Chăn nuôi chết dần và nguy cơ bị nhấn chìm

Song Anh Thứ năm, ngày 25/06/2015 09:30 AM (GMT+7)
Chủ trang trại Trần Minh Phương ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai từng có đàn gà hơn 2.000 con, nhưng từ năm 2014, anh đã treo chuồng và bỏ nghề chăn nuôi... Đây chỉ là một ví dụ về việc hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang “chết dần” vì gặp quá nhiều khó khăn, bất lợi.
Bình luận 0

Dẹp đàn, kiếm nghề khác

Nói về nguyên nhân phải dẹp đàn, anh Phương cho biết, do nuôi gà gặp dịch bệnh nhiều, giá thành sản xuất cao, không cạnh tranh nổi với gà nhập khẩu, gia đình anh bị lỗ vốn triền miên.

img
Hộ nông dân Nguyễn Thị Hà chăn nuôi lợn quy mô nhỏ tại thôn Cổ Liên, xã Cổ Đông, Sơn Tây, Hà Nội.Ảnh: Đàm Duy

“Mình nuôi gà chi phí hết 29.000 – 30.000 đồng/kg gà nguyên con còn sống bắt tại chuồng. Thương lái mua xong giết mổ, làm sạch, vận chuyển bán ra thị trường giá 42.000 – 43.000 đồng/kg. Trong khi đó gà nhập khẩu về chỉ có 20.000 – 25.000 đồng/kg. Giá gà nhập khẩu rẻ thế, nên hầu hết các hàng quán, bếp ăn tập thể, khu công nghiệp đều dùng gà ngoại nhập, bỏ gà nội. Chưa gì mà mình đã mất thị trường trong nước như thế, đến khi ký kết TPP, thuế suất nhập khẩu giảm còn 0% thì mình lấy gì mà cạnh tranh cho lại? Thôi dẹp đàn, kiếm nghề khác làm... cho khỏe” – anh Phương ngậm ngùi chia sẻ.

Tương tự, nông dân Võ Hữu Chín ở thị xã Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) cũng đã treo chuồng từ hơn một năm nay. Trước đây anh có đàn lợn 50 con nái, 400 con lợn thịt, nhưng dịch bệnh liên miên, giá rớt lên rớt xuống, lại bị thương lái ép giá, cạnh tranh không nổi với lợn của các công ty nước ngoài nên anh đành treo chuồng, bỏ nghề, chuyển qua làm đại lý cung ứng thức ăn chăn nuôi.


Nông dân
Võ Hữu Chín
(Tây Ninh)
  Con lợn
tôi nuôi giá thành khoảng 45.000 – 50.000 đồng/kg, trong khi các công ty nước ngoài như CP, Japfa nuôi chỉ có giá thành 39.000 đồng/kg thì hỏi sao mình cạnh tranh nổi mà không phá sản?
 

 

“Mình thì bé như con kiến, trong khi các doanh nghiệp ngoại thì nguồn lực, tiền bạc dồi dào, lại có công nghệ cao. Họ có cả một hệ thống từ con giống, nhà máy thức ăn đến lò giết mổ, hệ thống phân phối thành một chuỗi khép kín. Chính vì thế giá thành chăn nuôi của họ luôn thấp hơn mình. Như con heo tôi nuôi giá thành khoảng 45.000 – 50.000 đồng/kg trong khi Công ty CP (Charoen Pokphand Group, một tập đoàn lớn của Thái Lan, có đại diện tại Việt Nam), hay Công ty Japfa (một công ty Indonesia liên doanh với Hà Lan) nuôi chỉ có 39.000 đồng/kg thì hỏi sao mình cạnh tranh lại mà không phá sản?” - anh Chín giải thích.

Ở Đông Nam Bộ - khu vực được coi là “thủ phủ” chăn nuôi của Việt Nam, nếu khoảng 10 năm trước, số lượng hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 80 - 85%, trang trại lớn chiếm 15 - 20%, thì ngày nay, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã “chết” gần hết, chỉ trang trại lớn còn tồn tại. “Với con lợn, thời gian gần đây giá cả tốt, bà con mới rục rịch tái đàn, còn với con gà thì gần như bỏ hết. Nông hộ nào tồn tại được cũng đã trở thành trại nuôi gia công cho các công ty nước ngoài” – ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai phản ánh thực trạng khắc nghiệt, điều mà ông dù không muốn cũng phải nhìn nhận.

Nhận diện 7 điểm yếu

Phóng viên NTNN đã đem câu chuyện về thực trạng chăn nuôi ở Đông Nam Bộ nói riêng và cả Việt Nam nói chung, cũng như những nguy cơ khi Việt Nam tham gia TPP... trao đổi với GS-TS Vũ Chí Cương – Phó Viện trưởng Viện Chăn nuôi (Bộ NNPTNT). Và vị GS - TS này đã chỉ ra 7 điểm yếu cố hữu của ngành chăn nuôi Việt Nam dẫn tới sự yếu kém hiện nay và nguy cơ sẽ “chết chìm” khi TPP được thực hiện.

GS-TS Vũ Chí Cương chỉ rõ: Điểm yếu thứ nhất là quy mô manh mún, nhỏ lẻ. Tổng giá trị sản xuất của toàn ngành chăn nuôi nước ta hiện đạt khoảng 140.000-150.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chăn nuôi cả nước chủ yếu vẫn là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chỉ có khoảng 23.000 trang trại (cơ sở chăn nuôi đạt doanh thu từ 500 triệu đồng/năm trở lên), ít hơn nhiều so với các quốc gia khác. Vì quy mô nhỏ lẻ nên sức cạnh tranh yếu.

Điểm yếu thứ hai là giá thành sản xuất cao. Trước hết là đầu vào thức ăn phụ thuộc quá lớn vào nhập khẩu, dẫn tới chi phí sản xuất cao. Đối với chăn nuôi, giá thức ăn đã chiếm tới 65-70% chi phí. So với các nước trong khu vực, giá thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn cao hơn khoảng 10%. Nguyên liệu thức ăn phụ thuộc từ nhập khẩu khiến giá thức ăn chăn nuôi Việt Nam luôn cao hơn các nước trong khu vực 10-15%. Vì thế giá thành các sản phẩm gia súc, gia cầm tăng cao.

Thứ ba, một số loại dịch bệnh như lở mồm long móng, cúm gia cầm vẫn hoành hành, gây nhiều thiệt hại cho người chăn nuôi. Không kiểm soát tốt dịch bệnh là nguyên nhân làm người tiêu dùng quay lưng lại với sản phẩm chăn nuôi. Mỗi khi có dịch bệnh ở lợn thì có 40,55% số người tiêu dùng tạm ngừng mua thịt lợn; 31,45% chuyển thịt lợn sang mua các loại thịt khác, 11% chuyển sang chọn mua thịt đông lạnh sạch ở trong các siêu thị. Mỗi khi có dịch cúm gà, thì 75% số người tiêu dùng ngừng mua thịt gà; 21,3% sẽ mua ít hơn trước; 24,6% chuyển sang thịt lợn, bò.

Thứ tư, chất lượng con giống đưa tới người chăn nuôi chưa đảm bảo. Trong khi lợn giống tại các nước sinh sản đạt 25-26 con/lứa thì Việt Nam vẫn ở mức 17-20 con. Trong số 20 quốc gia có số lượng lợn lớn nhất, Việt Nam đang đứng hàng thứ 3 với khoảng 4,5 triệu con (sau Trung Quốc: 50 triệu con và Mỹ: 5,8 triệu con). Tuy nhiên, do chăn nuôi manh mún, năng suất thấp, chất lượng giống kém nên sản lượng thịt xuất chuồng (kg/nái/năm) của Việt Nam xếp ở thứ 20 với năng suất thấp.

Thứ năm, công nghệ chế biến, giết mổ chủ yếu là thủ công, thiếu điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cũng góp phần làm giảm giá trị gia tăng của sản phẩm chăn nuôi. Hiện nay, giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp còn khá ít, chỉ chiếm khoảng 20% trên tổng lượng thịt sản xuất.

Thứ sáu, về môi trường chăn nuôi, mật độ chăn nuôi lợn ở Việt Nam lớn hơn hẳn các quốc gia khác, vì vậy ngành chăn nuôi sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý ô nhiễm và dịch bệnh.

Thứ bảy, công tác chuẩn bị thị trường yếu kém. Chăn nuôi vừa manh mún về quy mô, lại tổ chức sản xuất chăn nuôi kiểu cũ, thiếu tính liên kết giữa khâu sản xuất và thị trường tiêu thụ nên hiệu quả kinh tế không cao, thiếu sự phối hợp giữa người sản xuất và thị trường để tạo ra một chuỗi liên kết ổn định. Do chưa quan tâm đến thị trường nên sản xuất theo phong trào, mạnh ai người nấy làm và chỉ bán hàng hóa mình có chứ chưa bán hàng hóa thị trường cần, chưa quan tâm đến các thói quen tiêu dùng và thị hiếu ẩm thực của thị trường.

“Với tất cả các đặc điểm nêu trên, khi gia nhập TPP, khả năng cạnh tranh của các hàng hóa chăn nuôi là thấp nếu không muốn nói là quá thấp. Và vì lý do này, rất nhiều người lo ngại ngành chăn nuôi Việt Nam bị “nhấn chìm” do TPP” - GS - TS Vũ Chí Cương đánh giá.

TS Nguyễn Duy Lượng  - Phó Chủ tịch Ban chấp hành T.Ư Hội NDVN: Giành thế chủ động

Trong chuỗi giá trị chăn nuôi gồm có: Giống, thức ăn, thú y, chuồng trại, nuôi dưỡng và thị trường. Hiện tại, có 3 khâu: Giống, thức ăn và thị trường là khó khăn, khó kiểm soát nhất. Tôi chú ý đến khâu giống, bởi hiện tại có tới 90% giống gà, 74% giống lợn phải nhập ngoại; 79% số bò nhân ra không rõ nguồn gốc. Cả nước có 4 triệu hộ nuôi lợn thì có 70% số hộ nuôi dưới 5 con; 7 triệu hộ nuôi gà thì 60% nuôi dưới 49 con; 95% hộ nông dân không nắm được thông tin thị trường... Thế thì, làm sao có chất lượng cao, giá thành hạ được. Về thức ăn chăn nuôi, gần như các công ty nước ngoài khống chế giá và thị trường, cũng như bản thân họ tổ chức chăn nuôi tại Việt Nam, biến nông dân thành người làm gia công cho họ. Như vậy, việc giành lại thế chủ động cho các khâu trên là việc lâu dài, khó khăn…; trách nhiệm trước hết là nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp.  
 
Ông Bùi Kiến Thành -  Chuyên gia kinh tế:  Cần có cách bảo hộ

Nếu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam không giảm được giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng thì thị trường sẽ bị chiếm lĩnh bởi thịt ngoại. Để giảm được, chắc chắn chính sách của Nhà nước là hết sức quan trọng. Kinh tế thế giới đã thay đổi rất nhiều. Chính sách của Nhà nước phải làm sao để người nông dân cũng có thể áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học để nâng cao chất lượng, năng suất, hạ giá thành sản phẩm, chuẩn bị cho sân chơi TPP. Song song với các chính sách phát triển chăn nuôi trong nước đó thì một số biện pháp bảo hộ Nhà nước cần tính đến: Thứ nhất là bảo hộ bằng lộ trình thuế quan, cách thức bảo hộ này tuy không triệt để nhưng khả thi trong khuôn khổ TPP. Biện pháp này cần được tận dụng triệt để cho ngành chăn nuôi. Thứ hai, bảo hộ bằng các biện pháp kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ.  

Mai Hương - Hải Sơn (ghi) 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem