Cha mẹ quá lười
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Mạnh Minh Tâm - người từng nhiều năm làm Trưởng phòng VHTT huyện Đồng Xuân, hiện phụ trách Phòng Nếp sống văn hóa (Sở VHTTDL) Phú Yên cho biết, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Phú Yên có một tập quán dễ cản trở sự phát triển, đó là lãng phí thời gian lao động.
|
Một trẻ ăn xin trong quán cà phê ở Quy Nhơn, Bình Định. |
“Mỗi lần về các thôn, buôn miền núi, tôi thường chứng kiến việc sử dụng thời gian lao động của đồng bào mà thấy tiếc. Sáng mở mắt ra là chụm 5, chụm 3 ngồi trà thuốc phì phèo, “cà kê dê ngỗng” cho đến 9 - 10 giờ mới mang gùi, vác rựa vào nương rẫy; chiều mới 3 - 4 giờ đã thấy họ có mặt ở nhà. Do vậy, số hộ khá giả và giàu trong từng buôn làng rất ít. Hồi chưa có máy xay xát, mỗi hộ khi đổ lúa vào cối giã gạo, chỉ đủ ăn cho cả nhà trong ngày hôm ấy; hôm sau muốn có cơm lại phải cho lúa vào cối giã tiếp… Có nghĩa là họ quen với cách làm ngày nào xào ngày nấy, chứ không nghĩ đến việc tích lũy, phòng xa” – ông Tâm nói.
Theo ông Tâm, những năm qua thực hiện chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước, các công trình “điện, đường, trường, trạm” được ưu tiên cho đồng bào miền núi vùng sâu, vùng cao đã phát huy hiệu quả nên đời sống nhân dân từng bước cải thiện đáng kể. Điều dễ thấy nhất là hiện nay đồng bào không còn đói ăn mỗi khi vụ mùa giáp hạt. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số ít hộ có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của chính quyền, sự tiếp tế của cộng đồng,… mà sinh ra lười biếng, ngại khó, sợ khổ; ít làm nhưng lại thích chè chén say sưa, xúi con đi lang thang xin ăn…
Bà Phạm Thị Tương Lai – Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Phú Yên cho biết: “Tình trạng “ăn xin liên tỉnh” là một thực trạng “đau đầu” đã diễn ra nhiều năm tại xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân”. Theo bà Lai, không phải gia đình nào khó khăn cũng đều đưa con em đi ăn xin, thế nhưng có một thực tế là có tâm lý “đám đông” vì bị rủ rê ở một vài thôn tại Xuân Lãnh; phần lớn trẻ ăn xin “liên tỉnh” là do chính bố mẹ hoặc người bà con đưa đi, nhiều người không ra mặt nhưng lảng vảng gần nơi con em ăn xin... Một tâm lý khác, đó là suy nghĩ “mau thấy” của một số người ở đây, ấy là so sánh với ngày làm công làm rẫy thì việc ăn xin “hiệu quả” hơn, mà trẻ con bỏ học đi xin thì càng… hiệu quả(!).
Ông Võ Trọng Nam – Chủ tịch UBND xã Xuân Lãnh cho biết: Tình trạng nhiều người ở 2 thôn Soi Nga và Da Dù kéo đi ăn xin đã diễn ra trên 10 năm nay. Nhiều người rất tự trọng, chăm làm nhưng vẫn còn một bộ phận suốt ngày rượu chè, muốn con cái phục dịch mình. Họ sẵn sàng đi xin hoặc đưa con đi xin, ai nói cũng mặc kệ, miễn có tiền để ăn uống. Nhiều nguồn vốn vay không tính lãi nhưng một số hộ không muốn nhận, họ chỉ muốn “cho không”... Bản thân ông Nam khi đi công việc ở Tuy Hòa cũng nhiều lần “bắt” mấy trẻ em người Xuân Lãnh lang thang, phải lên xe “quy cố hương”…
Tính đến việc xử phạt
Cách đây vài năm, đơn vị đã trực tiếp gặp gỡ người dân, già làng, trưởng thôn, người có trách nhiệm tại một số thôn ở Xuân Lãnh để phân tích, giải thích những “thiệt, hơn” khi con em họ bị đưa đi ăn xin. Một số phụ huynh đã nhận ra vấn đề, tình trạng trẻ em đi ăn xin có giảm, tuy nhiên vẫn chưa dứt hẳn, nhất là các em “đổ bộ” về Quy Nhơn (Bình Định)…
Sự thiệt thòi lâu dài, cuối cùng đều thuộc về trẻ em; chẳng những phải nghỉ học để đi ăn xin “liên tỉnh” dài ngày, các em còn dễ bị xâm hại, méo mó về nhân cách, cùng nhiều hệ lụy khó lường khác. “Thế nhưng số trẻ này lớn lên hết đi xin, lại có lớp trẻ em khác tiếp tục đi xin; cứ lặp đi lặp lại và tình trạng trẻ miền núi đi ăn xin đang bùng phát trở lại. “Chúng tôi đã tính đến việc xử phạt vi phạm hành chính đối với những cha mẹ cho trẻ đi ăn xin, vì đã vi phạm quyền trẻ em”- bà Tương Lai nói.
Theo ông Võ Trọng Nam, vấn đề “phạt chuyện đi xin ăn” cũng đã đưa vào hương ước buôn làng. Tình trạng này có thuyên giảm nhưng không chấm dứt, cứ dây dưa dai dẳng. Vì thế, ông Nam đề xuất là các trung tâm xã hội phải “giữ chân” những trường hợp lang thang ăn xin này, để họ sợ “bó chân” mà không dám đi ăn xin nữa. Bởi tâm lý bà con miền núi rất sợ phải ngồi tù túng một chỗ, họ sẽ không dám đi ăn xin nữa…” – ông Nam nói.
Già làng La Chí Thái (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân, Phú Yên):
“Khi Đà Nẵng làm mạnh việc “nói không” với tình trạng ăn xin thì nhiều người không dám đi nữa. Nếu Bình Định cũng làm như Đà Nẵng thì tôi tin nhiều người không dám cho con em lang thang xuống Quy Nhơn xin ăn”.
Ông Phan Đình Phùng (Bí thư Huyện ủy Đồng Xuân):
“Việc tồn tại dai dẳng tình trạng trẻ em dân tộc thiểu số ở Xuân Lãnh đi ăn xin là một thực tế phải có những biện pháp căn cơ hơn nữa để giải quyết triệt để trong thời gian tới. Trước hết, phải tập trung nâng cao mức sống cho người dân Xuân Lãnh…”.
Hùng Phiên - Ba Em
Vui lòng nhập nội dung bình luận.