Cây lùng đạt chứng chỉ FSC lên giá, có từng nào bán cũng hết giúp dân nơi này ở Nghệ An thoát nghèo
Cây lùng đạt chứng chỉ FSC lên giá, có từng nào bán cũng hết giúp dân nơi này ở Nghệ An thoát nghèo
Thắng Tình
Thứ bảy, ngày 11/05/2024 19:42 PM (GMT+7)
Từ khi đạt chứng chỉ FSC, cây lùng ở xã Đồng Văn, huyện Quế Phong, Nghệ An được thu mua với giá cao hơn. Cây lùng mang lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình nơi đây, giúp họ thoát đói, giảm nghèo.
Thay đổi cách trồng, khai thác, cây lùng đạt chứng chỉ FSC
Trong số các sản phẩm lâm nghiệp ở huyện Quế Phong, Nghệ An thì cây lùng là loài cây đặc hữu, tập trung nhiều ở 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ với diện tích hơn 17.000ha. Cây lùng thuộc họ tre có đặc tính đốt dài, sợi trắng, mịn, phù hợp cho việc sản xuất các sản phẩm đồ thủ công mỹ nghệ.
Tuy nhiên, do khai thác quá mức đã dẫn đến diện tích và sản lượng ngày càng suy giảm, không tạo được giá trị kinh tế bền vững. Từ năm 2018 đến 2022, huyện Quế Phong triển khai dự án "Nhân rộng mô hình sinh kế bền vững từ cây lùng và dự án phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị tre và nghêu ở Việt Nam". Dự án nhằm mục đích giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Dự án đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho bà con kỹ thuật và chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc và khai thác rừng lùng theo tiêu chuẩn FSC. Bên cạnh đó, dự án cũng hướng đến việc bảo vệ và phát triển nguồn gen cây trồng đặc sản của vùng đất Quế Phong.
Đến nay, các hộ dân đã thu hoạch được số lượng cây đáng kể, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường. Giá trị kinh tế của cây lùng này cũng được cải thiện đáng kể, giúp người dân tăng thu nhập và cải thiện đời sống.
Năm 2021, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ đã trao Chứng chỉ FSC đã trao chứng chỉ FSC cho nhóm 212 hộ dân trồng và khai thác 938ha rừng lùng tại xã Đồng Văn và Thông Thụ. Đây địa phương đầu tiên của Nghệ An được nhận chứng chỉ này.
Ông Lương Thái Quý - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn cho biết: "Sau khi có dự án, người dân được hướng dẫn chăm sóc đúng quy trình nên cây lùng đem lại giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với trước. Bên cạnh đó, cây lùng còn có khả năng chịu hạn tốt và phù hợp với điều kiện địa chất, khí hậu ở vùng núi. Nếu sử dụng kỹ thuật trồng cây đúng cách cũng giúp giảm thiểu tác động của con người đến môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu các vấn đề về khí hậu".
Trồng cây lùng nhàn mà thu nhập ổn định
Ông Vi Văn Tâm (trú tại xã Đồng Văn, huyện Quế Phong) cho biết, gia đình mình được địa phương giao bảo vệ và chăm sóc 7,5ha lùng. Loại cây này có thể khai thác liên tục trong nhiều năm, không tốn chi phí và rất ít công chăm sóc. Khi đạt chứng chỉ FSC một số công ty đã cam kết thu mua trực tiếp nên giá cả tăng lên đáng kể.
Chỉ cần khai thác cây đúng độ tuổi, không chặt cả cụm thì năm nào cũng có thể thu hoạch lùng để bán. Thân cây lùng có giá từ 110.000 - 140.000 đồng/tạ; còn phần ngọn, mắt, lá có giá 50.000 - 80.000 đồng/tạ. Với hơn 7ha, mỗi năm gia đình gia đình ông Tâm có thêm thu nhập từ 25 - 30 triệu đồng.
Ông Lang Văn Hiền (trú tại xã Đồng Văn, huyện Quế Phong) cho biết: "Qua tập huấn, người dân đã biết được cách chăm sóc, khai thác theo trữ lượng, tuổi cây, cách chặt sát gốc và dọn rác sau khi khai thác. Bên cạnh đó, nhờ nhân giống, trồng thâm canh nên mật độ cây trong rừng tăng lên, mang lại hiệu quả kinh tế".
Ngoài ra các hộ gia đình ở đây còn được Nhà nước chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng 600.000 đồng/ha/năm.
Ông Phan Trọng Dũng - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Quế Phong cho biết, nhờ có các dự án mà người dân biết cách trồng, chăm sóc và khai thác cây lùng có hiệu quả, không bị tận diệt. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cao cấp từ loại cây này cũng mở rộng được thị trường xuất khẩu. Chính quyền địa phương đang hỗ trợ người dân và các tổ chức liên quan làm hồ sơ để đánh giá, cấp lại chứng chỉ FSC
Trong thời gian tới huyện Quế Phong sẽ tiếp tục mở rộng diện tích rừng lùng đạt Chứng chỉ FSC tại 2 xã Đồng Văn và Thông Thụ với diện tích khoảng trên 1.700ha. Qua đó, giúp người dân địa phương phát triển kinh tế, có nguồn thu nhập ổn định.
Chứng chỉ FSC được cấp bởi Hội đồng Quản lý rừng thế giới (Forest Stewardship Council). Chứng chỉ FSC nhằm khuyến khích các hoạt động khai thác đi đôi với phát triển bền vững tài nguyên rừng, ngăn chặn việc khai thác rừng bừa bãi.
FSC là chứng chỉ được dùng cho các nhà quản lý rừng hay những nhà sản xuất các sản phẩm từ rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững, cân bằng được các giá trị bảo vệ môi trường với lợi ích xã hội của các bên liên quan.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.