Cây sơn về, no ấm đến

Chủ nhật, ngày 30/03/2014 07:38 AM (GMT+7)
Đến nay thì không chỉ chồng và các con tôi mà mọi người trong làng ngoài xã đều tin rằng “cây sơn có thể đem ấm no về”.
Bình luận 0
15 năm về trước, cũng như bao gia đình ở vùng đồi bán sơn địa này, 5 nhân khẩu nhà tôi chỉ dựa vào mấy sào ruộng khoán và ít đất trồng hoa màu kém năng suất. Thế rồi chồng tôi đổ bệnh với chứng đau dạ dày mãn tính và tôi trở thành lao động chính của gia đình...

Chị Huệ trên đồi sơn của gia đình.
Chị Huệ trên đồi sơn của gia đình.

Không thể mãi kéo dài cuộc sống nghèo đói, khi các con ngày càng lớn khôn, tôi đã xoay đủ nghề từ chạy chợ, buôn chuyến đến đi phụ hồ hay nhận hàng thủ công về làm tại nhà... nhưng rốt cuộc túng thiếu vẫn hoàn túng thiếu. Nghe đài thấy một số nơi trồng sơn người dân có của ăn của để, đầu năm 2000, tôi làm đơn gửi lên xã xin nhận trông coi và chăm sóc thêm diện tích đồi rừng cạnh nhà. Đánh bạo phá bỏ hết số bạch đàn lâu năm còi cọc, xới đất tơi, tôi liên hệ và đi tìm giống cây sơn về trồng...

Có đất, có hướng làm ăn, từ sáng sớm đến tối mịt, vợ chồng con cái tôi lăn lưng với đất, và kết quả “vườn sơn lấy nhựa trên đồi” được hình thành. Để chăm sóc cây sơn đúng cách, ngoài việc nhờ cán bộ khuyến nông hướng dẫn, tôi còn nhiều lần “khăn gói” tìm đến các mô hình trang trại trồng sơn trong tỉnh Phú Thọ để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.

“Người có công, đồi không phụ”, sau 2 năm trồng, cây sơn cho thu hoạch. Gia đình tôi bắt đầu có tiền. Đến nay, sau hơn 10 năm “bén duyên” với cây sơn, gia đình tôi đã có trên 1.000 gốc sơn. Tiền bán nhựa sơn, ngoài trang trải chi tiêu hàng ngày, tôi dành ra để đầu tư nuôi lợn, nuôi bò, mua máy cày bừa, xay xát… phục vụ nhu cầu của bà con quanh vùng. Giờ đây, từ tiền bán nhựa sơn, chăn nuôi và làm máy xay xát, trung bình mỗi năm gia đình tôi tích cóp được trên dưới 100 triệu đồng. Kinh tế ổn định, con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Nếu ai hỏi về dự định trong tương lai, tôi sẽ tiếp tục đầu tư để mở rộng diện tích trồng sơn và sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ thêm được nhiều hộ trong thôn, xã phát triển kinh tế đồi rừng, vươn lên thoát nghèo.

Chị Đặng Thị Huệ (thôn 5, xã Phước Thịnh, huyện Tam Nông, Phú Thọ).

Vinh Minh (ghi) (Vinh Minh (ghi))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem