Xuất thân của Thạch Tú
Thạch Tú “ra mắt” Thủy Hử ở hồi 43, nhân chuyện Bệnh Quan Sách Dương Hùng, lúc đó là Áp ngục phủ Kế Châu, bị đám vô lại xin đểu rồi quây đánh. Thấy chuyện bất bình, Thạch Tú liền ra tay cứu giúp. Chuyện này được bộ đôi đầu lĩnh Lương Sơn Bạc Đới Tung – Dương Lâm tận mắt chứng kiến.
Đầu lĩnh có xuất thân và hành tung bí ẩn nhất Lương Sơn Bạc: Thạch Tú.
Và đây là lời Thạch Tú giới thiệu về mình với bọn Đới Tung: “Tôi họ Thạch tên Tú, quê ở phủ Kim Lăng, từ thuở nhỏ theo đòi võ nghệ. Người ta gọi là Biện Mệnh Tam Lang (chàng ba liều mạng – NV). Sau theo chú đi buôn ngựa, bất đồ giữa đường mất hết tiền nong, đành phải lưu lại ở đất Kế Châu mà hái củi kiếm ăn cho qua ngày tháng”.
Khi Thạch Tú kết nghĩa huynh đệ với Dương Hùng, Thi Nại Am cũng để chàng nói một câu: “Tiểu đệ năm nay hai mươi tám tuổi, kém Tiết Cấp 1 niên, vậy xin Tiết Cấp cho tiểu đệ bái làm Ca Ca”. Trong câu chuyện với Phan Công - bố vợ Dương Hùng, Thạch Tú “hé lộ” thêm đôi chút về thân thế “Phụ thân tôi ngày trước có làm nghề mổ thịt lợn, song đến tôi thì lưu lạc giang hồ, không sao nối nghiệp... Từ nhỏ ăn cơm nhà hàng thịt, làm chi mà không biết nghề mổ lợn”.
Tiếp đó, tác gia họ Thi tả qua một chút về chuyện kinh doanh của họ Thạch: “Thạch Tú giữ coi sổ sách xếp đặt công việc, sắm sửa các thứ quầy, dao, bàn, đá, mua mười lăm con lợn về đó, rồi chọn ngày tốt để khai trương. Hôm khai trương, bạn bè hàng xóm láng giềng đến chè chén rất là đông đúc, nên việc buôn bán cũng nhờ đó, mà càng ngày càng thêm phát đạt…”.
Như vậy, chúng ta có đươc những nét phác thảo cơ bản về Thạch Tú trước cuộc hội ngộ với bọn Đới Tung và kết nghĩa với Dương Hùng, do chính chàng nói ra như sau: 28 tuổi, quê gốc Kim Lăng, sinh ra trong một gia đình có cha làm nghề mổ bán thịt lợn, từ nhỏ ham mê luyện võ nghệ, giỏi thạo côn quyền, lúc trưởng thành thì theo chú đi buôn ngựa, rồi gặp chuyện đen đủi mất hết tiền bạc phải sống tạm bằng nghề kiếm củi ở Kế Châu.
Con nhà mổ lợn sao văn hoa, lễ nghĩa đến thế?
Trong tất cả những chi tiết mà Thạch Tú hé lộ về bản thân, không hề nhắc đến chuyện học hành ra làm sao, tri thức đến mức nào. Nhưng lối suy nghĩ, cách hành xử của Thạch Tú hoàn toàn khác xa với một thanh niên “con nhà mổ lợn”, “chỉ ham võ nghệ”, đến lúc gặp nghịch cảnh lại đành “hái củi kiếm ăn cho qua ngày”.
Thạch Tú suy nghĩ sâu sắc, văn hoa lễ nghĩa, khác xa xuất thân “con nhà mổ lợn”.
Chúng ta hãy đến chuyện Thạch Tú, sau hơn 2 tháng ở nhà Dương Hùng, một lần đi lấy mối hàng về thì thấy cửa hàng thịt lợn của mình bị Phan Công đóng cửa. Khi đó “Thạch Tú vốn là người tinh ý, thấy vậy tự nghĩ trong bụng rằng: Người nào tử tế suốt đời! Hoa nào thắm mãi không phai bao giờ?”.
Rõ là người có học, thậm chí học sâu hiểu rộng mới có lối suy nghĩ văn hoa như thế. Hành xử của chàng sau đó cũng rất chi là chuẩn mực: đem lợn bỏ vào chuồng, vào phòng thu xếp hành lý, biên một tờ đơn hàng cẩn thận, tới gặp Phan Công, cung kính ngỏ lời: “Xin trượng nhân hãy nhận cái đơn hàng này cho. Tôi đã biên rất là minh bạch, nếu có một chút gì tư ý, thì nguyện xin trời chu đất triệt không tha...”.
Đến khi được Phan Công hóa giải sự hiểu lầm, bởi chuyện tạm đóng cửa hàng thịt là để làm lễ giỗ 2 năm cho đời chồng trước của Phan Xảo Vân – vợ Dương Hùng, thì Thạch Tú nói thế này: “Nếu quả vậy, thì tôi xin lưu lại ở đây, để giúp đỡ trượng nhân, không dám phàn nàn chi cả”.
Rõ ràng, tới đây đã hiện ra một hình ảnh Thạch Tú rất khác. Không hề giống một tay võ biền, phiêu bạt tứ xứ như đại đa số những hảo hán Lương Sơn có xuất thân thấp kém khác. Mà đấy là một Thạch Tú, suy nghĩ sâu sắc, lời ăn tiếng nói rất ra dáng con nhà có học, cư xử trước sau lễ nghĩa vẹn toàn.
Cần biết rằng, thời Tống tỉ lệ dân số mù chữ Hán là rất cao (hơn 70%). Trong Thủy Hử, chúng ta cũng biết được rằng, ngay cả Lỗ Trí Thâm làm tới chức Đề Hạt, một chữ bẻ đôi cũng chẳng biết, thì ở đâu lại xuất hiện một Thạch Tú “con nhà mổ lợn” từ lối nghĩ đến cách hành xử lại hệt như kẻ đã nằm lòng Tứ Thư, Ngũ Kinh đến vậy?
Một Thạch Tú suy nghĩ sâu sắc
Phan Xảo Vân – Bùi Như Hải lén lút qua lại được một thời gian, Thi Nại Am tả chuyện Thạch Tú nghe tiếng gõ mõ niệm phật (của đầu đà Hồ Đạo – tay chân Như Hải) ở cửa sau nhà thì sinh nghi rằng: “Lối ngõ sau đây là lối ngõ cụt, không còn ai ra vào đến đây, vậy sao lại có người nhà chùa đến gõ mõ niệm Phật làm chi? Việc nầy tất có duyên cớ chi đây ta thử dò xem mới được?”.
Biện Mệnh Tam Lang Thạch Tú & nghĩa huynh Dương Hùng.
Sau khi tận mắt chứng kiến chuyện lạng chạ của cặp đôi này, Thạch Tú hẹn gặp Dương Hùng ở một tử lầu gần phủ Kế Châu, rồi thuật hết cho nghĩa huynh của mình. Kể xong, Thạch Tú còn không quên dặt dò: “Ca Ca không nên nóng tính. Hôm nay về nhà cứ lặng ngắt làm thinh như mọi ngày, rồi đến chiều lại nói dối là phải vào ngủ trong lao, đợi đến canh ba sẽ trở về, gọi cửa, tức đứa gian phu kia phải lòi ra ngay. Bấy giờ tôi xin nắm cổ nó lại để Ca Ca trị”.
Có điều, Dương Hùng uống rượu say sớm làm lộ chuyện, nên Phan Xảo Vân nương đà đổ tiếng xấu cho Thạch Tú. Dương Hùng tin vợ, nên quay sang ngờ Thạch Tú, phá luôn chỗ làm ăn buôn bán của nghĩa đệ. Khi đó Thạch Tú xử lý thế nào? Vẫn sâu sắc vô cùng!
“Thạch Tú trở dậy, thấy quầy bàn gãy nát tứ tung, thì nghĩ đến chuyện Dương Hùng: - Anh chàng này chắc đêm qua say rượu, nói phọt ra hết rồi, chị chàng ấy làm kế phản gián cho anh em chia rẽ nhau đây...Được, nếu vậy đành chịu lui một bước, rồi sẽ liệu”. Rồi chàng về phòng thu xếp khăn gói, giắt lấy con dao lưng, từ biệt Phan Công, tạm lánh ra ngoài.
Nếu là kẻ khác, thì hẳn sẽ ôm hận trong lòng. Nhưng Thạch Tú thì lại không như thế. Từ suy nghĩ: “Anh ta tuy bây giờ nghe ả mà giận ta, song ta đây không chấp những chuyện nhỏ mà làm hại nghĩa lớn. Vậy ta hãy ở đây dò thăm cho ra việc này, rồi sẽ nói cho hắn biết" đến kế sách hành động: “liền quyết chí đến cửa Dương Hùng để thám thính. Một hôm, có tên lính ngục mang chăn đệm của Dương Hùng vào nhà lao, Thạch Tú thấy vậy, đoán chắc là tối đó Dương Hùng ngủ trong lao, chàng liền lập kế dậy sớm để đi bắt gian”.
“Chàng ba liều mạng” nhưng hành động kín kẽ vô cùng
Tiếp đó Thanh Tú, rình tóm được Hồ Đạo, lấy thông tin, một dao đoạt mạng, khoác lên mình trang phục đầu đà để lừa bắt rồi “xử tử” nốt gã sư Bùi Như Hải. Thu thập đầy đủ bằng chứng xong, Thạnh Tú về nhà trọ, chờ cho chuyện hai gã kia bị giết đến tai Quan Phủ rồi chàng mới triển tiếp bước thứ hai.
Thạch Tú triển kế để Dương Hùng giết người vợ lăng loan Phan Xảo Vân.
Bước thứ hai là gì? Chính là mượn lời những tay thích đơm chuyện và trẻ con trong thành để phát đi lời vè thế này: “Sắc giới phá tan/ Dao oan kề cổ/ Tiên nhân hậu quả/ Thực rõ từng ly/ Sinh thì diện mục gớm ghê/ Áo quần trút sách dao kề một bên/ Sư cụ đêm nay tròn quả phúc, Đêm qua sư bác vẫn như điên/ Đầu đà cũng quyết cùng nhau chết/ Cửa Phật khen ai khéo nặng nguyền".
Cái chết của Bùi Như Hải và Hồ Đạo đến Quan Phủ cũng bó tay trong việc điều tra, ấy vậy mà lại xuất hiện lời vè miêu tả chi tiết nguồn cơn đến thế thì rõ ràng là không phải chuyện trùng hợp ngẫu nhiên. Ở trên chúng ta đã “bóc tách” được Thạch Tú là kẻ được ăn học hành đàng hoàng, chữ nghĩa đâu ra đấy. Những câu vè vừa tả chân, vừa bóng gió kể trên chắc chắn phải khởi phát từ chính chàng ta.
Mục đích là gì? Chính là để đánh động đến Dương Hùng. Và bước thứ hai của Thạch Tú đương nhiên thành công thấy rõ: “Về phần Dương Hùng nghe thấy câu chuyện như thế, thì đoán chắc là Thạch Tú làm ra, liền tự ăn năn hối hận trong lòng rồi quay ra vơ vẩn đi tìm Thạch Tú, để hỏi xem đoan đích ra sao”.
Đến lúc Dương Hùng tìm gặp được Thạch Tú thì chàng mới đưa ra bằng chứng cho nghĩa huynh xem. Tới đây, thêm lần nữa một Thạch Tú, suy nghĩ sâu sắc, hành xử kín kẽ lại được Thi Nại Am làm bật lên. Đầu tiên Thạch Tú khuyên Dương Hùng không nên nóng giận mà làm hỏng chuyện: “Anh là một người làm việc quan, không biết pháp luật hay sao? Bây giờ không bắt được quả tang thì giết người ta thế nào được?”
Tiếp đến Thạch Tù bày kế cho Dương Hùng xử lý cô vợ lang chạ: “Gần núi cửa đông có toà Thuý Bình Sơn, rất là tĩnh mịch. Đến mai Ca Ca nói dối là đi lễ, rồi dắt tẩu tẩu và đứa thị nữ lên đó một thể. Đoạn rồi tôi đón ở đó, để ba mặt một lời đối chứng minh bạch”.
Đến lúc Phan Xảo Vân và thị nữ khai tuồn tuột mọi chuyện ở núi Thúy Bình, bản thân đã được giải oan, Thạch Tú mới thủng thẳng buông một câu: “Giờ thế đã ba mặt một lời rồi, còn cách xử trí thế nào xin tuỳ huynh định liệu?. Chờ cho Dương Hùng ra tay xử tử hai nàng kia, Thạch Tú mới dẫn dắt nghĩa huynh của mình lên nhập bọn Lương Sơn Bạc.
“Tôi nói câu này cho Ca Ca vững dạ. Trước đây anh em mình mới gặp nhau trong hàng rượu, có hai người cùng ngồi ở đấy với đệ, rồi đứng dậy đi. Một người là Thần Hành Thái Bảo Đới Tung, ở Lương Sơn Bạc, và một người là Cẩm Báo Tử Dương Lâm. Họ có cho đệ mười lạng bạc, hiện còn để trong bọc đó...Nay anh em ta lên đó, thì còn có điều chi mà ngại!”
Xin tạm kết phần một Thạch Tú bí ẩn bằng lời bàn của Thành Thán ở cuối hồi 45: “Xem Xảo Vân bôi xấu Thạch Tú, cũng như Kim Liên ngày trước bôi xấu Võ Tòng. Song Võ Tòng vì chị dâu buộc phải hiềm nghi, mà im đi xa lánh, chẳng cần phải biện bạch làm gì. Rồi thiên hạ sau này, không ai mà chẳng biết. Còn Thạch Tú thì biện bạch. Biện bạch sau lưng, rồi lại phải trước mặt, bắt con ở biện bạch, rồi lại bắt Xảo Vân cũng thú thực ra, cần cho Dương Hùng biết lòng mình như băng như ngọc mới thôi. Hỡi ơi! Phải đâu Đại Trượng phu thiên hạ, sao có giống người hiểm độc đến như thế?”
Một Thạch Tú không chỉ sâu sắc mà còn hiểm độc? Phần hai của bài viết sẽ sẽ cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về những “mặt tối” của nhân vật đặc biệt này!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.