Nhân viên y tế tiêu hủy gia cầm nhiễm bệnh ở Trung Quốc.
Theo thống kê của Trung tâm phòng chống dịch bệnh Trung Quốc, ít nhất 192 người ở nước này được xách định nhiễm virus cúm A(H7N9) trong tháng 1 và 79 bệnh nhân trong số này đã tử vong.
Đây được coi là dịch cúm gia cầm tồi tệ nhất ở Trung Quốc từ khi loại virus H7N9 được phát hiện ở nước này vào năm 2013. Guan Yi, một chuyên gia về bệnh do virus tại trường đại học Hong Kong, cho biết số người nhiễm virus H7N9 tăng là mối quan ngại thực sự.
“Chúng ta đang đối mặt với dịch bệnh lớn nhất trong 100 năm qua”, ông Yi nói với tạp chí Science
Trong thời gian từ 20.12.2016 đến 16.1.2017, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã xác định được tổng cộng 918 người nhiễm virus H7N9, trong đó 359 trường hợp đã tử vong.
Cho đến khi được phát hiện tại Trung Quốc vào tháng 3.2013, virus H7N9 chỉ xuất hiện ở các loài gia cầm. Mặc dù nó dường như không dễ dàng lây truyền từ người sang người, nhưng WHO rất quan ngại về căn bệnh này vì phần lớn bệnh nhân bị ở mức độ nặng.
Phần lớn các trường hợp nhiễm virus H7N9 ở người được xác định là do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm sống hay môi trường bị nhiễm bệnh, đặc biệt là các khu chợ buôn bán gia cầm. Theo báo cáo của WHO, virus H7N9 cho đến nay chưa xuất hiện trong các đàn gia cầm ở ngoài Trung Quốc.
Nguyên nhân khiến số ca nhiễm virus H7N9 tăng nhanh là do môi trường nhiễm bệnh tăng. Trong khi đó, phó giám đốc Trung tâm phòng chống dịch bệnh Trung Quốc Ni Daxin cho biết thời tiết và thói quen mua gia cầm sống của người dân địa phương cũng khiến dịch bệnh lây lan nhanh.
Ông Ni cho biết việc đóng cửa các chợ buôn bán gia cầm sẽ giúp làm chậm tốc độ lây lan của virus H7N9.
“Nếu người dân chỉ mua thịt gà đông lạnh, việc kiểm soát dịch bệnh sẽ dễ dàng hơn nhiều. Giá trị dinh dưỡng của gà đông lạnh tương đương với gà được giết mổ tươi sống, nhưng nó ít rủi ro hơn với sức khỏe”, ông Ni nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.