Sinh ra và lớn lên tại xứ sen Đồng Tháp, có quãng thời gian lặn ngụp cùng sen, hiểu nỗi cơ cực sớm khuya trên ruộng đồng nhưng thành tựu lại rủi may theo mùa vụ.
Thế nên, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành ngôn ngữ Anh, chị Lê Thị Thúy Hoa, Giám đốc Công ty TNHH Sinai Việt Nam TP. HCM, chọn hướng đồng hành với nông nghệp và nông dân.
Khát vọng dấn thân, cống hiến
Ấn tượng nào còn mãi với chị khi chuyển hướng sang nông nghiệp organic?
- Tôi có may mắn là ngay khi học xong đã được làm việc với một tập đoàn của Đức chuyên xuất khẩu hạt điều tại Bình Phước.
Lang thang khắp vùng "thủ phủ"hạt điều từ Bù Đăng, Bù Nho, Bù Gia Mập đến Phước Long, làm việc cùng nông dân, Hợp tác xã (HTX) đến chính quyền địa phương đã cho tôi những kinh nghiệm quý. Đó cũng là hành trang mà tôi mãi nhớ ghi trên hành trình chinh phục những vùng đất mang tên organic.
Thêm nữa, tôi rất may mắn khi được phụ trách dự án "Thương mại công bằng". Thực ra đây chính là chương trình phúc lợi cho địa phương nơi dự án diễn ra. Những con đường mới, những cây cầu nối các bến sông, những mái trường, những dụng cụ sản xuất nông nghiệp cho nông dân mà dự án trao tặng đã thực sự để lại trong tôi những điều hạnh phúc giản dị.
Khái niệm "thương mại công bằng"mở lối cho tôi. Tôi muốn được dấn thân và cống hiến. Tôi hiểu giá trị cho đi và nhận lại khi chúng ta khai thác nguồn tài nguyên nông nghiệp quý giá từ mẹ thiên nhiên, từ sức lực của người nông dân trên đồng ruộng.
Vậy sau thực tế tiếp cận với nông nghiệp organic chị có những đánh giá cụ thể như thế nào?
- Sau khi làm việc về vùng nguyên liệu hạt điều, tôi thực hiện dự án về vùng dừa nguyên liệu tại Bến Tre và sản phẩm thành phẩm cơm dừa sấy khô của nhà máy Betrimex xuất đi thị trường Mỹ, Đức tạo nhiều cơ hội cho ngành dừa Việt Nam.
Cũng chính từ thực tế này, tôi đúc kết được kinh nghiệm làm việc với nông dân, với các nhà máy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cho chuỗi cung ứng hữu cơ.
Tôi cũng nhận ra một thực tế khác là nông dân ta rất thiếu thông tin về thị trường nông sản đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế. Song song đó, các doanh nghiệp cũng thiếu một bộ phận markerting doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Mở lối từ 'thương mại công bằng'
Và đó có phải là động lực thúc đẩy chị mở công ty riêng?
- Đúng vậy, trong bối cảnh một thị trường quá rộng lớn đang cần nguồn hàng. Tôi muốn gỡ nút thắt này cho phát triển. Công ty của tôi ra đời với mong muốn đồng hành cùng nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp. Mục tiêu là làm chủ đầu ra cho nông sản, đem sản phẩm Việt đến các nước tiên tiến. Tôi hiểu một cách sâu sắc rằng chỉ tạo ra sản lượng đạt chuẩn xuất khẩu mới giúp đầu ra cho nông sản không bị đình trệ. Điệp khúc được mùa rớt giá sẽ có một ngày không còn là nỗi ám ảnh trong sản xuất nông nghiệp.
Mong muốn là vậy, nhưng để được cấp chứng nhận hữu cơ liệu có gian nan?
- Hiện chúng tôi đang cấp chứng nhận hữu cơ USDA ( Mỹ); EU ( châu Âu) ; JAS ( Nhật) và các chứng nhận hữu cơ khác qua sự hợp tác với Mayacert có trụ sở chính tại Bắc Mỹ.
Về việc cấp chứng nhận, tôi chỉ viện dẫn một chi tiết rằng khi chúng tôi cấp chứng nhận cho hợp tác xã hay doanh nghiệp đạt chuẩn USDA thì code của doanh nghiệp, hợp tác xã đó được cập nhật trên trang website của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ. Điều này không chỉ khẳng định uy tín sản phẩm mà còn giúp cho khách hàng quốc tế muốn tra cứu về sản phấm rất thuận lợi.
Tuy nhiên quy trình đánh giá cấp chứng nhận nghiêm ngặt, do chính các chuyên gia của tổ chức quốc tế trực tiếp đánh giá và cấp giấy chứng nhận.
Cũng phải nói thêm, sản xuất nông nghiệp organic phải từ 5 ha trở lên và mô hình là doanh nghiệp, hợp tác xã. Điều này xuất phát từ thực tế, nông sản của ta sản xuất theo mùa (thường là một đến hai mùa trong năm) nên sản xuất nhỏ lẻ và manh mún sẽ không đáp ứng được nhu cầu sản lượng cho thị trường xuất khẩu.
70.000 ha sản xuất hữu cơ
Hiện Sinai đã cấp chứng nhận hữu cơ cho khoảng được bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam?
- Chúng tôi đang làm và tạm gọi là khởi sự, bởi nhìn qua con số mới có khoảng 70.000 ha sản xuất theo mô hình nông nghiệp hữu cơ. Nhưng thực sự làm đến đâu là chắc đến đó, là thấy được giá trị kinh tế trên sản phẩm, giá trị sức khỏe, môi trường cho cộng đồng, cho sự phát triền bền vững của sản xuất nông nghiệp.
Có thể kể một số sản phẩm chúng tôi đã làm như: 30 ha thanh long tại Bình Thuận; 35 ha cà phê tại Di Linh (tỉnh Lâm Đồng), đông trùng hạ thảo của Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao ở Bà Rịa - Vũng Tàu; vùng nguyên liệu mắc ca, sầu riêng tại E H'leo ĐakLăk, hạt điều tại Tây Ninh...
Định hướng sắp tới, Sinai sẽ ưu tiên cho việc gì?
- Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là cùng với nông dân hiện thực hóa nền nông nghiệp organic.
Trước mắt chúng tôi mong sao có thể truyền đạt kiến thức thông qua những khóa tập huấn về nông nghiệp hữu cơ quốc tế và chia sẻ những kinh nghiệm nhận được qua các hội thảo, chương trình xúc tiến về sản phẩm hữu cơ.
Ngoài ra, chúng tôi cũng đã hợp tác với Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc (Bộ NNPTNT) tiếp tục đào tạo ra nhưng thế hệ sinh viên có tư duy hiện thực hóa nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam. Đây cũng chính là thế hệ đi đầu thực hiện nông nghiệp hữu cơ trước hết tại Lâm Đồng cho những sản phẩm đặc thù như rau, cà phê, trà olong, chanh dây, các loại hoa (để làm trà).
Cùng với đó, chúng tôi hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã kiểm soát rủi ro trước xuất khẩu; đại diện đến các nước liên kết, hỗ trợ nhà nhập khẩu đến thăm vùng trồng, nhà máy tại Việt Nam.
Một hành trình nhiều cơ hội và thách thức nhưng chúng tôi tin rằng, nông nghiệp hữu cơ Việt Nam chắc chắn sẽ "nở hoa".
Nông sản chuẩn organic, hay còn gọi là thực phẩm hữu cơ, là những sản phẩm được sản xuất theo một hệ thống quản lý toàn diện nhằm thúc đẩy và duy trì sức khỏe của hệ sinh thái đất, nước, người và động vật. Hệ thống này dựa trên các nguyên tắc:
- Không sử dụng hóa chất độc hại: Việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, thuốc kích thích tăng trưởng, chất bảo quản nhân tạo và các chất phụ gia tổng hợp khác đều bị cấm trong sản xuất organic. Thay vào đó, người nông dân sử dụng các phương pháp tự nhiên như luân canh cây trồng, sử dụng phân bón hữu cơ và thiên địch để kiểm soát sâu bệnh.
- Bảo tồn đa dạng sinh học: Nông nghiệp organic khuyến khích sự đa dạng của các loài cây trồng, động vật và vi sinh vật trong hệ sinh thái nông trại. Điều này giúp tăng cường sức khỏe của đất, cải thiện chất lượng nước và tạo ra môi trường sống lành mạnh cho các loài thụ phấn và các sinh vật có lợi khác.
- Thúc đẩy phúc lợi động vật: Động vật được nuôi theo phương pháp organic được chăn thả tự do hoặc nuôi trong môi trường sống rộng rãi, thoáng mát. Chúng được cho ăn thức ăn hữu cơ và không sử dụng thuốc kháng sinh hoặc hormone tăng trưởng nhân tạo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.