Cách đây 30 năm, ông đang cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở Vị Xuyên, Hà Giang. Khi được tin quân Trung Quốc đánh chiếm Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa), cảm xúc của ông thế nào?
- Năm 1988, khi xảy ra sự kiện Gạc Ma, tôi đang là Sư đoàn phó, Tham mưu trưởng Sư đoàn 316. Sư đoàn của tôi nhận nhiệm vụ chuẩn bị vào thay phiên một đơn vị để chiến đấu bảo vệ biên giới Vị Xuyên. Mặc dù lúc đó chúng tôi cũng đang phải tham gia các trận chiến đấu ác liệt, cũng có nhiều hy sinh, tổn thất, tuy nhiên khi nghe tin quân Trung Quốc bất ngờ đánh chiếm Gạc Ma, rất nhiều chiến sĩ của chúng ta đã ngã xuống, anh em chúng tôi đã lặng người đi rất lâu. Tất cả đều dường như không tin đó là sự thật.
Trung tướng Nguyễn Hữu Khảm - nguyên Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. (Ảnh: NVCC)
Sau đó, toàn thể cán bộ, chiến sĩ chúng tôi bừng bừng khí thế, như có một sợi dây liên kết tình cảm, ý chí giữa những người lính đang cầm súng bảo vệ Tổ quốc giữa biển đảo Trường Sa và đất liền. Có lẽ phải rơi vào hoàn cảnh của những người lính đang chiến đấu lúc đó mới hiểu được ý chí bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc ta cao như thế nào. Sự kiện Gạc Ma cùng sự hy sinh anh dũng của 64 chiến sỹ hải quân càng khiến cho chúng tôi thêm quyết tâm bảo vệ từng tấc đất ở biên giới phía Bắc.
Sau khi Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng đảo Gạc Ma, có những luồng ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Quan điểm của ông thế nào?
- Thực ra trong suy nghĩ mỗi người dân chúng ta, khi chủ quyền lãnh thổ bất kể là trên biển hay đất liền bị xâm phạm thì nhân dân ta, quân đội chúng ta sẵn sàng chiến đấu, hy sinh để bảo vệ đến cùng. Cách đây 30 năm, Trung Quốc cho quân đánh chiếm Gạc Ma là hành động phi đạo lý, trái những nguyên tắc về luật pháp quốc tế, đi ngược với truyền thống hữu nghị, đoàn kết giữa hai dân tộc đã được xây đắp. Có những ý kiến cho rằng chúng ta sợ nên không dám dùng vũ lực để lấy lại chủ quyền bị xâm chiếm, đó là suy nghĩ nông cạn, hời hợt.
Cần phải nói rằng, lúc đó quân đội ta được thế giới đánh giá là mạnh thuộc loại tốp đầu của khu vực Đông Nam Á, châu Á. Các cán bộ, chiến sĩ của ta có nhiều kinh nghiệm tổ chức chiến đấu và chiến đấu qua nhiều chiến trường gian khổ, ác liệt. Khí thế của dân tộc lúc đó cũng rất cao nhưng chúng ta đã kìm nén, không chọn giải pháp gây xung đột, có thể dẫn tới chiến tranh leo thang gây tổn thất cho cả hai phía.
Tàu HQ-604 khi nhận lệnh ra Gạc Ma. Ảnh: Tư liệu Lữ đoàn 125. (Ảnh tư liệu)
Đó là cách giải quyết tầm cao của một dân tộc. Đảng và Nhà nước lãnh đạo biết đưa dân tộc tránh khỏi hiểm họa, chứ không phải chúng ta sợ. Trong lịch sử trên thế giới có những cuộc tranh chấp giữa hai quốc gia, chỉ một quyết định sai lầm đã dẫn tới những cuộc chiến tranh ác liệt, hy sinh tổn thất lớn cho mỗi bên.
Thực tế hiện nay chúng ta cũng đã và đang kiên trì đấu tranh, tìm các biện pháp mang tính hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế để khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Lịch sử đã chứng minh sự anh dũng, bất khuất của dân tộc ta trước kẻ thù. Dân tộc chúng ta luôn yêu chuộng hòa bình, trọng sự hữu hảo với các nước xung quanh, luôn luôn chọn con đường đấu tranh để bảo vệ Tổ quốc đúng đắn, hợp lý. Dù cho bất cứ là ai, nhưng nếu cậy sức mạnh, lúc nào cũng cư xử một cách trịch thượng, tôi chắc chắn không bao giờ khuất phục được dân tộc ta, một dân tộc có truyền thống yêu nước từ ngàn đời nay.
Là vị tướng từng trải qua nhiều chiến trận, điều gì khiến ông thấy ấn tượng và tự hào về hình ảnh của những chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam trong trận Gạc Ma?
- Thực sự với tôi, một người lính, rồi trở thành một sĩ quan, đã trải qua rất nhiều trận đánh ác liệt, chứng kiến nhiều tấm gương hy sinh anh dũng, nhưng hình ảnh các chiến sĩ hải quân cho tàu HQ 505 - con tàu đã bị trúng đạn và có nguy cơ chìm - lao lên bãi đá cạn (Cô Lin) để bảo vệ chủ quyền là hình ảnh sâu sắc nhất. Tàu tuy nhỏ, quân chúng ta ít nhưng chúng ta đã bảo vệ chủ quyền bằng tất cả những gì có một cách đầy anh dũng, sáng tạo.
Hình ảnh những chiến sĩ hải quân Quân đội Nhân dân Việt Nam đó có lẽ phía bên địch cũng phải “ngả mũ”. Khi nói về câu chuyện này, các cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân đều rất xúc động.
Sự kiện Gạc Ma cách đây 30 năm để lại bài học gì cho chúng ta trong việc gìn giữ, bảo vệ chủ quyền, thưa ông?
- Điểm lại lịch sử, có thể thấy điều quan trọng nhất là phải luôn luôn cảnh giác. Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng tiếp tục khẳng định xây dựng một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, trong đó có lực lượng Hải quân.
Hiện nay tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố khó lường. Các nước lớn có sự điều chỉnh chiến lược, vừa cạnh tranh, vừa kiềm chế lẫn nhau, tranh giành ảnh hưởng. Đặc biệt, tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều động thái mới, hành động mới của nước ngoài, như: Cải tạo, mở rộng, quân sự, dân sự hóa các đảo nhân tạo... uy hiếp trực tiếp đến chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Việt Nam. Tình hình đó cho thấy nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc có những tính chất mới, ngày càng nặng nề, khó khăn, phức tạp, quyết liệt và lâu dài. Điều đó đặt ra cho Quân chủng Hải quân những trọng trách lớn lao, đòi hỏi phải đẩy mạnh xây dựng Quân chủng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”.
Trên thực tế, Đảng và Nhà nước ta đã dành sự đầu tư rất đáng kể để hiện đại hóa lực lượng hải quân (vừa mua của nước ngoài, vừa sản xuất). Đây là hướng đi đúng đắn, phù hợp để đáp ứng nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Xin cảm ơn Trung tướng!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.