Tinh thần làm chủ cộng đồng
Khánh Hòa, nữ cán bộ của Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt từ Hà Nội lặn lội vào Trường Sơn, ăn ở với bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Cô, vận động họ trồng cây mây phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường.
Có lẽ, đây là lần đầu tiên cô gái Hà Nội vượt Trường Sơn đến với bản làng heo hút nhưng đầy lãng mạn.
Giống mây nước được chọn để nhân giống cho bà con.
Rừng Trường Sơn bắt đầu cuối hạ, hoa trẩu nở trắng xóa, đẹp đến nao lòng. Leo lên đỉnh núi của thôn Là Tó, xã Húc Nghì mây trắng như ở ngang đầu.
Dưới những tán mây trắng lưng chừng giữa rừng ấy là bạt ngàn vườn cây mây của Khánh Hòa đã giúp bà con phát triển mấy năm nay. Bây giờ, cây mây đã đi qua thời kỳ trổ hoa để vào mùa kết trái, những chùm trái mây non tơ, mượt mà, như nụ cười của sơn nữ giữa đại ngàn.
Như quên hết mệt nhọc của đường sá, Khánh Hòa kể công việc trồng mây này thuộc dự án “Khuyến khích tinh thần làm chủ của cộng đồng địa phương đối với tài nguyên rừng, hướng tới chia sẻ công bằng lợi ích từ rừng, cải thiện sinh kế và bảo tồn các loại động vật bị đe dọa tại Khu BTTN Đakrông và Bắc Hướng Hóa”.
Dự án do Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Việt phối hợp với Văn phòng BirdLife International châu Á, Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị triển khai với sự tài trợ của quỹ Toyota Nhật Bản.
Khu BTTN ở nước ta bao giờ cũng vậy. Bên cạnh khung cảnh thanh bình, tiếng hú gọi bạn thiết tha, trong veo của những chú vượn tinh nghịch thì đối diện với nó một thực tế bức xúc luôn tồn tại.
Đó là nhu cầu phát triển kinh tế của người dân ở các xã vùng đệm của Khu BTTN đang gặp khó khăn. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào rừng nên tình trạng “xung đột” với rừng từ việc khai thác các loại gỗ, lâm sản ngoài gỗ, săn bắn động vật hoang dã vẫn diễn ra thường xuyên.
Vì vậy, dự án Toyota được triển khai nhằm mục tiêu hướng tới cộng tác với người dân địa phương để phục hồi sinh cảnh rừng tự nhiên đã bị suy thoái trong và xung quanh Khu BTTN.
Cùng với đó là không ngừng cải thiện đời sống cho người dân bản địa bằng cách tạo sinh kế như trồng mây dưới tán rừng cũng như khai thác các loại lâm sản phi gỗ và thực hiện các dịch vụ hệ sinh thái khác.
Hơn ba năm trước, dự án đã chọn triển khai thí điểm tại xã Húc Nghì, xã Hướng Hiệp của huyện Đakrông và Hướng Sơn của huyện Hướng Hóa.
Mô hình được lựa chọn là kết hợp được trách nhiệm và quyền lợi trước mắt cũng như lâu dài của cộng đồng địa phương đối với việc bảo vệ và sử dụng tài nguyên rừng.
Cụ thể, mô hình này khoán cho người dân tham gia bảo vệ rừng ổn định trong thời gian 10 năm.
Kinh phí khoán bảo vệ rừng được thanh toán ngay trong năm đầu tiên để các hộ nhận khoán có tiền đầu tư trồng mây dưới tán rừng tự nhiên và hưởng lợi lâu dài từ khoản đầu tư đó.
Khánh Hòa giải thích đây chính là điểm độc đáo của dự án so với các mô hình đầu tư trồng mây dưới tán rừng tương tự được triển khai trước đây.
Người dân tham gia được tập huấn về trồng, chăm sóc và khai thác, chế biến cây mây, đồng thời tập huấn về phương pháp tuần tra giám sát bảo vệ rừng trực tiếp.
Có hơn 30 hộ, nhóm hộ ở thôn Là Tó, xã Húc Nghì và thôn Kreng xã Hướng Hiệp nhận khoán chăm sóc trong thời gian 10 năm (từ 2012- 2022) với diện tích 160 ha rừng. Bình quân mỗi hộ, nhóm hộ được nhận khoán, chăm sóc và bảo vệ 5 ha rừng tự nhiên.
Khi nhận rừng, các hộ, nhóm hộ cũng được dự án hỗ trợ với số tiền 200.000 đồng/ha/năm. Số tiền này được các hộ, nhóm hộ đầu tư trồng cây mây nước để làm giàu rừng và hưởng lợi lâu dài.
Anh Hồ A Rai, thôn Là Tó, xã Húc Nghì cho biết trồng mây dưới tán rừng đã cho bà con có thu nhập ban đầu. Với mỗi ki lô gam mây tươi có giá trên 3 ngàn đồng thì bình quân mỗi đợt thu hái mây, mỗi hộ cũng có thu nhập vài trăm nghìn đồng.
|
Để công việc có kết quả tốt đẹp, dự án đã liên hệ nguồn mây giống, phân bón và tập huấn để các hộ chủ động trong việc trồng mây ngay trên diện tích rừng nhận khoán.
Bình quân mỗi hộ, nhóm hộ trồng được 1 ha mây (khoảng 2.100 cây mây). Hiện tại, số diện tích mây được trồng đang phát triển rất tốt và đã bước đầu cho thu hoạch.
Giảm bớt đầu tư Nhà nước
Ông Lê Văn Quý- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Trị cho biết, dự án Toyota triển khai hai pha tại Quảng Trị. Pha I của dự án được thực hiện năm 2012-2013 tại thôn Là Tó và thôn Kreng, huyện Đakrong, pha II được thực hiện năm 2014-2015 tại thôn Hồ, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa.
Hoạt động chính của dự án là kết hợp giao khoán bảo vệ rừng và đầu tư làm giàu rừng, thông qua việc cộng tác với người dân địa phương để phục hồi sinh cảnh tự nhiên đã bị suy thoái trong và quanh khu BTTN Đakrông và Bắc Hướng Hóa và cải thiện sinh kế cho cộng đồng địa phương.
Nữ cán bộ Trung tâm BTTN Việt lặn lội giữ rừng phỏng vấn bà con trồng mây.
Tính đến nay, dự án đã đạt được những thành tựu đáng kể, quan trọng nhất là giao khoán 120 ha rừng tự nhiên cho 24 hộ gia đình trong thôn Hồ, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa.
Đồng thời giúp họ đầu tư trồng 24 ha mây để nâng cao sinh kế và hàng trăm ha mây trồng dưới rừng giao khoán ở huyện Đakrông.
Ra Hà Nội rồi vào lại rừng Trường Sơn ở với bà con dân bản trồng mây. Điều mà nữ cán bộ của trung tâm luôn canh cánh đó là cần cải tiến chính sách đầu tư theo hướng có giai đoạn, chăm sóc 3 năm đầu tiên để nâng cao hiệu quả.
Bài học kinh nghiệm mà dự án rút ra là nên trồng xen mây ở những khu vực rừng thưa, mở tán.
Với nguồn giống, cần bảo quản hạt giống chu đáo, nên gieo ngay sau khi thu hái, tránh để lâu hạt giống dễ mất phẩm chất, giảm tỷ lệ nảy mầm. Việc trồng mây kiểu này góp phần giảm bớt đầu tư của Nhà nước về giao khoán bảo vệ rừng.
Hiện tại ở Quảng Trị, mây nước là loại lâm sản ngoài gỗ được tiêu thụ nhiều, giá cả tốt, phát triển trồng mây nước dưới tán rừng tự nhiên là hướng đi đúng và phù hợp.
Hơn nữa, cây mây nước phân bố nhiều trong địa bàn rừng tự nhiên của tỉnh Quảng Trị, nhưng chưa quan tâm khai thác cây giống và hạt giống đúng kỹ thuật.
Do đó, cần có biện pháp khoanh vùng khu vực phân bố nhiều giống mây (thôn Cựp, xã Húc Nghì và thôn Cựp, xã Hướng Lập) để cung cấp giống tại chỗ cho bà con nông dân. Giá giống mây nước ở mức khoảng 60 ngàn đồng/kg.
Đánh giá về hiệu quả bước đầu của dự án, ông Hà Sỹ Đồng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết dự án Toyota tuy quy mô không lớn nhưng có ý nghĩa thiết thực.
Thông qua dự án trồng mây, bà con không chỉ được cải thiện sinh kế, hạn chế xâm hại rừng tự nhiên mà còn góp phần nâng cao nhận thức cho bà con.
Rừng khai thác mãi thì cũng hết nhưng nếu có những mô hình tạo sinh kế bền vững cho bà con thì sẽ đạt được nhiều mục tiêu, nhất là vẫn bảo tồn được rừng mà bà con vẫn có cơ hội nâng cao đời sống.
Lâm Quang Huy (Nông Nghiệp Việt Nam)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.