Chăm lo sức khỏe cho... thợ làng

Thứ hai, ngày 19/11/2012 11:44 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Làng nghề Quảng Bố (xã Quảng Phú, Lương Tài, Bắc Ninh) là một làng nghề thủ công phát triển “nóng” nên các thói quen lao động vẫn như cũ, chưa có ý thức về an toàn lao động.
Bình luận 0

Sức khỏe thợ làng: Báo động!

Làng nghề Quảng Bố vốn nổi tiếng cả nước với nghề làm các sản phẩm phục vụ nội thất, xây dựng… như ổ điện, phích cắm điện; thanh chống trượt, ốp tường, vòi nước, linh kiện đồng hồ điện, công tơ nước, van xe máy, ổ khóa Việt Tiệp các loại. Làng có 952 hộ với gần 4.000 khẩu thì có tới 63 hộ đã phát triển thành các công ty lớn, sử dụng hàng ngàn lao động. Tuy nhiên, là một làng nghề thủ công phát triển “nóng” nên các thói quen lao động vẫn như cũ, chưa có ý thức về an toàn lao động.

img
Thợ làng nghề chưa quan tâm tới bảo hộ lao động.

Năm 2011, Trạm Y tế xã Quảng Phú đã phối hợp với Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động – Môi trường và Giám định y khoa Bắc Ninh lần đầu tiên thực hiện một cuộc “đại kiểm tra” sức khỏe thợ nghề trong xã, trong đó đặc biệt kiểm tra sức khỏe thợ nghề ở Quảng Bố. Bác sĩ Đinh Văn Kháng- Trạm trưởng cho biết, đó là đợt kiểm tra trên quy mô lớn với hơn 300 lao động được khám và đo thính lực.

Kết quả làm nhiều thợ làng “giật mình” vì loại I chỉ chiếm tỷ lệ 17,7%; sức khỏe loại II chiếm tỷ lệ 28,3%, còn lại là loại III, IV, V. 36,7% số lao động bị bệnh tai mũi họng, 34,2% bị bệnh liên quan tới răng và 12,5% bị rối loạn cơ xương khớp do ngồi nhiều. Khám bệnh điếc nghề nghiệp cho 50 người lao động thì tới 28% có dấu hiệu suy giảm thính lực chủ yếu ở tần số 4.000Hz.

Ngay sau khám sức khỏe, nhiều lao động đã có ý thức hơn trong việc tự bảo vệ mình. Anh Nguyễn Văn L - thợ hàn cho biết, bình thường, thợ làng như anh chỉ có bệnh rất nặng mới đến viện, bình thường không ai để ý tới bệnh nghề nghiệp nên thường chủ quan không mặc đồ bảo hộ lao động. Sau khi biết bệnh (phổi), anh điều trị bệnh kịp thời và có ý thức đeo găng, đeo khẩu trang, kính mắt khi làm việc.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Nghinh (Trung tâm Bảo vệ sức khỏe môi trường lao động tỉnh Bắc Ninh) cho hay, song song với khám bệnh cho lao động, ngành y tế cũng lựa chọn 30 hộ gia đình và 5 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình y tế lao động; tập huấn cho 150 người là các chủ hộ sản xuất, giám đốc doanh nghiệp và lao động về một số bệnh nghề nghiệp và bệnh liên quan đến lao động hay gặp trong lao động làng nghề và biện pháp dự phòng…

Cần nhân rộng trong cả nước

Làng nghề Quảng Bố là một trong những đơn vị tiếp cận Chương trình “Cung cấp dịch vụ y tế lao động cơ bản cho lao động nông nghiệp, làng nghề và nhân viên y tế”. Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Bích Diệp - chuyên gia của Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường (Bộ Y tế) cho biết, những làng nghề triển khai được hoạt động như ở Quảng Bố chưa nhiều. Lý do là người làm nghề “ngại” mất thì giờ, ngại phải đầu tư tiền bạc cho việc giảm thiểu ô nhiễm ở quy mô cơ sở và cả làng nghề.

Chương trình gồm các nội dung: Tư vấn an toàn vệ sinh môi trường lao động; Hướng dẫn trạm y tế về khám sức khỏe định kỳ, khám sức khỏe nghề nghiệp cho người lao động làng nghề; Tổ chức đánh giá yếu tố nguy cơ trong môi trường lao động; Tổ chức vận động các hộ gia đình thực hiện vệ sinh lao động.

Chẳng hạn như ở làng nghề tái chế nylon (phường Tràng Minh, quận Kiến An, Hải Phòng) số người làm nghề và cả người dân quanh vùng thường xuyên phải hít khói đốt nylon độc hại gây bệnh phổi, chịu đựng nguồn nước bị ô nhiễm (nhất là các con mương).

Số liệu quan trắc nước thải ở đây cho thấy hàm lượng nitơ tổng, NH3-N, coliform đều vượt chỉ tiêu cho phép, đặc biệt hàm lượng coliform vượt tiêu chuẩn cho phép tới 800 lần Tuy nhiên, người làm nghề chưa quan tâm tới xử lý khói và nước thải vì chi phí lớn.

Hiện, các dịch vụ y tế làng nghề được tiếp cận từ Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Bảo vệ sức khoẻ lao động và môi trường. Cán bộ 2 cơ quan này sẽ tham gia nghiên cứu đặc trưng nghề nghiệp của lao động nông nghiệp, làng nghề và cơ sở y tế; giám sát môi trường lao động, giám sát sức khỏe người lao động và các phương pháp cải thiện điều kiện lao động. Tuy nhiên, theo tiến sĩ Diệp, chương trình sẽ không thể thành công nếu không có sự tham gia tích cực của thợ làng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem