Nhằm hạn chế ảnh hưởng tới năng suất, nhiều địa phương đã chủ động đối phó với tình trạng khô hạn nhưng không ít vùng vẫn đang loay hoay khắc phục thiệt hại.
Chủ động chuyển đổi cây trồng
Cao điểm của mùa khô thường bắt đầu từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 4. Tuy nhiên năm nay, các đợt mưa trái mùa ít. Từ giữa tháng 2 đến nay, nắng nóng vẫn kéo dài. Vụ sản xuất đông xuân được dự báo nhiều khó khăn do nguy cơ thiếu nước sản xuất cao.
Việc chuyển đổi cây trồng và chủ động tưới tiết kiệm giúp nông dân huyện Thống Nhất hạn chế thiệt hại do khô hạn. Ảnh: Phước Bình
"Với những địa phương bị ảnh hưởng hạn hán nặng, công ty đã bổ sung thêm máy bơm công suất lớn để bơm nước từ sông, hồ gần đó về các cánh đồng. Công ty cũng đã xây dựng kế hoạch phục vụ nước tưới và nỗ lực cứu hạn cho đến khi kết thúc vụ thu hoạch”
ông Nguyễn Minh Kiều -
Giám đốc Công ty TNHH
khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai
|
Để hạn chế thiệt hại do thiếu nước, những năm gần đây, huyện Thống Nhất (tỉnh Đồng Nai) thường xuyên vận động nông dân đầu tư hệ thống tưới và chuyển đổi cây trồng.
Ông Hoàng Châu (trú xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai) cho biết, mấy năm gần đây, được Nhà nước đầu tư đường điện ra tới chân ruộng nên bà con rất vui mừng. Nhiều người đã mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới phun tiết kiệm để tự chủ động nguồn nước tưới.
Quan trọng hơn là ông Châu cùng với nhiều bà con trong vùng thực hiện chuyển đổi luôn cây trồng phù hợp với mùa vụ. Từ trồng lúa, ông Châu chuyển đổi 1ha sang gieo trồng đậu bắp. “Giờ có thêm hệ thống tưới nước tiết kiệm giúp tiết giảm được nguồn nước và chi phí, nông dân mạnh dạn tăng từ 2 lên 3 vụ mỗi năm để tăng năng suất và thu nhập” - ông Châu kể.
Ông Ngô Thanh Tùng - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) huyện Thống Nhất cho biết, ngành chức năng huyện đã chủ động phòng chống hạn hán ngay từ đầu vụ. Huyện khuyến cáo nông dân chuyển đổi cơ cấu sang cây trồng, đồng thời phối hợp đưa vào sử dụng các loại giống mới cho năng suất cao, chống hạn tốt. Huyện cũng thường xuyên nạo vét, sửa chữa các công trình thủy lợi, khuyến khích người xây dựng hệ thống tưới nước tiết kiệm.
Đến nay, toàn huyện có trên 70% cây trồng vụ đông xuân được bà con sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, qua đó giảm thiểu thất thoát, tiết kiệm được nguồn nước tưới.
Vẫn ám ảnh thiếu nước vụ đông xuân
Tuy nhiên, không phải vùng trồng nào cũng gặp thuận lợi. Tình trạng thiếu nước ở những huyện như Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc, Nhơn Trạch đang khiến năng suất cây trồng sụt giảm đáng ngại.
Tại cánh đồng Năm Sao ở xã Phú Bình (huyện Tân Phú), nông dân Hoàng Văn Nhật chia sẻ, đây không phải mùa đầu tiên cứ vào vụ đông xuân là nông dân lại lo lắng tìm nước tưới cho đồng lúa.
Là địa phương thường xuyên đối diện với tình trạng hạn hán trong vụ đông xuân, huyện Tân Phú luôn thực hiện dự trữ nước, sửa chữa, khơi thông hệ thống kênh mương. Tuy nhiên, năm nay, do nắng gắt và khô hạn kéo dài, hàng trăm ha lúa tại huyện Tân Phú đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới do các đập chứa nước khô cạn sớm. Ngay tại xã Phú Bình, từ sau Tết Nguyên đán, đập dâng Năm Sao đã cạn khô khiến nước ở hệ thống kênh mương trên cánh đồng Năm Sao cạn kiệt.
Điều mà ông Nhật lo lắng hơn cả là tình trạng khó khăn sẽ còn kéo dài do đa số các ruộng lúa còn gần 2 tháng nữa mới đến vụ thu hoạch. Nhiều người đang cố cứu lúa bằng cách bơm nước sông từ cách đó cả cây số. Có nơi, nông dân tự đào giếng khoan. Với tình trạng này, nông dân sẽ phải đối mặt với nỗi lo chi phí đầu tư cao trong khi năng suất giảm.
Theo ông Nguyễn Minh Kiều - Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Đồng Nai, năm nay, hạn hán đến sớm hơn so với cùng kỳ năm ngoái, diện tích gieo trồng lại tăng hơn nhiều so với khả năng phục vụ của hệ thống thủy lợi. Nhiều nông dân xuống giống trễ và không đồng loạt cũng khiến thời gian chống hạn kéo dài.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.