Chăn nuôi thủy sản: DN ngoại độc chiếm

Thứ hai, ngày 27/08/2012 06:47 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) chăn nuôi, thủy sản Việt Nam đang điêu đứng thì một số doanh nghiệp nước ngoài lại xem đây là cơ hội để đẩy mạnh đầu tư, mở rộng chiếm lĩnh thị phần.
Bình luận 0

Với tiềm lực tài chính mạnh, các DN nước ngoài đang dần thâu tóm các lĩnh vực kinh doanh được cho là béo bở ở Việt Nam hiện nay là chăn nuôi, sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN), thủy sản…

Mở rộng sản xuất

 img
Xây dựng chuỗi phân phối thực phẩm sạch đang là chiến lược của nhiều công ty.

Trái với tình trạng ảm đạm của các doanh nghiệp, trang trại trong nước khi liên tục phải bỏ đàn hoặc đóng cửa một số trại nuôi lợn, thì cuối tuần trước, Tập đoàn Japfa Comfeed Vietnam đã đưa vào hoạt động Công ty Di truyền giống Japfa Hypor (liên doanh với Hà Lan) và trại heo giống cụ kỵ tại Long An.

Chưa tính Công ty Di truyền giống, chỉ với riêng trại heo giống đã có tổng số vốn đầu tư lên đến 5 triệu USD với trang thiết bị hiện đại như hệ thống thông gió của AP (Mỹ), khung nhà của Betco (Mỹ), hệ thống máng ăn, máng uống, lồng của Canada, sử dụng phần mềm quản lý Agrovision (Hà Lan)…

Ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) lại cho rằng, hiện mới chỉ có 50 nhà máy sản xuất TACN nước ngoài trên tổng số 245 nhà máy sản xuất TACN cả nước và họ cũng chưa đủ để chi phối thị phần. Song theo chính một lãnh đạo Bộ NNPTNT đã từng thừa nhận, các doanh nghiệp sản xuất TACN đang siêu lợi nhuận và thực chất họ đã chiếm tới 60% thị phần rồi.

Ngay sau khi hoạt động, trong tháng 9 tới, công ty này sẽ nhập khẩu khoảng 700 con giống cụ, kỵ từ Canada và Pháp, với trị giá khoảng 1,5 triệu USD để khai trương hoạt động của trại heo. Mục tiêu của việc xây dựng trại giống này được Japfa lý giải là, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt heo chất lượng cao tại thị trường nội địa, cũng như phục vụ mục tiêu xuất khẩu thịt heo Việt Nam trong tương lai gần.

Như vậy, Tập đoàn Japfa Comfeed (100% vốn của Indonesia) sau khi vào Việt Nam đầu tư vào năm 1995 đã ngày càng “bành trướng” hơn với 5 nhà máy TACN, 1 công ty di truyền giống, hơn 20 trại heo bố mẹ, cụ kỵ và hàng trăm trang trại heo và trang trại gà, nhà máy giết mổ… tại nhiều tỉnh trên cả nước. Cùng với CP, Emivest và Japfa, “bộ ba” này chiếm gần như toàn bộ thị trường gà giống công nghiệp, thị trường gà thịt công nghiệp và đang phát triển mạnh mẽ sang ngành chăn nuôi heo và chế biến thực phẩm.

Với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (CP), người anh cả trong “bộ ba” nói trên, với tiềm lực tài chính kinh tế mạnh, thì thời buổi khó khăn này lại được CP xem là cơ hội để mở rộng đầu tư, chiếm lĩnh thị phần. Mới đây CP đã lên kế hoạch xây dựng chuỗi 10.000 điểm bán lẻ, cửa hàng trên cả nước cung cấp thực phẩm sạch. Chiến lược của CP là sẽ hợp tác với những đối tác, nhà người dân có mặt bằng đẹp để xây dựng cửa hàng. Công ty sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu và chỉ dẫn hình thức kinh doanh, bảo đảm chế biến.

Ông Komon Liumnimit- Phó Tổng Giám đốc CP Việt Nam cho hay: “Kinh doanh thực phẩm sạch đang là xu hướng phát triển tất yếu, mà doanh nghiệp nào cũng phải nhắm đến”. Để thực hiện tham vọng này, CP xây dựng nhiều nhà máy sản xuất TACN, chế biến thực phẩm, cùng với việc phát triển hệ thống chăn nuôi khép kín để hỗ trợ việc xây dựng, phát triển chuỗi thực phẩm sạch này. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang xúc tiến tìm kiếm đối tác ở Việt Nam để xây dựng chuỗi phân phối thực phẩm sạch ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương…

Thị trường béo bở

Đối với ngành sản xuất TACN, trong khi nhiều doanh nghiệp trong nước đang phải thu hẹp sản xuất hoặc phá sản, thì ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất TACN có vốn đầu tư nước ngoài lại liên tục bành trướng mở rộng ra.

Chỉ trong tháng 6 vừa qua, Công ty CP đã cho khởi công xây dựng nhà máy TACN mới ở Bình Định có công suất 216.000 tấn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư hơn 416 tỷ đồng. Công ty TNHH New Hope (Trung Quốc) cũng xây dựng thêm 1 nhà máy sản xuất TACN tại đây. Trước đó, Công ty TNHH Cargill Việt Nam (thuộc Tập đoàn Cargill - Mỹ) đã khánh thành nhà máy sản xuất TACN thứ 9 tại Việt Nam với công suất 240.000 tấn/năm, đưa tổng công suất sản xuất TACN của công ty lên 1 triệu tấn/năm. Công ty này dự định đến năm 2015 sẽ nâng tổng công suất sản xuất lên 1,5 triệu tấn...

Không chỉ thức ăn gia súc, gia cầm, mà thức ăn cho chăn nuôi thủy sản cũng đang bị các doanh nghiệp ngoại nắm thị phần chi phối. Ông Dương Ngọc Minh- Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài trong ngành thủy sản như Uni President, CP, Grobest, TomBoy… đang nắm trong tay tới 95% thị phần thức ăn cho tôm. Bên thức ăn cho cá tra thì các DN: Cargill, Green Feed, Proconco, Anova… chiếm thị phần cũng trên 60%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem