|
Xưởng mài kiếng của ông Nguyễn Văn Đắc. |
Sẵn đã có chút kiến thức về làm đá hoa cương và mài kiếng (kính), năm 2003, ông Đắc lên TP.Hồ Chí Minh học nghề thêm một thời gian, để về nhà mở xưởng sản xuất. Gần 7 năm làm nghề mới, đến nay ông đã có 2 phân xưởng sản xuất, đó là phân xưởng đá hoa cương thu hút 20 lao động và phân xưởng mài kiếng với 5 lao động.
"Mấy năm gần đây, kinh tế phát triển, nhu cầu xây dựng của người dân, doanh nghiệp... tăng nhanh nên sản phẩm của gia đình tôi sản xuất ra được tiêu thụ khá tốt. Thu nhập của gia đình cũng tăng lên, sau khi trừ hết chi phí sản xuất, với nghề mới này, mỗi năm gia đình tôi bỏ túi khoảng 200 triệu đồng. Với thu nhập này so với canh tác 1.600m2 ruộng lúa và chăn nuôi trước đây cao gấp nhiều lần" - ông Đắc cho biết.
Theo ông Đắc, nhu cầu sử dụng đá hoa cương và kiếng mài để phục vụ các công trình xây dựng tại địa phương và một số tỉnh lân cận ngày càng tăng nên số người đến cơ sở của ông để học nghề ngày càng nhiều hơn. Những lao động đến xưởng sản xuất của ông học nghề vẫn được trả lương như lao động bình thường. Mỗi năm, số thợ học thạo nghề tại xưởng ra mở xưởng riêng từ 3-5 người."
Bà Nguyễn Thị Hồng- Phó Chủ tịch Hội ND phường 10, cho biết: Ông Đắc là điển hình trong chuyển đổi nghề thành công tại địa phương. Từ một nông dân rặt, ông đã tự tìm nghề mới, thu nhập khá cao. Ông Đắc không giấu nghề, mà sẵn sàng hướng dẫn cho những ai có nhu cầu mở cơ sở sản xuất riêng... Ông được nông dân trong phường bình chọn là hộ SXKD?giỏi cấp thành phố và cấp tỉnh nhiều năm liền. Theo tiêu chuẩn, ông Đắc đủ tiêu chí hộ ND SXKD giỏi cấp Trung ương năm 2010 này.
Cao Thuyên
Vui lòng nhập nội dung bình luận.