Đó là ý kiến của ông Nguyễn Thanh Sơn- Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đưa ra trong một hội thảo về Quy chuẩn kỹ thuật đối với sữa dạng lỏng. Bởi vậy, việc sửa đổi quy chuẩn này thực chất là bảo vệ người tiêu dùng.
Người tiêu dùng đang lạc vào ma trận của tên gọi sản phẩm sữa
Những động thái tích cực
Sau 1 năm 4 tháng triển khai lấy ý kiến, Bộ Y tế (đơn vị trực tiếp phụ trách là Cục An toàn thực phẩm) vừa công bố dự thảo tên gọi mới của sữa dạng lỏng (thay thế quy định trong QCVN 5-1:2010, ban hành theo Thông tư 30/2010/TT-BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng) Theo đó, khái niệm “sữa tiệt trùng” (gây nhầm lẫn lâu nay)
Theo dự thảo, “sữa tiệt trùng” được chia thành 3 khái niệm: “Sữa hoàn nguyên” (làm từ sữa bột; thành phẩm gần như sữa tươi), sữa pha lại (sản xuất từ sữa bột) và sữa hỗn hợp (gồm sữa bột và sữa tươi).Cả 3 khái niệm này được gọi đúng theo thông lệ quốc tế (đại diện là Uỷ ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế - Codex) và cách gọi của Bộ Khoa học và công nghệ.
Sữa tươi chia thành: “Sữa tươi nguyên chất” (không bổ sung vi chất), “sữa tươi” (có thể bổ sung đường, hương vị hoa quả...) và “sữa tươi tách béo” (cho người ăn kiêng).
Tại cuộc họp của Cục An toàn thực phẩm lấy ý kiến doanh nghiệp về Dự thảo này (diễn ra ngày 13.4), ông Lê Thanh Phong, Cục trưởng An toàn thực phẩm cho rằng: Quy chuẩn hiện hành góp phần ổn định ngành sữa trong suốt 5 năm qua. Tuy nhiên, ông Phong cũng thừa nhận quy chuẩn gây nhầm lẫn; “cứ sữa dạng lỏng là người tiêu dùng hiểu đó là sữa tươi”. Ông Phong khẳng định, lần sửa đổi này cần đạt 3 mục tiêu: Minh bạch với người dùng; ủng hộ cho ngành chăn nuôi và phù hợp quốc tế.
Hầu hết chuyên gia, nhà quản lý và các hãng sữa (TH True MILK, Sữa Quốc tế IDP, Cô gái Hà Lan, Mộc Châu...) đồng tình với dự thảo. Ông Trần Hùng – Phó Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu gian lận thương mại nhận định: “Để 5 năm mới minh bạch là chậm; các bà mẹ nuôi con đã bị ảnh hưởng quá lâu”. Bà Thái Hương, Chủ tịch TH true MILK cũng nói: “Các nhà khoa học đều biết nhưng không hiểu sao, các anh quên lâu thế?”. Trong cuộc họp đó, chính ông Chủ tịch Hiệp hội sữa Trần Quang Trung cũng lên tiếng khẳng định việc sửa đổi là cần thiết và nói rõ: Thời điểm ban hành quy chuẩn kỹ thuật hiện nay, ông chưa làm Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (chức vụ của ông Trung trước khi nghỉ hưu).
Chậm thay đổi: người tiêu dùng chịu thiệt
Nhiều thăm dò cho thấy, tên gọi “Sữa tươi tiệt trùng”, “sữa tiệt trùng” in trên hộp sữa… là những khái niệm sữa “na ná nhau”, nhưng thực chất lại khác xa nhau ở thành phần, nguồn gốc xuất xứ. Đó chính là những nguyên nhân dẫn đến việc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Thanh Sơn nhấn mạnh, “Sữa tiệt trùng” hiện nay các nhà sản xuất pha lại từ sữa bột đã tách béo, nên khi pha lại thường đưa mỡ thực vật vào. Tuy nhiên, mỡ thực vật không thể thay thế cho AMF (là chất cực kỳ tốt trong sữa tươi) vào”. Chưa kể nhiều loại sữa pha lại từ sữa bột nhập khẩu, không kiểm soát được chất lượng.
Trong cuộc họp bàn về quy chuẩn sữa Việt Nam diễn ra giữa đại diện 3 bộ quản lý sữa là: Công thương, NNPTNT và Y tế vào tháng 2/2016, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu Cục Chăn nuôi sớm hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật sữa tươi nguyên liệu và đề xuất Bộ Y tế bắt buộc phải ghi rõ thành phần nguyên liệu trên bao bì. “Hiện giá sữa trên thế giới đang xuống, các doanh nghiệp sử dụng sữa nguyên liệu sẽ đi nhập khẩu, từ đó đẩy giá sữa trong nước giảm xuống. Nếu có quy chuẩn cũng là biện pháp để bảo hộ, bảo vệ nông dân sản xuất trong nước”- Bộ trưởng Phát nhấn mạnh.
Lắng nghe ý kiến của các Bộ ban ngành cùng đại diện người tiêu dùng trong cuộc Hội thảo lấy ý kiến về Quy chuẩn sữa dạng lỏng lần này, Bộ Y tế đã sửa đổi tích cực, đặc biệt là “đặt đúng tên gọi” cho các khái niệm sữa để đảm bảo minh bạch và công bằng cho nông dân, người tiêu dùng và doanh nghiệpchế biến sữa. Như ý kiến của ông Tống Xuân Chinh- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi:“việc sửa đổi này là phù hợp, để mỗi người dân bỏ đồng tiền trong túi ra họ nhận được sản phẩm đúng chất lượng sản phẩm mà họ uống hay cho con em mình uống. Việc sửa đổi QCVN cũng sẽ hỗ trợ phát triển chăn nuôi trong nước đem lại những thuận lợi cho người nông dân”.
Động thái của Bộ Y tế, Bộ NNPTNT đang hướng tới một thị trường sữa rõ ràng, lành mạnh cho người tiêu dùng. Chậm trễ thay đổi ngày nào, người tiêu dùng chịu thiệt ngày đó. Tuy nhiên, bất chấp nỗ lực của các cơ quan chức năng, nhiều doanh nghiệp vì lợi nhuận của mình mà bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng và “tảng lờ” trách nhiệm phải minh bạch tên gọi sữa, minh bạch nguồn nguyên liệu sữa.
Theo Bộ Công thương, tổng lượng sữa lỏng quy đổi tiêu dùng tại Việt Nam năm 2014 là 1.625,5 triệu lít,bình quân đầu người là 18 lít/người/năm, trong đó chỉ có 6,1 lít là sữa tươi, bằng 34% tổng lượng sữa quy đổi tiêu thụ. Trong khi đó trên thế giới bình quân đầu người là 103 lít/người/năm. Con số này khác nhau ở các khu vực. Cụ thể, Châu Á bình quân 65,6 lít/người/năm (trong đó Trung Quốc 35 lít, Thái Lan 25 lít); châu Âu 205 lít/người/năm; Châu Đại Dương 336 lít/người/năm. Hầu hết lượng sữa tiêu thụ trên thế giới đều tính theo sữa tươi (tức là bình quân đầu người thế giới là 103 lít sữa tươi/năm) trong khi VN tính theo sữa quy đổi (cả sữa tươi và sữa bột pha dạng lỏng).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.