Cây chuối sứ là giống chuối gì mà nông dân Bình Thuận trồng trên gò cao, già buồng nào lái khiêng đi hết?

Thứ sáu, ngày 06/05/2022 13:06 PM (GMT+7)
Khi các sản phẩm từ cây thanh long không còn được giá, từ những chân ruộng gò cao, nhà nhà chọn chuyển đổi cây trồng. Riêng ông Thổ Bởi (thôn Bình Minh, xã Phan Hòa, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) lại chọn trồng chuối sứ.
Bình luận 0

Qua 4 năm trồng chuối sứ đã chứng minh hướng đi này mang lại hiệu quả cao và bền vững cho gia đình ông Bởi.

Đang chặt lấy những gốc chuối mà thương lái vừa mới mua buồng cuối tuần qua để thái nhỏ cho đàn dê ăn và xay cho hồ cá trê, ông Thổ Bởi vui vẻ nói: Ít có loại cây trồng nào mà tận thu được hết như chuối. Cây con thì bán cây chuối giống, thái cho đàn gà vịt, thậm chí dùng để chế biến các món ăn. Lá chuối dùng để gói bánh, bắp chuối thì làm gỏi, trang trí. Thân cây chuối sau khi thu hoạch buồng chuối lại làm thức ăn cho gia súc.

Cây chuối sứ là giống chuối gì mà nông dân Bình Thuận trồng trên gò cao, già buồng nào lái khiêng đi hết? - Ảnh 1.

Vườn chuối sứ mang lại thu nhập cao cho gia đình ông Thổ Bởi

Bắt đầu trồng chuối sứ từ năm 2018, trong một lần tình cờ xem được câu chuyện nhà nông trên truyền hình. Tuy nhiên do đồng vốn còn ít, ông chỉ dám trồng thử nghiệm trên 6 sào và sau này mới mở rộng dần. 

Chuối là cây trồng không ưa hạn, cũng không chịu ngập nước, vì thế trên chân ruộng gò chỉ cần đổ thêm một lớp đất phía trên. 

Về cách trồng và chăm sóc chuối sứ, theo ông Thổ Bởi cũng khá đơn giản: Toàn bộ cây chuối giống được mua ở địa phương.

Khi trồng chuối sứ nên chú ý khoảng cách giữa các cây phải từ 2m, vì nếu mật độ trồng dày sẽ kéo dài thời gian cây chuối trổ buồng và làm giảm tỷ lệ trái tròn căng, thời gian bảo quản trái. 

Trồng chuối dày còn làm chậm sự phát triển của chồi bên. Một cây chuối có thể sản sinh 5 - 10 chồi bên. Thông thường chỉ để 2 chồi cho vụ sau. 

Các chồi khác phải bỏ đi tránh cạnh tranh về dinh dưỡng. Ngoài ra, hàng tháng phải thu dọn, cắt bỏ lá già và lá bị bệnh. Một năm bón phân cho chuối sứ từ 1 – 2 lần bằng phân chuồng và đánh rãnh, vun gốc cho cây.

Mất gần 1 năm mới thu hoạch được một buồng chuối, nhưng nhờ các lứa đan xen, nên tuần nào ông Bởi cũng có chuối bán, thu về từ 1,5 – 2 triệu đồng. 

“Thương lái tới tận vườn chọn và chặt xuống, một nải chuối sứ có giá 18.000 đồng. So với trồng lúa và thanh long, tôi thấy trồng chuối sứ tốn ít công và lợi nhuận cao hơn”, ông Thổ Bởi chia sẻ.

Lão nông 58 tuổi nhận định: Chuối sứ là loại trái cây được đồng bào Chăm lựa chọn nhiều nhất trong các bữa ăn hàng ngày, cúng kính vào dịp lễ. Thêm nữa so với vùng Phan Sơn, Phan Lâm và các nơi khác, chuối trồng trên đất ở Phan Hòa có màu vàng bóng, trái căng tròn, nải đều và đẹp hơn, nên có khả năng cạnh tranh và không lo đầu ra. 

Hiện ngoài 1 ha chuối sứ đang phát triển tốt, ông Bởi dự định các năm tiếp theo sẽ tiếp tục mở rộng diện tích.

Bà Tạ Thị Thu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phan Hòa (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận) cho biết: Với nhiều người dân ở Phan Hòa, chuối sứ là cây trồng không mấy xa lạ, khi nhiều hộ vẫn trồng ở xung quanh nương rẫy.

Tuy nhiên hiện vẫn chưa có nhiều hộ mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sang trồng loại chuối này. Vì thế, hiệu quả và thành công từ mô hình trồng chuối sứ của gia đình ông Thổ Bởi là tín hiệu vui để bà con nông dân học tập, chọn cây trồng thích hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao.

T

Thùy Linh (Báo Bình Thuận)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem