Cây cổ thụ ở một làng cổ nổi tiếng của Thừa Thiên Huế, ai vào làng đều tò mò muốn xem

Thứ ba, ngày 11/07/2023 18:31 PM (GMT+7)
Ngoài giá trị sinh học, giá trị kiến trúc, mỹ quan… trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cây thị hơn 600 năm tuổi tại làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) còn là căn cứ hoạt động cách mạng.
Bình luận 0

Ngày 5/6/2015, UBND huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên - Huế) đón nhận Bằng công nhận Cây Di sản Việt Nam cho cây thị trên 600 năm tuổi tại làng cổ Phước Tích. Thời điểm được công nhận Cây Di sản Việt Nam, cây thị này có chu vi 6m, chiều cao 25m.

Có mặt tại đây, anh Nguyễn Văn Hiền (30 tuổi, ở tại TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, dù đi nhiều nơi, gặp nhiều cây cổ thụ, nhưng cây đã có hơn 600 năm sinh trưởng và phát triển mà đến nay vẫn còn sum suê bóng mát như thế này thì quả là hiếm thấy.

Cây cổ thụ ở một làng cổ nổi tiếng của Thừa Thiên Huế, ai vào làng đều tò mò muốn xem - Ảnh 1.

Cây thị tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế) được công nhận là Cây Di sản Việt Nam vào năm 2015.

Đi một vòng quanh cây thị, anh Hiền và những người bạn của mình vô cùng bất ngờ khi phát hiện bên trong thân cây cách mặt đất chừng 40cm cho đến ngọn đã bị rỗng, tạo ra một “giếng trời” lớn.

Về việc này, nhiều vị cao niên trong làng cổ Phước Tích cho hay, “giếng trời” của cây thị đã có từ xa xưa và được dùng làm căn cứ bí mật cho lực lượng cách mạng của ta hoạt động trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Ông Đoàn Quyết Thắng - Giám đốc Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích, cũng cho biết thêm, phần rỗng bên trong cây thị đủ rộng để chứa đến hàng chục người trưởng thành.

Trải qua hơn 600 năm sinh trưởng và phát triển, đến nay, thân của “cụ thị” được phủ thêm nhiều u sần.

Cung cấp thêm cho phóng viên về cơ sở khẳng định cây thị đã hơn 600 năm tuổi, ông Đoàn Quyết Thắng cho hay, trong khuôn viên này, ngoài cây thị còn có Miếu Cây thị được xây dựng ngay bên cạnh. 

Ngôi miếu này được xây bằng gạch; có tường bao quanh khuôn viên. Miếu và cây được xây dựng, trồng cùng thời điểm với nhau. Cây thị và miếu có giá trị rất lớn về văn hóa và tín ngưỡng dân gian của người dân ở đây.

Chia sẻ về việc chăm sóc, bảo vệ Cây Di sản Việt Nam này, ông Thắng cho hay, do cây đã lâu năm nên Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích phải dùng thanh sắt chắc chắn để nâng đỡ cành to, nặng.

Đồng thời, đơn vị cũng luôn cử cán bộ theo dõi tình trạng của cây, nếu phát hiện sâu bệnh hay các dấu hiệu phát triển bất thường khác Ban Quản lý Di tích kiến trúc nghệ thuật làng cổ Phước Tích sẽ mời lực lượng chuyên môn đến đánh giá, tiến hành điều trị cho cây.

“Cây thị có giá trị rất lớn về mặt tinh thần với người dân trong làng cổ Phước Tích. Họ xem đây là một trong những “báu vật” của làng nên rất tích cực trong việc cùng với chúng tôi chăm sóc, bảo vệ”, ông Đoàn Quyết Thắng cho hay.               

Nghĩa Văn (Báo Đại đoàn kết)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem