Cha ngã xuống ở Gạc Ma, con gái tiếp bước bảo vệ biển đảo

Gia Tưởng Thứ tư, ngày 14/03/2018 14:21 PM (GMT+7)
Với ước mơ cháy bỏng là tiếp bước cha, Trần Thị Thủy đã có mặt ở nơi cha mình hy sinh, tiếp tục sứ mệnh bảo vệ Trường Sa, bảo vệ biển đảo quê hương.
Bình luận 0

Cha cô là anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương - người đã ôm chặt lá quốc kỳ vào người - quyết không cho lính Trung Quốc xâm phạm dẫu phải hy sinh cả tính mạng trong trận chiến Gạc Ma (Trường Sa) 30 năm trước. Khi cha nằm xuống lòng biển quê hương, Thủy mới tròn 2 tháng trong bụng mẹ.

Cuộc chia tay định mệnh

Hình ảnh những con tàu của Hải quân Việt Nam trên đường hành quân tuần tra bảo vệ biển đảo quê hương bỗng dừng lại trên biển, làm nghi lễ thả vòng hoa đỏ thắm để tưởng nhớ những người con của dân tộc hy sinh bảo vệ chủ quyền biển đảo đã dần trở nên quen thuộc.

img

Thiếu úy Trần Thị Thủy cùng đồng đội của cha mình - đại tá Nguyễn Viết Thuân, Phó Tư lệnh Hải quân vùng 4.

Nghi lễ đó khiến chúng ta thêm nhớ về sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, trong ngày 14.3 định mệnh 30 năm về trước, để bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hướng trước sự xâm lược của Trung Quốc.

Họ ngã xuống không những để lại niềm tiếc thương cho cả Tổ quốc mà làm cho nỗi khắc khoải trong lòng những người phụ nữ chưa ấm hơi bén tiếng chồng dâng lên. Trong số đó có chị Mai Thị Hoà, khi đó mới 22 tuổi, người Quảng Phú, Quảng Trạch, Quảng Bình. Chị là vợ của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương, đảo trưởng đảo Gạc Ma.

30 năm sau, câu chuyện về cuộc chia tay giữa anh hùng Trần Văn Phương được chính chị kể lại với chúng tôi. Liệt sĩ, thiếu úy Trần Văn Phương hy sinh mà không hề biết mình sắp có một cô con gái xinh xắn. Anh không thể nghĩ rằng, sau nay, cô con gái bé bỏng ấy lại nối tiếp bước chân anh, tiếp tục làm việc ở Trường Sa, như một cách âm thầm viết tiếp bản hùng ca mà cha cô và các đồng đội đã viết nên 30 năm trước.

Chị Hoà, năm nay 52 tuổi, bắt đầu câu chuyện với tôi bằng những kỷ niệm về chồng hải quân. "Mình với anh Phương là người cùng làng, anh lớn hơn mình 1 tuổi. Cả hai cùng lớn lên và rồi mến nhau lúc nào chẳng hay. Rồi anh đi vào bộ đội hải quân. Lần về phép đầu tiên của anh là xuân năm 1987. Lần đó, được hai bên gia đình giục, bọn mình tổ chức lễ cưới theo phong cách mới, tiết kiệm giản đơn lắm.

Nhưng chưa được hưởng trọn niềm vui vợ chồng, sau 2 tuần thành hôn, anh lại hối hả trở lại đơn vị theo yêu cầu của nhiệm vụ. Mãi đến gần Tết Nguyên đán năm 1988, anh được tranh thủ cho về phép 9 ngày. Quãng thời gian đó hạnh phúc biết bao đối với mình. Vì mới cưới rồi lại phải xa nhau, chắc ai cũng hiểu được cảm giác vợ chồng thiếu hơi nhau khổ sở thế nào.

9 ngày hạnh phúc đó trôi nhanh qua như một giấc mơ. Lúc chị tiễn anh lên đường, anh còn cầm tay dặn: Lần này anh đi đảo chắc phải vài năm nữa mới về (trước kia đi làm nhiệm vụ ở đảo phải 3 năm - PV). Em ở nhà anh nhờ em thay anh chăm sóc bố mẹ hai bên nội ngoại giúp anh.

Tôi rơm rớm nước mắt gật đầu để anh an lòng. Anh còn dặn thêm: Nếu có con trai, em đặt tên là Tuấn nhé. Còn nếu là con gái, mà anh cũng mong con gái đầu lòng, anh muốn đặt tên là Thủy nhé”, chị Hòa kể.

Anh giải thích thêm với chị, vì anh là lính hải quân, quanh năm lấy biển là nhà thì tên đó rất phù hợp. Vả lại ở nơi xa xôi, thủy vừa là nước, vừa là sự thuỷ chung.

Chị Hoà "dạ" nhẹ một tiếng nghẹn ngào khi chồng từ biệt. Chị không ngờ rằng, đó cũng là lần cuối hai vợ chồng gặp nhau. Còn anh Phương không hề biết rằng, đang có một mầm sống mới được nhen lên, đơm hoa kết trái trong cái khoảnh khắc đó.

Đến cuối tháng 3.1988, liên tục những tin tức nóng bỏng từ quần đảo Trường Sa dội về qua đài, báo. Chị Hoà biết ở Trường Sa đang có chuyện. Linh tính của một người vợ chị biết rằng chồng chị đã gặp chuyện chẳng lành, nhưng chị vẫn cầu mong linh cảm của mình sai…

Cha ngã xuống, con tiếp bước

Trong những người đón chúng tôi trở về sau chuyến công tác sóng to gió cả tại cầu cảng số 3 ở bán đảo Cam Ranh, có một cô gái và một đôi mắt to tròn ngơ ngác.

Đó là cô gái Trần Thị Thuỷ mà sau này tôi mới biết chính là con gái của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Phương. Có lẽ Thuỷ là người duy nhất đón tất cả những người đi biển về vì những người phụ nữ khác đều có người đàn ông của mình.

img

Công việc hàng ngày của thiếu úy Trần Thị Thủy.

Thuỷ học Khoa Du lịch và Việt Nam học ở trường Đại học Quảng Bình. Ra trường có nhiều nơi mời về làm việc với mức lương hấp dẫn, nhưng từ nhỏ Thủy vẫn thèm như những người bạn cùng lứa, có người cha gọi một tiếng "con gái ơi" nên Thủy tình nguyện viết đơn vào làm việc tại đơn vị cha cô đã công tác và hy sinh. “Cũng là để được gần cha em hơn”, Thủy tâm sự.

Ước mơ của Thủy là được đi đảo một lần để "báo với cha rằng con gái đã lớn" và luôn tự hào về việc cha đã làm, vì cô may mắn có một người cha như vậy.

Nguyện vọng của Thủy đã được các chú, các bác đồng đội của cha cô giúp đỡ. Thủy được nhận vào chính thức làm nhân viên thống kê của huyện đảo Trường Sa.

Bằng nỗ lực phấn đấu của bản thân, tiếp đó Thủy đã được tuyển vào làm quân nhân chuyên nghiệp tại Lữ đoàn 146, chính nơi cha cô – liệt sĩ anh hùng Trần Văn Phương chiến đâu và hy sinh anh dũng.

img

Chị Thủy hạnh phúc bên gia đình có truyền thống hải quân.

Trước đó, khi được hỏi về chuyện riêng tư, Thuỷ cười nhỏ nhẹ: “Chồng em sau này nhất định sẽ phải là lính đảo, nếu lính ở đảo chìm giống cha thì càng tốt, dẫu biết rằng làm vợ lính hải quân sẽ vất vả xa cách. Em muốn đi tiếp con đường mẹ đã đi, sẵn sàng chờ đợi ở hậu phương để người bạn đời của mình yên tâm công tác nơi tiền tuyến”.

Và giờ đây, gia đình của Thủy đã là một gia đình hải quân đúng nghĩa. Chồng của Thủy – anh Nguyễn Hồ Hải cũng là một chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Cô con gái bé bỏng của liệt sĩ anh hùng Trần Văn Phương giờ đây là một thiếu úy hải quân, đang bước những bước vững chắc trên con đường tiếp nối truyền thống của cha anh trong công cuộc bảo vệ và giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Trong cuộc chiến không cân sức trên đảo Gạc Ma ngày 14.3.1988, khi Trung Quốc bất ngờ tấn công, các chiến sỹ Hải quân Việt Nam đã nắm tay nhau tạo thành vòng tròn để giữ đảo.

Trung Quốc đổ bộ thêm quân, hung hãn xông vào phá “Vòng tròn bất tử” nhằm cướp lá cờ đỏ sao vàng mà lính Hải quân Việt Nam đang chuẩn bị cắm trên đảo Gạc Ma nhưng không thành.

Khi lá cờ được đưa đến cho thiếu úy Trần Văn Phương (SN1965 quê ở Quảng Trạch, Quảng Bình, Đảo phó đảo Gạc Ma - Lữ đoàn 14) thì anh bị trúng đạn. Vào giây phút cuối cùng, anh  vẫn giữ chặt lá cờ tổ quốc khi trên mình đầy máu và vết thương.

Lúc đó, anh Phương vẫn không hề biết vợ anh đã có thai hơn một tháng. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem