“Cây vàng” mía tím

Thứ tư, ngày 04/09/2013 06:45 AM (GMT+7)
Với diện tích gần 3.000ha, giá trị thu nhập đạt 250 - 300 triệu đồng/ha/năm, mía tím đã và đang trở thành cây làm giàu của người dân huyện Cao Phong (Hòa Bình).
Bình luận 0
Cây mới trên đất mới

Ông Vũ Đình Việt - Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết, cam và mía tím đang là 2 loại cây trồng chủ lực của huyện, trong đó mía tím có nguồn gốc từ xã Kim Tân (Thạch Thành, Thanh Hóa), còn cây cam thì được trồng ở đây từ những năm 60 của thế kỷ trước. Còn mía tím thì mới thực sự trở thành cây trồng chính của huyện được hơn 10 năm nay. "Qua thực tế sản xuất, mía tím chứng tỏ là loại cây trồng rất thích hợp với chất đất, khí hậu ở Cao Phong. Mía có mẫu mã đẹp, màu tím thẫm, dóng dài, mập ngọn, ít sâu, nứt. Đặc biệt mía rất mềm, vị ngọt đậm, mát, khi ăn có mùi thơm” - ông Việt cho hay. Hiện, cây mía tím ở Cao Phong chủ yếu được dùng ăn tươi, ép nước và làm quà, thị trường tiêu thụ chính là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... Do đem lại giá trị kinh tế cao nên cây mía tím được trồng ở khắp 12 xã và thị trấn trong huyện, nhưng tập trung nhiều ở xã Dũng Phong, Nam Phong, Bắc Phong và thị trấn Cao Phong, đây cũng là những nơi mía ngon nhất.

Mía tím đang là cây làm giàu của người dân Cao Phong.
Mía tím đang là cây làm giàu của người dân Cao Phong.

Được biết, để đẩy mạnh việc phát triển cây mía tím, ngày 23.5.2006, UBND huyện Cao Phong đã có quyết định đưa cây mía làm cây trồng chủ lực. Theo đó, những hộ dân ở các xã vùng cao như Thung Nai, Yên Thượng, Lập Thượng... sẽ được hỗ trợ một phần phân bón để sản xuất mía tím. Vì thế, diện tích mía tím toàn huyện đã tăng từ 1.500ha (năm 2006) lên gần 3.000ha như hiện nay.

Cần một thương hiệu

Dẫn chúng tôi đi thăm những cánh đồng mía tím bạt ngàn được trồng trên đất phù sa cổ, ông Đỗ Văn Quý - Trưởng khu 7, thị trấn Cao Phong cho biết: “Toàn khu có khoảng 15ha mía tím, với hơn 10 hộ trồng. Mía thường thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 2 âm lịch, đầu ra hiện khá ổn định. Thường thì cứ khi mía lên được 6-8 đốt là thương lái ở Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương... đã lên đặt cọc cả vườn”.

Mía tím Cao Phong đáng lẽ có thể cho giá trị thu nhập cao hơn, nhưng do chưa có thương hiệu nên không thể nâng cao giá trị. Người dân địa phương rất muốn làm thương hiệu cho cây mía tím, nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu.


Về xã Nam Phong, nơi có diện tích mía lớn nhất nhì huyện, ông Đinh Duy Thích - Chủ tịch UBND xã Nam Phong vui vẻ cho biết: Nhờ cây mía mà đời sống của người dân địa phương cải thiện rõ rệt. Toàn xã hiện có khoảng 100ha mía, tập trung nhiều ở thôn Ong 1, Ong 2, thôn Trẹo... Mía tím ở Nam Phong nói riêng và Cao Phong nói chung rất ngon, được khách hàng ưa chuộng, nhưng do chưa có thương hiệu nên cây mía không thể nâng cao giá trị.

Ông Bùi Văn Bân ở xóm Ong 1 trồng hơn 7.000m2 mía tím đề xuất: “Để xây dựng được thương hiệu, tôi nghĩ cần có sự vào cuộc, chung tay của lãnh đạo địa phương và các ban, ngành liên quan, chứ để người dân tự mò mẫm thì rất khó”.

Về vấn đề này, ông Vũ Đình Việt cho hay: “Huyện cũng đã có kế hoạch xây dựng thương hiệu cho cây mía tím, với tên gọi “Mía tím Cao Phong”, nhưng do thiếu kinh phí nên chưa triển khai được”.

Việt Tùng (Việt Tùng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem