Cổ Thị vẫn thương yêu Lư Tuấn Nghĩa
Nếu như Phan Kim Liên tư tình với Tây Môn Khánh, khi bị Võ Đại phát hiện thì cùng Vương Bà hạ độc giết chồng; nếu như Phan Xảo Vân hú hí bao lần với sư Bùi Như Hải sau lại đặt điều vu oan cho huynh đệ tốt của chồng – Thạch Tú; nếu như Diêm Bà Tích từ chỗ được Tống Giang giúp đỡ, cưới làm thiếp, chu cấp tiền bạc lại ngang nhiên qua lại với đồng nghiệp của họ Tống rồi dùng bức thư của Tiều Cái ép “Hô Bảo Nghĩa” đủ đường; thì Cổ Thị hiện ra với hình ảnh của một “nạn nhân” hơn là “ác nhân” trong các sự kiện liên quan đến chồng mình – Lư Tuấn Nghĩa.
Cổ Thị - vợ Lư Tuấn Nghĩa chết trong oan khuất.
Trước hết phải khẳng định, bi kịch của Lư Tuấn Nghĩa, từ chỗ là trưởng giả bậc nhất Bắc Kinh, trở thành tội phạm triều đình cùng đường mà nhập về Bến nước, khởi phát từ lớp lớp mưu sâu kế hiểm lừa “Ngọc Kỳ Lân” lên Lương Sơn của Tống Giang – Ngô Dụng, chứ không phải bởi Cổ Thị. Đây là sự khác biệt rất lớn với các sự kiện tương tự trước đó. Hãy cùng điểm qua một lượt:
Phan Kim Liên ngoại tình Tây Môn Khánh, hại chết Võ Đại, Võ Tòng giết đôi gian phu dâm phụ, trở thành tội phạm. Diêm Bà Tích ngoại tình, rồi dùng thư của Tiều Cái ép Tống Giang đủ điều nên mất mạng,lỡ tay giết Bà Tích, họ Tống sợ tội bỏ trốn. Phan Xảo Vân ngoại tình Bùi Như Hải: Dương Hùng - Thạch Tú sau khi giết Xảo Vân cùng 3 mạng người khác, cũng sợ tội mà tính đường lên Lương Sơn. Nhưng vụ Cổ Thị là một câu chuyện hoàn toàn khác!
Cần lưu ý khi Lư Tuấn Nghĩa (mắc mưu Ngô Dụng) quyết đi cúng lễ giải hạn thì Cổ Thị đã nhất mực khuyên can. “Cổ Thị ở đằng sau bình phong chạy ra can rằng - Xin phu quân nghe lời chúng là phải. Người ta thường nói sẩy nhà ra thất nghiệp, vậy can chi mà nghe anh thầy số, bỏ cả cửa nhà cơ đồ mà đem thân đến chốn hang hùm? Chi bằng ở lại nhà đây, sửa lấy một thư phòng tĩnh mịch mà nằm khểnh cầu vui, tự khắc tai qua nạn khỏi, thế chẳng thú hơn sao?”
Rồi khi Lư Tuấn Nghĩa lên dường đi lễ thì có đoạn viết: “Chiều hôm ấy, Lư Tuấn Nghĩa cho Lý Cố dẫn xe cộ đi trước, để đón ở ngoài thành. Cổ Thị thấy xe cộ đem ra, chỉ gạt nước mắt khóc thầm, mà không sao nói được”. Tiếp đến, lúc Lư Tuấn Nghĩa dặn dò thì “Cổ Thị vâng lời mà rằng: - Trượng phu đi đó xin cẩn thận giữ gìn, thỉnh thoảng lại viết thơ về cho tôi biết”.
Trước khi Lư Tuấn Nghĩa bị lừa lên Lương Sơn, mang danh tội phạm triều đình, Cổ Thị là người vơ nhất mực thương yêu chồng.
Đấy là những chi tiết cho thấy Cổ Thị không hề muốn rời xa Lư Tuấn Nghĩa, mong chồng luôn ở bên mình, trước sau luôn quan tâm tới “Ngọc Kỳ Lân”. Một kẻ bị coi là đàn bà lăng loàn, có máu ngoại tình tuyệt nhiên không bao giờ cư xử như Cổ Thị cả. Phải ngược lại mới đúng!
Cổ Thị có ngoại tình không?
Nếu đặt chuyện Cổ Thị tư thông với tâm phúc của chồng – Lý Cố bên cạnh những vụ ngoại tình “kinh điển” trước đó của Thủy Hử chúng ta sẽ thấy sự khác biệt rất rõ ràng. Các vụ Phan Kim Liên – Tây Môn Khánh, Phan Xảo Vân – Bùi Như Hải, Diêm Bà Tích – Trương Văn Viễn được Thi Nại Am miêu tả vô cùng chi tiết và trực tiếp, bắt đầu ra sao, diễn biến thế nào, ngồn ngộn sự kiện. Nhưng ở vụ Cổ Thị - Lý Cố thì lại gián tiếp qua lời của Yến Thanh.
Hồi 61 có đoạn Yến Thanh tố cặp Cổ Thị - Lý Cố như thế này: “Sau khi Chủ Nhân đi độ nửa tháng, bỗng một hôm thấy Lý Cố về nói với Nương Tử rằng: Chủ Nhân đã quy thuận Tống Giang ở Lương Sơn Bạc, đứng vào hàng Đầu Lĩnh thứ hai và lưu lại ở đó. Đoạn rồi hắn báo với Quan Tư, thông lưng với Nương Tử, chiếm hết cả nhà cửa tư cơ mà đuổi tôi ra ngoài thành mà kiếm ăn quanh quẩn, chịu đói khát”.
Rồi “Chủ Nhân không có mắt ở đằng gáy, sao biết được chuyện sau lưng, bình nhật Chủ Nhân chỉ chuyên chú vào mặt võ nghệ, không đoái đến những việc nhỏ nhen, nhân thế mà Lý Cố tư thông với Nương Tử cũng không hay đến. Ngày nay hai người đó đã mưu mô với nhau, nhận làm vợ chồng. Vậy nếu Chủ Nhân về đó thì quyết bị họ hại chứ không sai”.
Chuyện Cổ Thị - Lý Cố ngoại tình trước sau khi được biết tới qua lời kể một chiều của Yến Thanh.
Giờ chúng ta “tua” nhanh tới đoạn Lý Cố - Cổ Thị bị Trương Thuận - Yến Thanh bắt được trong trận phá Đại Danh Phủ cuối hồi 65, Thi Nại Am viết rất rõ như thế này: “Lý Cố nghe rõ Yến Thanh liền kêu lên rằng: Tiểu Ất Ca tôi với bác có thù hằn gì mà bác bắt tôi... ? Yến Thanh lặng ngắt nắm cổ kéo đi, rồi Trương Thuận cũng bắt cả người đàn bà kia mà đưa về cửa Đông”.
Nếu quả thực Cổ Thị - Lý Cố ngoại tình rồi sợ Yến Thanh biết chuyện mà đuổi “Lãng tử” ra khỏi thành, đúng như lời chàng tố với Lư Tuấn Nghĩa trước đó thì sao họ Lý lại thốt lên một câu ai oán “tôi với bác có thù hằn gì mà bác bắt tôi”.
Chuyện tư tình qua lại giữa Cổ Thị - Lý Cố đúng là có nhiều chi tiết đáng hồ nghi, vô cùng mập mờ. Và ngoài việc nó xuất hiện trong lời kể của Yến Thanh trước sau không hề được Thi Nại Am nhắc tới thêm bất kì ở một đoạn viết nào nữa. Mà Yến Thanh thì có khác gì “người tình nhỏ” của Lư Tuấn Nghĩa? Lời một chiều của Yến Thanh vốn chẳng đáng tin, lại trở thành nguồn cơn gán tội ngoại tình cho Cổ Thị thì vô lý quá!
Cổ Thị đáng thương hơn đáng trách
Đúng là Cổ Thị có thông đồng với Lý Cố báo với quan phủ lừa bắt Lư Tuấn Nghĩa. Nhưng xét trong hoàn cảnh một người đàn bà chân yếu tay mềm, nhận tin họ Lư lên núi làm tướng cướp (vẫn là do mưu Ngô Dụng – Tống Giang), một thân một mình chịu áp lực của kẻ có chồng là tội phạm triều đình, thì đó là lựa chọn cực chẳng đã. Những lời Cổ thị nói trên công đường cũng phần nào cho thấy tâm trạng của nàng:
Lý Cố lòng lang dạ sói, mưu đồ thâm hiểm đúng là đáng chết nhưng Cổ Thị suy cho cùng cũng là nạn nhân, đáng thương hơn đáng trách.
“Việc đó không phải chúng tôi muốn làm hại gì, song nếu không thú ra, thì liên luỵ đến cả chúng tôi. Người ta thường nói: "Một người loạn chín họ bị oan!" hay “Đã đành rằng một người làm việc, thì chết cũng cam tâm, nhưng còn liên luỵ đến chúng tôi thì sao? Vậy bất nhược thú ngay cho khỏi đòn vọt đến thân”. Không tố Lư Tuấn Nghĩa với quan phủ thì Cổ thị cầm chắc tội danh liên đới với kẻ làm phản. Chuyện đẩy chồng vào ngục tù đúng là đáng trách nhưng đấy là cách duy nhất để Cổ thị tự cứu mình mà thôi. Điều này hoàn toàn có thể thông cảm!
Nếu đọc không kĩ Thủy Hử, đa số độc giả đều tin rằng Cổ Thị có liên quan trong việc Lý Cố “bơm tiền” cho bọn Sái Phúc – Sái Khách rồi sau đó là hai tay công sai (Đổng Siêu – Tiết Bá) giết phăng Lư Tuấn Nghĩa. Nhưng trong tất cả các đoạn viết của tác gia họ Thi, chúng ta không hề nhận thấy bất kì một “dấu vết” nào của Cổ Thị cả. Đấy tuyệt nhiên là kế hoạch của riêng Lý Cố nhằm chiếm trọn cơ nghiệp lẫn vợ đẹp của họ Lư mà thôi.
Cuối hồi 61, đoạn Tiết Bá chuẩn bị giết Lư Tuấn Nghĩa, Thi Nại Am viết thế này: “Nói đoạn Đổng Siêu đi ra canh chừng, còn Tiết Bá cầm gậy giơ lên đầu Lư Tuấn Nghĩa mà bảo rằng: - Anh đừng nên trách tôi, đây là tên Lý Chủ quản nhà anh thuê chúng tôi hạ thủ anh. Nếu không chết ở đây thì đến Sa Môn đảo cũng chết, vậy bất nhược tôi kết quả sớm cho xong. Anh có chết xuống âm ty thì cũng đừng oán tôi nhé”.
Và đây là kết cục của Cổ Thị: “Lư Tuấn Nghĩa đứng dậy nói rằng: - Còn có hai đứa gian phu dâm phụ đã bắt đến đây, xin trị tội cho công bằng... Quân sĩ vâng lời, đem Lý Cố trói sang cột bên tả, Cổ Thị trói sang cột bên hữu để trị tội. Tống Giang nói với Lư Tuấn Nghĩa rằng: - Bây giờ không cần phải hỏi tội làm chi, xin Viên Ngoại cứ xử đoán đi là xong. Lư Tuấn Nghĩa vâng lời, tay cầm đoản đao bước ra quát mắng hai người, khoét lấy ruột giữa, bắt tội tùng xẻo cho chết, sai đem vứt bỏ xác đi rồi quay vào tạ ơn các Đầu Lĩnh”.
Bằng chứng ngoại tình của Cổ thị? Không có! Bằng chứng Cổ Thị tham gia vào vụ mưu sát Lư Tuấn Nghĩa? Không có! Nàng chỉ có duy nhất một lỗi, đó là tố chồng – tội phạm triều đình – với quan phủ để cứu chính mình. Nhưng rốt cuộc, Cổ Thị vẫn phải mang tội ngoại tình, hại chồng vào ngục tù, hãm chồng vào cửa tử, cho tới tận lúc chết. Nàng thật đáng thương!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.