệ của nhà thơ Nguyễn Khuyến giới thiệu.
Lý giải về điều này, ông Tùng hồ hởi cho biết, ngày xưa, cụ Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến giải thích với các chức sắc rằng làm vậy để tránh nắng hướng đông và hướng tây. Thế nhưng, lý do ban đầu của cụ lại hoàn toàn khác.
"Cụ Nguyễn Khuyến để lưỡng long chầu nguyệt ở dưới đất nhằm ám chỉ vua nhà Nguyễn bán nước nên không cho cưỡi lên đầu rồng, chỉ chầu đằng trước nhà thôi", ông Tùng chia sẻ.
Trong hậu cung vẫn lưu giữ hòm sách và ống quyển (ống dùng để chứa giấy thi và bài thi của thí sinh xưa) từ ngày cụ Nguyễn Khuyến còn dùi mài kinh sử.
"Đối với tôi và con cháu, ngôi nhà cổ này là nơi linh thiêng nhất. Bởi lẽ, đây là nơi thờ của cụ và cũng là nơi để lưu giữ những kỷ vật mà cụ Nguyễn Khuyến để lại", ông Tùng bộc bạch
Ông Nguyễn Thanh Tùng hơn 80 tuổi là hậu duệ đời thứ 5 của cụ Nguyễn Khuyến cho biết, trung bình mỗi năm ngôi nhà cổ của cụ Nguyễn Khuyến đón tiếp hàng nghìn lượt khách du lịch, học sinh tại các tỉnh, thành khắp cả nước đến thắp hương, thăm quan, chiêm ngưỡng cảnh quan, không gian, cổ vật quý...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.