Dân chịu thiệt
Gia đình ông Nguyễn Sinh ở thôn Thủy Yên Thượng có 1,7 ha đất trồng cao su và 7.000m2 đất trồng rừng và lúa, rau màu bị thu hồi bởi Dự án hồ chứa nước Thủy Yên- Thủy Cam. Theo quyết định phê duyệt bồi thường, hỗ trợ của UBND huyện Phú Lộc, gia đình ông Sinh được chi trả 2,5 tỷ đồng. Từ tháng 8.2010, gia đình ông Sinh đã bị chủ đầu tư yêu cầu chặt bỏ cây cao su và thu hoạch hoa màu để giao đất cho dự án. Tuy nhiên, từ đó đến nay, gia đình ông vẫn chưa nhận được tiền đền bù, hỗ trợ.
|
Đất sản xuất của người dân đã bị giải tỏa để thi công hồ chứa nước. |
"Gia đình tui đã mất hầu hết đất canh tác, muốn chuyển đổi nghề mà không có tiền đầu tư nên đời sống ngày càng khó khăn"- ông Sinh nói. Theo ông Sinh, với số tiền 2,5 tỷ đồng bị "giam" trong thời gian dài, tính theo lãi suất ngân hàng, gia đình ông đã bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Ông Trần Văn Xin - người có hơn 1,2 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ chưa được chủ đầu tư chi trả, bức xúc: "Thấy chủ đầu tư yêu cầu bàn giao mặt bằng nhưng chưa chi trả tiền, tui định tiếp tục canh tác trên đất của mình nhưng bị ngăn cản. Họ vừa lấy đất, vừa chiếm dụng cả tiền khác nào chặn đường sống của dân”. Xã Lộc Thủy có 160 hộ dân bị lấy đất được bồi thường, hỗ trợ tổng cộng 35 tỷ đồng, nhưng đến nay chưa hộ nào được chi trả.
Nói một đằng, làm một nẻo
Trao đổi với NTNN, ông Võ Quang Vinh- Giám đốc Ban đầu tư xây dựng NNPTNT Thừa Thiên- Huế, đại diện chủ đầu tư dự án là Sở NNPTNT tỉnh, cho biết: Nguyên nhân dẫn đến việc chậm chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho người dân bị giải tỏa là do dự án thiếu vốn.
Dự án hồ chứa nước Thủy Yên- Thủy Cam khởi công từ tháng 8.2010. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ.
Kế hoạch vốn dự kiến dành cho dự án trong năm 2011 là 150 tỷ đồng nhưng trên thực tế chỉ được cấp 50 tỷ đồng. Do đó, chủ đầu tư phải dành số tiền này cho các hạng mục đang thi công nên chưa thể chi trả đền bù, hỗ trợ cho dân. Chủ đầu tư chưa giải tỏa, thu hồi đất của dân và người dân vẫn sản xuất trên đất nên chủ đầu tư không thể chịu trách nhiệm về thiệt thòi của dân.
Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Hữu - Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy, đất và tài sản trên đất của 160 hộ dân nói trên đã được kiểm kê, áp giá và thu hồi, giải tỏa nhưng chưa được đền bù, hỗ trợ. "Từ tháng 8.2010, dân đã chặt cây cối để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. Các diện tích trồng cây hàng năm chủ đầu tư cũng không cho dân tiếp tục sản xuất"- ông Hữu khẳng định.
Cũng theo ông Hữu, chính quyền xã Lộc Thủy đã nhiều lần kiến nghị huyện và Sở NNPTNT thực hiện chi trả tiền đền bù, hỗ trợ cho người dân, nhưng đến nay mọi chuyện vẫn rơi vào im lặng.
An Sơn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.