Thứ cây "nồi đồng cối đá" này có nơi ngước lên toàn lá, ở một huyện ở Ninh Thuận vẫn ra trái đỏ, tím, vàng

Quang Đăng Thứ ba, ngày 18/06/2024 05:51 AM (GMT+7)
Nhờ tham gia liên kết với hợp tác xã trong trồng cây điều-thứ cây "nồi đồng cối đá", nhiều nông dân ở huyện miền núi Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận không còn lo lắng với điệp khúc "được mùa mất giá". Hạt điều sau khi thu hoạch đã khẳng định được giá trị, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cao hơn cho người nông dân.
Bình luận 0

Hiệu quả liên kết sản xuất điều ở Ninh Thuận

Một ngày trung tuần tháng 6, PV Dân Việt có dịp về huyện miền núi Bác Ái ở tỉnh Ninh Thuận. Thời điểm này, nông dân các xã Phước Hòa, Phước Bình đang tập trung thu hoạch dứt điểm vụ điều. Đây cũng là 2 địa phương có diện tích cây điều lớn nhất ở Ninh Thuận.

Thứ cây "nồi đồng cối đá" này có nơi ngước lên toàn lá, ở một huyện ở Ninh Thuận vẫn ra trái đỏ, tím, vàng- Ảnh 1.

Nông dân thu hoạch điều ở huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Nhiều nông dân cho biết, dù giá hạt điều không cao như mọi năm nhưng bù lại được các doanh nghiệp, đặc biệt là Hợp tác xã (HTX) điều hữu cơ thu mua ở mức ổn định từ 25.000 - 26.000 đồng/kg nên nông dân ai nấy đều phấn khởi.

Đang tất bật thu hoạch hạt điều tại rẫy, bà Chamaléa Thị Thái ở thôn Chà Panh, xã Phước Hòa đang tất bật thu hoạch 2ha điều của gia đình. Bà Thái cho biết, đây đã là vụ thứ 3 gia đình liên kết trồng điều với HTX điều hữu cơ Truecoop.

Theo bà Chamaléa Thị Thái, trước đây gia đình bà trồng điều theo hướng truyền thống nên chất lượng hạt điều không cao. Sản phẩm hạt điều sau khi thu hoạch luôn phụ thuộc thương lái nên giá cả rất bấp bênh.

Thứ cây "nồi đồng cối đá" này có nơi ngước lên toàn lá, ở một huyện ở Ninh Thuận vẫn ra trái đỏ, tím, vàng- Ảnh 2.

Bà bà Chamaléa Thị Thái ở thôn Chà Panh, xã Phước Hòa, huyện BÁc Ái thu hoạch hạt điều. Ảnh: Đức Cường

Từ khi tham gia liên kết sản xuất điều theo hướng hữu cơ với HTX điều hữu cơ Truecoop thì mỗi vụ gia đình bà đều được hỗ trợ kỹ thuật, cách sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cùng nhiều vật tư nông nghiệp khác.

Ngoài ra, sản phẩm làm ra luôn được HTX thu mua với giá cả ổn định nên gia đình không còn lo lắng với điệp khúc "được mùa mất giá, được giá mất mùa" như trước.

"Với giá thu mua ổn định từ 25.000 – 26.000 đồng/kg thì năm nay gia đình thu lãi được khoảng 20 triệu đồng nhờ cây điều. Nhờ đó, có thêm điều kiện để phát triển kinh tế gia đình…", ông Liễu cho hay.

Thứ cây "nồi đồng cối đá" này có nơi ngước lên toàn lá, ở một huyện ở Ninh Thuận vẫn ra trái đỏ, tím, vàng- Ảnh 3.

Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Đồng Thuận hướng dẫn sản xuất điều hữu cơ tại rẫy điều ông Pi Năng Liễu. Ảnh: Đức Cường

Cách đó không xa, ông Pi Năng Liễu ở thôn Tà Lọt, xã Phước Hoà cũng đang thu hoạch gần 1,5ha điều của gia đình. Ông Liễu cho biết, do ảnh hưởng của nắng hạn vào những tháng đầu năm nên năng suất cây điều năm nay có giảm so với mọi năm. Thời điểm thu hoạch hạt điều cũng kết thúc muộn hơn so với mọi năm.

Theo ông Liễu, gia đình ông có hơn 1,5ha điều liên kết với HTX dịch vụ nông nghiệp Đồng Thuận. Nhờ tham gia liên kết với HTX mà ông được hướng dẫn sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng phòng trừ sâu bệnh hại và vệ sinh vườn trồng sạch sẽ. Nhờ đó, chất lượng hạt điều sau khi thu hoạch cũng được nâng lên.

Thứ cây "nồi đồng cối đá" này có nơi ngước lên toàn lá, ở một huyện ở Ninh Thuận vẫn ra trái đỏ, tím, vàng- Ảnh 4.

Đa số điều ở huyện miền núi Bác Ái đều được chăm sóc theo hướng tự nhiên và sản xuất hữu cơ. Ảnh: Đức Cường

Cũng theo ông Liễu, nhờ được chăm sóc tốt nên hạt điều của gia đình luôn bán được với giá cao 25.000 đồng/kg, so với năm ngoái thì năm nay thu lãi hơn 15 triệu đồng.

"Tuy năng suất điều không cao như mọi năm nhưng giá cả luôn ổn định nhờ liên kết với hợp HTX dịch vụ nông nghiệp Đồng Thuận. Hạt điều thu hoạch tới đâu đều được HTX thu mua đến đó nên không bị hao hụt so với bán cho thương lái…", ông Liễu phấn khởi cho hay.

Nâng cao giá trị hạt điều Ninh Thuận

Theo UBND xã Phước Hòa, hiện trên địa bàn xã có 2 HTX liên kết trồng và thu mua hạt điều cho nông dân. Việc liên kết trong sản xuất và thu mua hạt điều nói trên đã tạo đầu ra ổn định cho cây điều ở địa phương, nhờ đó nâng cao thu nhập và hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân.

Thứ cây "nồi đồng cối đá" này có nơi ngước lên toàn lá, ở một huyện ở Ninh Thuận vẫn ra trái đỏ, tím, vàng- Ảnh 5.

Công nhân phơi khô hạt điều tại HTX điều hữu cơ Truecoop. Ảnh: Quang Đăng

Bà Ngô Thị Cúc, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bác Ái cho biết: Toàn huyện có gần 1.500ha cây điều, tuy không phải là cây trồng chủ lực, nhưng cây điều đang giúp bà con ở các xã miền núi có nguồn thu đáng kể. Cùng với đó, cây điều còn góp phần phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tăng độ che phủ của rừng đáng kể.

Hiện, trên địa bàn xã Phước Hòa và Phước Bình (huyện Bác Ái) đều có các điểm thu mua của Hợp tác xã điều hữu cơ TrueCoop, nhờ đó nông dân rất thuận tiện trong việc mua bán hạt điều.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận, hiện toàn tỉnh có hơn 5.000ha cây điều trồng dưới tán rừng. Trong đó, Hợp tác xã điều hữu cơ TrueCoop đã liên kết và bao tiêu 100% sản phẩm với 1.800 hộ/3.980ha, canh tác theo hướng hữu cơ, theo tiêu chuẩn của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.

Thứ cây "nồi đồng cối đá" này có nơi ngước lên toàn lá, ở một huyện ở Ninh Thuận vẫn ra trái đỏ, tím, vàng- Ảnh 6.

Cây điều mang lại nguồn thu nhập cho nông dân Bác Ái ở Ninh Thuận. Ảnh: Quang Đăng

Ông Bùi Duy Thanh, Phó Giám đốc Hợp tác xã Điều hữu cơ TrueCoop cho biết: Đơn vị đang triển khai mở rộng vừng nguyên liệu để liên kết với khoảng 2.500 thành viên, nâng diện tích, sản lượng của TrueCoop lên hơn 5.000ha.

Thời gian tới, cũng sẽ phối hợp thực hiện việc xây dựng nhà máy chế biến điều hữu cơ tại Ninh Thuận, hướng tới việc thực hiện các dự án liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm hạt điều hữu cơ tại địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem