Chặn dịch cúm gia cầm từ Trung Quốc tràn vào ngay từ biên giới

Việt Tùng Thứ tư, ngày 22/02/2017 13:25 PM (GMT+7)
Trước diễn biến tình hình dịch cúm gia cầm (chủng H7N9) tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp, các lực lượng chuyên ngành đã ra quân kiểm tra đồng loạt tại các cửa khẩu biên giới để ngăn chặn dịch cúm gia cầm có thể lây lan sang nước ta. PV Dân Việt đã có mặt tại Lạng Sơn để ghi nhận tình hình…
Bình luận 0

Sáng nay (22.2), trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Nam Hùng – Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn cho biết, Lạng Sơn có hơn 200km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, hiện việc buôn bán tại các đường mở, tiểu ngạch vẫn diễn ra, do đó nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh là rất cao.

img

Chi Cục Thú y Lạng Sơn kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh cúm H5N9 tại chợ Giếng Vuông sáng 22.2 (ảnh chụp tài ki ốt số 24).

Gà Trung Quốc không có “cửa” tiêu thụ

Những ngày gần đây dư luận đang xôn xao, khi ở một số tỉnh của Trung Quốc đang xảy ra dịch cúm gia cầm H7N9. Vấn đề đặt ra là Việt Nam có tới hàng trăm km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc nên nguy cơ lây nhiễm dịch là rất cao.

img

Cơ quan Thú y tỉnh Lạng Sơn thường xuyên kiểm tra lấy mẫu gia cầm tại các chợ trên địa bàn, nhằm phát hiện sớm các lô gia cầm nhiễm bệnh để kịp thời ngăn chặn (Trong ảnh Cám bộ Thú y tỉnh Lạng Sơn lấy mẫu tại chợ Giếng Vuông sáng 22.2).

Chúng tôi đã tìm về các cửa khẩu, đường tiểu ngạch và một số chợ chuyên buôn bán gia cầm ở Lạng Sơn để tìm hiểu rõ về vấn đề này. Có mặt tại chợ Giếng Vuông (TP.Lạng Sơn), tại đây có đến hàng chục ki ốt bán gia cầm. Theo quan sát của PV, tất cả các ki ốt đã được các tiểu thương rắc vôi bột, vệ sinh phân, lông và các phế phẩm sau khi giết mổ.

Bà Nguyễn Thị Tám, chủ ki ốt 24, chợ Giếng Vuông cho biết, bà đã buôn bán ở đây 20 năm nay, cách đây khoảng 10 năm bà có lấy gà Trung Quốc về bán, vì giá rẻ, vừa túi tiền người tiêu dùng. Tuy nhiên, những năm gần đây thị hiếu của người tiêu dùng đã thay đổi, vì gà ta giá không còn cao như trước, mà chất lượng lại tốt hơn gà Trung Quốc rất nhiều.

“Hiện tôi chỉ bán gà, vịt, ngan ta, trung bình mỗi ngày tiêu thụ khoảng 200kg. Gà Trung Quốc không thể bán được nữa. Gà chủ yếu lấy ở Bắc Giang, giá bán dao động từ 120.000 – 140.000 đồng/kg, vịt, ngan lấy ở Phú Xuyên, Thanh Oai, Thạch Thất… (Hà Nội), giá từ 60.000 – 70.000 đồng/kg, giá phải chăng, mà chất lượng cao hơn rất nhiều so với gà Trung Quốc”.

img

Hầu hết các ki ốt đều buôn bán gà, vịt, gà ta, không có dấu hiệu buôn bán gia cầm Trung Quốc.

Cách ki ốt bà Tám không xa, là ki ốt số 30 của bà Nông Thị Đẩy. Bà Đẩy cho biết, bà cũng có thâm niên buôn bán gia cầm 15 năm tại chợ Giếng Vuông này. Khi được hỏi về việc bà có biết gì về tình hình dịch cúm H7N9 ở Trung Quốc và bà đã làm gì để phòng chống dịch, bà Đẩy thẳng thắn trả lời: “Qua đài, báo, tôi có biết hiện bên Trung Quốc đang có dịch cúm H7N9 và mấy ngày gần đây chúng tôi đã được cơ quan Thú y, quản lý thị trường tuyên tuyền về công tác phòng chống dịch, như việc kiểm soát nguồn gốc gia cầm đầu vào, rồi rắc vôi bột… Nếu dịch xảy ra thì chúng tôi cũng bị thiệt hại, nên chúng tôi rất lo và rất có ý thức chống dịch”- bà Đẩy nói.

Theo quan sát của chúng tôi, tại ki ốt của bà Trọng và các quầy gần đó chủ yếu là bán gà, vit, ngan ta và bồ câu giống Pháp, chứ không có giấy hiệu bán gà, vịt, ngan Trung Quốc nào. Đặc biệt là tất cả các quầy đều được rắc vôi bột trắng xóa.

img

Bà Lê Thị Trọng cho biết, những năm gần đây bà không buôn bán gà Trung Quốc, vì người dân không ăn, mà chỉ buôn bán gà, vịt, ngan ta.

Tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh từ gà “tiểu ngạch”

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Nam Hùng cho biết, mặc dù đã được tuyên truyền và có sự vào cuộc của tất cả các ban, ngành như thú y, quản lý thị trường, biên phòng, hải quan… nhưng Lạng Sơn có tới hơn 200km đường biên giới tiếp giáp với Trung Quốc, ngoài các cửa khẩu chính, còn có hàng trăm đường tiểu ngạch, đường mòn, lối mở, trong khi đó lượng lượng giám sát thì mỏng, nên nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh vẫn rất cao.

img

Tất cả các ki ốt tại chợ Giếng Vuông và chợ Lộc Bình đều đã được rắc vôi bột để phòng chống dịch bệnh.

Theo ông Hùng, hiện Chi cục vẫn thường xuyên lấy mẫu các gia cầm để xét nghiệm 3 nội dung là mẫu gia cầm, môi trường và nước uống. Tuy nhiên, phải ít nhất sau 24 giờ mới có kết quả. “Do đó, nhỡ lô gia cầm đã lấy mẫu xét nghiệm dương tính với vi rút cúm H7N9, thì cũng chỉ có thể truy xuất nguồn gốc, tìm cách thu hồi, khống chế dịch. Nguy cơ “lọt” các lô hàng có dịch là rất cao, song chúng tôi cũng không có cách nào khác, vì không thể tạm giữ hàng của họ trong 24 giờ được” – ông Hùng lo lắng.

Ông Hùng cho biết thêm, ở Lạng Sơn gia cầm chủ yếu được buôn bán tại hai chợ lớn là chợ Giếng Vuông và chợ Lộc Bình. Trong đó, chợ Giếng Vuông chủ yếu buôn bán gia cầm thịt, còn chợ Lộc Bình buôn bán gia cầm giống. Trong khi đó, việc buôn bán gia cầm giữa tiểu thương hai nước vẫn diễn ra. Đây cũng là một trong các khó khăn trong công tác phòng, chống dịch.

Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem