Chăn nuôi bao nhiêu con lợn, con gà thì phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường?

Thiên Ngân Thứ bảy, ngày 15/04/2023 18:59 PM (GMT+7)
Theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung có quy mô chuồng trại từ 500 đầu gia súc hoặc 20.000 đầu gia cầm trở lên phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Bình luận 0

Ngày 13/5/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, quy định về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường như sau:

Đối với cơ sở chăn nuôi

Các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) bao gồm: Dự án, phương án đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung có quy mô chuồng trại từ 500 đầu gia súc hoặc 20.000 đầu gia cầm trở lên; cơ sở chăn nuôi, chăm sóc động vật hoang dã có quy mô từ 50 động vật hoang dã trở lên; 

Đồng thời dự án, phương án sản xuất, kinh doanh phải lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường (trừ dự án đầu tư xây dựng cơ sở chỉ chăm sóc động vật hoang dã tập trung).

Chăn nuôi bao nhiêu con lợn, con gà thì phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường?  - Ảnh 1.

Trang trại chăn nuôi lợn quy mô gần 2.000 con lợn thịt, 100 lợn nái của gia đình bà Trần Thị Thục, xã Như Hoà, huyện Kim Sơn, Ninh Bình được xây dựng xa khu dân cư, luôn có biện pháp bảo vệ môi trường. Ảnh: Vũ Thượng

Các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường bao gồm: Dự án, phương án đầu tư xây dựng cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm có quy mô chuồng trại từ 100 đến dưới 500 đầu gia súc hoặc từ 5.000 đến dưới 20.000 đầu gia cầm; cơ sở chăn nuôi, chăm sóc động vật hoang dã tập trung có quy mô từ 05 động vật hoang dã đến dưới 50 động vật hoang dã.

Theo đó, Báo cáo đánh giá tác động môi trường trang trại chăn nuôi nhằm thu thập và xử lý các số liệu về khí tượng thuỷ văn, kinh tế xã hội, môi trường tại khu vực thực hiện dự án. Báo cáo đề xuất cấp phép và đánh giá môi trường sẽ được cơ quan chức năng tiếp nhận (Sở Tài nguyên và Môi trường) và công bố công khai trên cổng thông tin điện tử.

Đối với cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi

Các dự án phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường: Dự án đầu tư xây dựng cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi công suất từ 1.000 tấn sản phẩm/năm trở lên. Các dự án này thuộc đối tượng phải vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải và phải lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.

Các dự án phải đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường: Dự án đầu tư xây dựng cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi có công suất từ 200 tấn sản phẩm/năm đến dưới 1.000 tấn sản phẩm/năm.

Theo quy định của Luật Chăn nuôi, với hình thức chăn nuôi khác nhau thì sẽ phải đáp ứng các điều kiện chăn nuôi khác nhau. 

Chăn nuôi bao nhiêu con lợn, con gà thì phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường?  - Ảnh 2.

Hộ chăn nuôi xây dựng hầm biogas để xử lí chất thải chăn nuôi. Ảnh: T.L

Ví dụ đối với trang trại chăn nuôi lợn: Vị trí xây dựng phù hợp, đáp ứng yêu cầu về mật độ chăn nuôi; có đủ nguồn nước đảm bảo xử lý chất thải và chất lượng chăn nuôi; có biện pháp bảo vệ môi trường; có chuồng trại, trang thiết bị với từng loại vật nuôi.

Đặc biệt, phải có khoảng cách an toàn từ trang trại chăn nuôi đến những nhà hàng xóm và từ nguồn gây ô nhiễm đến trang trại chăn nuôi.

Chăn nuôi nông hộ: Chuồng nuôi tách biệt nơi ở của người; định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc dụng cụ, chuồng trại chăn nuôi…

Để tránh gây ô nhiễm môi trường khu dân cư, đô thị, theo khoản 1, Điều 12, Luật Chăn nuôi quy định: cấm nuôi lợn trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư trừ nuôi làm cảnh, nuôi trong phòng thí nghiệm mà không ô nhiễm môi trường.

Như vậy, luật chỉ cho phép nuôi lợn làm cảnh, trong phòng thí nghiệm và không làm ô nhiễm môi trường nhưng nếu nuôi trong vùng không được phép nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư thì sẽ bị cấm. 

Trong đó, việc quy định khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Cơ quan này sẽ trình Hội đồng nhân dân quyết định.

Việc chăn nuôi nhỏ lẻ của các hộ gia đình phải đảm bảo quy định tại Điều 56 Luật Chăn nuôi: Định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi. Có các biện pháp phù hợp để vệ sinh phòng dịch, thu gom, xử lý phân, nước thải chăn nuôi, xác vật nuôi và chất thải chăn nuôi khác theo quy định của pháp luật về thú y và bảo vệ môi trường.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem