Chàng thanh niên tật nguyền rửa bát thuê nuôi ước mơ theo đuổi con chữ

PV Thứ năm, ngày 21/04/2022 07:16 AM (GMT+7)
Nếu gặp được gặp và biết đến Vi Mạnh Hùng, hẳn sẽ không ít người được truyền cảm hứng bởi những câu chuyện từ chính cuộc đời của cậu thanh niên tật nguyền nhưng luôn cố gắng chạm đến ước mơ của chính mình.
Bình luận 0

Vi Mạnh Hùng sinh năm 2004, tại bản Xàn, xã Hữu Khuông (Nghệ An). Một xã dường như bị tách biệt khỏi thế giới bên ngoài bởi lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Từ xã này ra huyện thậm chí chưa có đường bộ, phương tiện di chuyển khả quan nhất là thuyền máy theo sông Nậm Nơn.

Kém may mắn, Hùng bị khuyết tật từ nhỏ. Đến năm 6-7 tuổi em cũng được gia đình cho học đi nhưng chỉ có thể đi những bước tập tễnh. Những tưởng đó sẽ là thiệt thòi lớn nhất cuộc đời nhưng bất hạnh vẫn chưa buông bỏ em. Bố Hùng nghiện ma túy, không chăm lo được cho gia đình.

Mẹ vì thế mà cũng bỏ đi, bỏ cả người chồng lẫn đứa con mà mình đứt ruột đẻ ra. Hùng vẫn không thể quên được cái ngày mà mẹ bỏ đi, Hùng đã đau khổ: "Ngày mẹ bỏ gia đình đi, em chạy theo mẹ nhưng mẹ hất em ra. Lúc đấy mẹ nói không muốn em theo cùng vì em bị… tật nguyền. Mẹ đã làm cho em quá đau…"

Từng lời nói như đâm vào tim gan của đứa trẻ khi ấy chỉ mới 6 tuổi. Chính bởi những vết thương lòng quá lớn, Hùng nói: "Cuộc sống của em chưa bao giờ ổn".

Buông bỏ quá khứ để cố gắng

Dịu đi những vết thương, Hùng cố gắng cho cuộc sống của chính mình và còn vì thương ông bà nội. Hùng nhớ lại những ngày còn nhỏ, ông bà dù đã lớn tuổi nhưng vẫn thay nhau cõng Hùng đến trường. Con đường dài những ngày nắng cháy da, những ngày mưa giông trơn trượt, ông bà không để Hùng phải nghỉ học nếu không có lý do chính đáng.

Thời gian thấm thoát thoi đưa, Hùng cũng học hết cấp một. Lên cấp 2, em học bán trú. Các bạn sẽ được về nhà vào cuối tuần, điều kiện của Hùng khó khăn hơn vì thế mà thường 2 đến 3 tuần em mới về nhà một lần.

Hùng tâm sự: "Trong nhà thương chúng em nhất chắc chỉ có ông bà nội, ông bà là chỗ dựa cho hai anh em trong những năm tháng tuổi thơ không mẹ. May mắn ông bà đã không bỏ rơi chúng em, còn cố gắng làm lụng để cho ăn học đầy đủ".

Chàng thanh niên tật nguyền rửa bát thuê nuôi ước mơ theo đuổi con chữ - Ảnh 2.

Dù bị khuyết tật, nhưng Hùng luôn cố gắng vươn lên. Ảnh: Nguyễn Anh Tài

Vào cấp 3, Hùng theo học ở ngoài huyện cách nhà cả trăm cây số. Từ đây em cũng cố gắng tự lập nhất có thể để giúp đỡ ông bà phần nào khó khăn. Năm lớp 11, Hùng quyết định đến quán ăn gần trường xin phụ việc rửa bát. Hùng làm nhưng không lấy tiền mà em chỉ xin gia đình chủ quán trả công một ngày 3 bữa.

"Em làm không lấy tiền công mà chỉ xin ăn ở quán mỗi ngày 3 bữa. Nếu không làm thì mỗi ngày phải tốn mất 50.000 đồng tiền ăn, nên em phải ráng làm để ông bà đỡ vất vả. Em không muốn ông bà gửi tiền ra cho em vì ông bà rất nghèo" - Hùng tâm sự.

Thời gian đầu khi mới xin việc làm thêm là rửa bát, Hùng giấu không muốn ông bà biết vì sợ ông bà lo lắng. Nhưng rồi cũng có người truyền tai đến ông bà. Ông bà gọi ngay cho Hùng vì lo sợ rằng cậu sẽ bị người ta lừa. Đối với ông bà, còn sức là còn cố gắng để lo đủ cho Hùng.

Hùng còn nhớ như in ngày Hùng xa nhà để lên huyện học. Ông bà đều rất buồn vì sẽ rất lâu mới được gặp cháu một lần. Ông thì ra vườn bắt con gà, bà thì dấm dúi mấy trăm bạc tích cóp đưa cho em. Hùng dặn dò em gái ở nhà ngoan rồi quay người đi mà không dám ngoảnh lại, chỉ sợ sẽ không kìm được dòng nước mắt.

Hùng học không giỏi, lại còn tật nguyền, động lực lớn nhất để em có thể kiên trì theo đuổi việc học là vì ông bà.

Chàng thanh niên tật nguyền rửa bát thuê nuôi ước mơ theo đuổi con chữ - Ảnh 3.

Kể từ khi đi học xa nhà, Hùng xin đi rửa bát thuê để đổi lấy 3 bữa ăn hàng ngày với suy nghĩ rằng mong ông bà không phải gửi thêm tiền ra cho mình. Ảnh: Nguyễn Anh Tài

Nuôi ước mơ đỗ đại học

"Mong ước lớn nhất của em bây giờ là gì?

- Em mong muốn sau này công việc ổn định để giúp đỡ ông bà đỡ vất vả. Em muốn bố mẹ em quay lại với nhau để giống như bao người, bao tổ ấm khác. Ước mơ của em như thế là đủ rồi…"

Đó là những chia sẻ chân thành của Hùng. Để đạt được ước mơ đó, Hùng đang nỗ lực hết sức để có thể thi đỗ đại học.

Thầy Đậu Xuân Việt (Chủ nhiệm lớp 12L, Trường THPT Chương Dương 1, Nghệ An) cho biết, tuy học lực của Hùng chỉ ở mức trung bình khá nhưng cậu rất chịu khó, cần cù tuy nhiên tiếp thu hơi chậm vì yếu hệ vận động do bệnh từ nhỏ. Nói năng và đi đứng vận động đều khó khăn.

Nói về người học trò mà mình thương như con, thầy Việt tâm sự: "Ngoài học hành, tôi hỗ trợ mọi cái liên quan đến em Hùng. Chẳng hạn như kinh tế, cần cái gì mà chưa có thầy cho mượn, ăn uống thiếu thốn xuống phòng thầy ăn cơm cùng bởi vì mình cũng ở kí túc cả.

Thằng bé cũng coi mình như một người ruột thịt, cứ hôm nào rảnh là nó lại chạy xuống chơi. Phòng mình hôm nào bận chưa quét, Hùng xuống quét nhà, chưa dọn gàng nó xếp lại cho."

Hằng ngày, bất kỳ lúc nào rảnh là Hùng lại học, em luôn cố gắng dùng sự cần cù để bù cho những khiếm khuyết của mình.

Thầy Việt hay nói với các bạn trong lớp là "Các bạn được nửa đức tính của Hùng thì các bạn học rất giỏi rồi". Trong đối nhân xử thế thì Hùng rất lễ phép với thầy cô, hòa đồng với bạn bè, lễ nghĩa với ông bà.

Theo thầy Việt, Hùng học được các môn tự nhiên hơn các môn xã hội. Thầy sẽ cố gắng giúp đỡ và định hướng cho Hùng, nếu Hùng không đỗ đại học thì thầy sẽ giúp em học để có một cái nghề.

Ngoài thầy Việt, thầy Nguyễn Anh Tài cũng là thầy giáo đã đồng hành cùng Hùng trong những năm tháng tại trường cấp 3. Hiểu được và cảm phục nghị lực vươn lên của Hùng, thầy đã đăng tải câu chuyện của em lên trên mạng xã hội TikTok.

Dưới các video đã có hàng chục ngàn lượt xem và bình luận bày tỏ sự cảm phục trước nghị lực và lòng hiếu thảo của Hùng. Thầy Tài cho biết: "Tôi muốn truyền cảm hứng cho mọi người về nghị lực sống từ tấm gương của Hùng".

Chỉ còn vài tháng ngắn ngủi nữa là kì thi quan trọng trong cuộc đời Hùng sẽ đến. Để dành toàn bộ sức lực cho kì thi này, Hùng đã xin nghỉ tạm thời việc bưng bê ở quán ăn để tập trung vào việc ôn thi. Cậu muốn ra Hà Nội thi đỗ vào trường Đại học mà mình mơ ước. Hùng muốn sau này khi tốt nghiệp có được công việc ổn định, kiếm tiền quay trở về báo hiếu với ông bà và nuôi dưỡng tiếp việc học hành của người em gái đang học lớp 9"…

* Nguồn ảnh: Thầy giáo Nguyễn Anh Tài

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem