Virus cúm gia cầm biến đổi liên tục

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 03/10/2015 07:15 AM (GMT+7)
Việc xuất hiện nhiều bệnh viêm đường hô hấp cấp mới, trong đó có cúm gia cầm khiến nhiều chuyên gia y tế quan ngại cúm gia cầm sẽ tổ hợp lại, cho ra đời các chủng cúm mới nguy hiểm hơn.
Bình luận 0

Khó dự báo

Ngày 2.10, tại Hội nghị khoa học y tế dự phòng năm 2015, PGS-TS Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư nhận định, virus cúm, trong đó có cúm gia cầm đang ngày càng biến đổi khó lường, liên tục và đe dọa bùng phát trên diện rộng. 

img

Mua bán, giết mổ gia cầm không rõ nguồn gốc làm tăng nguy cơ lây lan cúm gia cầm (ảnh chụp tại một khu chợ ở Hà Nội). Ảnh:  D.L 

Đơn cử, tháng 9 vừa qua, tại tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện chủng virus cúm A/H5N6 trên vịt. Virus này trước đó (tháng 8.2014) lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam trên đàn gà ở Tràng Định (Lạng Sơn) và vịt nuôi ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Ngay sau đó, virus này đã “tấn công” nhiều đàn gia cầm trên diện rộng dọc theo “hình chữ S” từ Phú Thọ, Bắc Giang “chạy” vào Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Quảng Trị… Virus này đã “tàn phá” đàn gia cầm không kém gì cúm A/H5N1, tuy nhiên, rất may chưa phát hiện ca mắc ở người.

PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Tổ chức Y tế thế giới đánh giá chủng virus cúm A/H5N6 là chủng virus có độc lực cao nhưng chưa có bằng chứng lây truyền từ người sang người. Tuy nhiên, tại các địa phương có cúm H5N6, Bộ Y tế vẫn yêu cầu các cơ sở y tế giám sát chặt chẽ các trường hợp bị cúm, viêm đường hô hấp cấp. Nếu có nghi ngờ dịch tễ liên quan đến H5N6 thì cần kiểm tra kỹ, gửi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm.

“Chu du” khắp nơi

"   Tỷ lệ tử vong ở cúm A/H5N1 rất cao. Vì thế, cho dù chưa tìm thấy ca nhiễm cúm A/H5N6 trên người nhưng người dân vẫn phải cảnh giác với các triệu chứng ho, sốt cao, mệt mỏi, nhất là đối với những người vừa tiếp xúc với gia cầm (buôn bán, giết mổ, ăn gia cầm ốm). Cho dù là cúm gia cầm nào cũng rất nguy hiểm, khiến người bệnh suy hô hấp rất nhanh, khó cứu chữa” .
 PGS - TS  Trần Đắc Phu

PGS Phu nhận định, virus cúm A/H5N6 đã “chu du” ở nhiều địa phương là bằng chứng lây lan chóng mặt của virus này trong quá trình vận chuyển, buôn bán gia cầm hoặc qua chim hoang dã, tương tự như cúm A/H5N1.

GS-TS Đặng Đức Anh -Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cảnh báo, virus cúm A/H5N6  có “họ hàng” với cúm A/H5N1 nên mức độ nguy hiểm cũng tương đương nhau. Cũng do nhiều chủng virus cúm mới, nên các cơ sở điều trị rất khó chẩn đoán, không biết cách điều trị, càng khó dự báo, khó ngăn chặn, không có vaccine dự phòng hay thuốc điều trị đặc hiệu.

PGS Trần Đắc Phu cho biết hiện virus cúm có 3 típ A, B, C, trong đó cúm típ A là thường xuyên có sự biến đổi và có thể tạo thành các chủng virus có độc lực cao, sự lây truyền rộng rãi nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Virus cúm có 16 loại kháng nguyên H và 9 loại kháng nguyên N, do đó, chúng có thể tổ hợp chéo để tạo ra gần 150 típ cúm khác nhau. “Các chủng cúm mới ngày càng mạnh hơn, có khả năng lây sang người với tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, chúng vẫn còn quá ít so với “khả năng” tổ hợp 150 típ cúm. Do đó, chúng ta luôn phải cảnh giác” – PGS Phu cho biết. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem